Hơn 180.000 người mắc ung thư mỗi năm: Cách để phát hiện bệnh sớm

Tin tứcThứ Ba, 12/03/2024 15:03:00 +07:00
(VTC News) -

Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 180.480 người mắc mới ung thư, việc phát hiện muộn dẫn đến tốn kém trong điều trị, tỷ lệ tử vong cao.

Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với nước nghèo, đang phát triển. Thống kê của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho thấy, ở Việt Nam, hàng năm khoảng 180.480 người mắc ung thư, 120.184 ca tử vong. Phần lớn người bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

“Ung thư là một trong những bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế xã hội”, ông Nguyễn Bá Tĩnh, Phó giám đốc Quỹ Ngày mai tươi sáng nói tại lễ ký kết hợp tác giữa Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng với Công ty Gene Solutions (đơn vị trong lĩnh vực di truyền học), ngày 12/3.

Việc phát hiện và chẩn đoán bệnh ung thư thường khá muộn dẫn đến tốn kém trong điều trị và tỷ lệ tử vong cao. Để không bỏ qua “giai đoạn vàng” điều trị thì việc phát hiện và chẩn đoán sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến biện pháp can thiệp, kết quả điều trị và tiên lượng bệnh.

“Các hoạt động tầm soát phát hiện sớm ung thư và hỗ trợ người bệnh mang lại cơ hội cũng như cải thiện chất lượng sống và điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam”, ông Tĩnh nói.

Hiện các phương pháp sàng lọc ung thư đều được các hiệp hội y khoa, ung thư trên thế giới khuyến cáo rõ ràng như chụp nhũ ảnh với ung thư vú; nội soi ống mềm đối với dạ dày, đại trực tràng, mỗi bệnh ung thư sàng lọc khác nhau.

Năm năm trở lại đây, xét nghiệm gene sàng lọc ung thư được thử nghiệm tại các bệnh viện ở Việt Nam trong các bệnh ung thư gan, dạ dày, phổi, vú, đại trực tràng. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm chỉ là dữ liệu bổ trợ, không thay thế các phương pháp sàng lọc truyền thống.

Chi phí xét nghiệm này đắt đỏ (khoảng 7 triệu đồng), vì vậy, những người trên 40 tuổi có thể thực hiện phương pháp này nếu muốn tìm thêm các yếu tố nguy cơ chuyên sâu.

Trên thị trường nhiều đơn vị quảng cáo chỉ xét nghiệm máu để tìm ung thư. Các bác sĩ đều gặp bệnh nhân lo lắng đến khám khi xét nghiệm máu bị chẩn đoán ung thư. Đây là phương pháp xét nghiệm máu tìm marker ung thư (chất chỉ điểm ung thư), không phải gene, được khuyến cáo trong theo dõi tái phát bệnh.

“Muốn biết bị ung thư hay không chỉ có kết quả giải phẫu bệnh mới trả lời được. Thậm chí, tại phòng mổ có sinh thiết tức thì nhưng vẫn không phải là chẩn đoán vàng trong ung thư, các bác sĩ chờ giải phẫu bệnh mới kết luận chính xác. Vì vậy, người dân nên thận trọng trong việc xét nghiệm máu sàng lọc ung thư”, ông Tĩnh khuyến cáo.

Quỹ Ngày mai tươi sáng được thành lập năm 2012. Những năm qua, đơn vị này hỗ trợ hàng trăm nghìn bệnh nhân ung thư trên cả nước.

Việc điều trị ung thư rất tốn kém nên Quỹ cũng là đơn vị đứng ra thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân, đều là thuốc đắt tiền. Có liều thuốc lên tới 60 triệu/lọ, quá trình điều trị là 35 liệu trình nếu không được hỗ trợ theo các chương trình mua 1 tặng 1, người bệnh khó tiếp cận được thuốc. Hay, viên thuốc trị giá 1 triệu đồng, mỗi ngày bệnh nhân uống 4 viên. Nếu không hỗ trợ, người bệnh không thể có tiền theo liệu trình điều trị.

Từ khi thành lập tới nay, số tiền hỗ trợ bệnh nhân từ quỹ lên tới 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 79 nghìn người dân được sàng lọc ung thư miễn phí thực hiện hàng năm.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn