Hội Điện ảnh VN: "Dẹp" đi hay tiếp tục sống thực vật?

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 23/07/2010 12:06:00 +07:00

(VTC News) - Giải Cánh Diều với nhiều tai tiếng và lộn xộn trong khâu tổ chức. Giải Diễn viên Điện ảnh triển vọng bị công luận lên án là "chạy giải"...

(VTC News) - Giải Cánh Diều với nhiều tai tiếng và lộn xộn trong khâu tổ chức. Giải Diễn viên Điện ảnh triển vọng bị công luận lên án là "chạy giải"... Chỉ thấy nổi cộm lên những sự cố như vậy, ngoài ra, Hội Điện ảnh Việt Nam làm được gì nhiều trong suốt những năm qua? Người trong nghề và cả ngoài nghề luôn nghi ngờ, Hội sống hay tồn tại kiểu thực vật?

 

Kết thúc kỳ Đại hội Hội Điện ảnh sau ba ngày làm việc (từ 20/7 tới 22/7/2010 tại Hà Nội), nhiều hội viên vẫn cảm thấy băn khoăn: Liệu sau kỳ họp này, với ban chấp hành (BCH) mới, Hội có tăng cường các hoạt động tương tác với các hội viên hay không? Mang tính chất là hội nghề nghiệp nhưng liệu Hội có mang tới những quyền lợi thiết thực cho anh em và góp phần vào sự phát triển của nghành điện ảnh VN?

 

Một điều dễ nhận thấy nhất là cảm giác buồn nản, buông xuôi của không ít anh chị em hội viên khi suốt những năm qua, họ không cảm nhận được “bàn tay” của Hội, thậm chí có người cho rằng, hội thiếu gắn kết, không có những hoạt động thiết thực, cụ thể và Hội chỉ tồn tại với cái hư danh hơn là một Hội nghề nghiệp đang “SỐNG” với những hoạt động cụ thể.

Thậm chí, chính các ủy viên BCH Hội cũng chẳng mấy khi “ló mặt” tới Hội; những hội viên được coi là lớp “cây đa, cây đề” của điện ảnh VN hiện tại như Nhà biên kịch, phê bình Đỗ Mạnh Tuấn thì cho báo giới biết: “5 năm tôi không biếtBCH gồm những ai”. Còn nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát khẳng định: “Có những ủy viên BCH Hội bận làm phim, có khi cả năm chẳng đến Hội”…

 

Không ít người thở dài: Cứ tình trạng đó, liệu có nên để Hội Điện ảnh VN tồn tại? 


Tuy nhiên, bên cạnh những nỗi niềm bỏ ngỏ thì hầu hết anh chị em nghệ sĩ trong ngành điện ảnh vẫn mong muốn có được một hậu phương vững chắc, một Hội nghề nghiệp theo đúng nghĩa để được gặp gỡ, trao đổi, bảo vệ quyền lợi và tìm kiếm những cơ hội phát triển. Sau Đại hội, chúng tôi chọn ba ý kiến đại diện cho ba “thành phần” góp mặt trong Đại hội, họ là diễn viên, là nhà sản xuất, là đạo diễn đồng thời là những gương mặt được coi là thế hệ trẻ, sung sức của điện ảnh VN về những mong muốn cụ thể cho sự phát triển của Hội Điện ảnh VN khóa tới này.

 

Diễn viên Mỹ Uyên: Cứ như hiện tại thì dẹp hội đi cho rồi!


Tôi nghĩ rằng, sau mấy ngày Đại hội vừa qua, không chỉ tôi mà rất nhiều hội viên đều mong mỏi rằng nếu còn hội thì Hội hãy chú trọng tới các hội viên nhiều hơn, tổ chức nhiều hoạt động hơn. Đừng như thời gian qua, nói là Hội viên Hội Điện ảnh mà cả năm chúng tôi không thấy hoạt động gì hết. Đôi khi chúng tôi tự hỏi, Hội thành lập ra để nâng cao hoạt động nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho anh em mà không thấy “động tĩnh” gì thì kết nạp thành viên làm gì?

 


Diễn viên Mỹ Uyên.

Tôi rất thích câu nói của anh Bùi Thạc Chuyên, anh ấy nói, chúng ta đã có một bộ máy, vậy chúng ta phải vận hành thế nào, nếu không vận hành thì nó sẽ cũ đi. Vậy nếu lãnh đạo cầm đầu cỗ máy không hoạt động thì làm sao mỗi thành viên biết phải làm gì?

 

Là những hội viên của Hội, chúng tôi rất muốn đóng góp và làm một việc gì đó song rất tiếc là Hội chưa tận dụng hết “nguồn lực” của mình. Chúng tôi không đòi hỏi phải có những cuộc gặp mặt thường xuyên đông đủ nhưng hãy có những hoạt động cụ thể để thấy được Hội đang sống, đang hoạt động. Chứ nếu chỉ thành lập Hội để có một kỳ Đại hội, bầu bán nọ kia, phát biểu những tuyên ngôn to tát mà không đi vào những hoạt động thiết thực cho mỗi hội viên thì thôi… dẹp Hội cho rồi.

Hiện tại, một việc nhỏ nhất mà Hội cũng chưa khiến các Hội viên tự giác được, đó là đóng tiền. Hôm qua, tôi phải đi “gõ đầu” từng anh chị ở TP.Hồ Chí Minh ra để thu tiền… hội phí và rất nhiều người ớ ra, hỏi là đóng tiền gì, đóng bao nhiêu. Bởi Hội không hoạt động thường xuyên nên các hội viên không nắm được cả những điều cơ bản nhất.

 

Tôi mong rằng, trong nhiệm kỳ này, Hội hãy quay lại và phát huy những hoạt động nghề nghiệp thiết thực: ví như trước đây đã có những lớp đào tạo diễn xuất nhưng giờ… mất tiêu. Giờ đây Hội có thể tổ chức các lớp đào tạo diễn viên triển vọng để cung cấp cho ngành với số tiền học phí vừa phải, không quá mắc như một số lớp học mang tính kinh doanh khác.

 

Rồi những cuộc thi, những cuộc tìm kiếm gương mặt cho điện ảnh: Hội có thể đứng ra xin tài trợ và “ra lệnh” cho các Hội viên đứng ra tổ chức bằng chính kinh nghiệm nghề nghiệp và tiếng nói của mình thay vào việc để xảy ra điều nọ tiếng kia: làm ẩu, mua giải như với cuộc thi Ngôi sao ngày nay mới tổ chức vừa qua.

 

Nhà sản xuất phim Phước Sang: Muốn có tiếng nói, phải có tài chính

 

Với tôi, Hội là nơi gặp gỡ anh em, là Hội chuyên ngành, bảo vệ quyền lợi của anh em nghệ sĩ, bảo vệ quyền lợi của người làm nghề, bên cạnh đó, Hội cũng có những hoạt động tôn vinh thành quả lao động nghệ thuật của anh em nghệ sĩ, như giải Cánh Diều Vàng.

 

Chính vì thế mà có những bộ phim mà thị trường và Cục điện ảnh (tức các nhà quản lý) đánh giá khác nhưng Hội điện ảnh sẽ có một tiếng nói nghề nghiệp tôn vinh, bảo vệ nó với tính chất sáng tạo.


Nhà sản xuất Phước Sang.

Thú thực mà nói, hiện tại, Hội vẫn chưa có những hoạt động thường xuyên hay những cuộc gặp gỡ hội viên, mở ra những cuộc thi hay cuộc vận động sáng tác trong hội viên nhằm phát triển nghề nghiệp cho hội hay nói cách khác là để Hội có tiếng nói tác động tới từng hội viên. Tôi nghĩ, khó khăn có thể nằm ở vấn đề tài chính? Và khi có ngân sách cho những hoạt động này thì sẽ tập hợp được anh em chứ nếu chỉ nói không thì rất khó.

 

Theo tôi, Hội phải có ngân sách hay một cái quỹ, nói chung là phải có tiền. Ví dụ Hội muốn nói nên làm bộ phim này, nên làm bộ phim kia, phải làm phim cho thật hay nhưng Hội có bỏ tiền ra đầu tư không? Tiếng nói của Hội sẽ có trọng lượng hơn nếu Hội có kinh phí.

 

Cho tới nay, tôi không rõ nguồn ngân sách của Hội thế nào, phân bổ ra sao nhưng tôi nghĩ không chỉ tôi mà những anh em khác sẽ rất sẵn lòng đầu tư, hỗ trợ khi Hội có những dự án hấp dẫn, những chương trình hoạt động cụ thể, giúp cho nghành, cho những người làm nghề và cho chính bản thân tôi.

 

Nếu bây giờ Hội không có những chương trình hành động cụ thể thì khó nói được chuyện gì. Ngay cả việc phát triển Hội viên của Hội cũng rất yếu nên không thể kêu gọi hay tập hợp được những hội viên trẻ, nhiệt huyết và hiện đang sống chết với nghề vào Hội.

 

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Hội nên phát triển nguồn lực trẻ, tìm nguồn đầu tư

 

Cho tới thời điểm này, mọi người đều nhận ra, đối với điện ảnh VN nói chung và Hội Điện ảnh VN nói riêng thì vấn đề đào tạo trở thành vấn đề hàng đầu, sống còn. Trước khi vào BCH Hội, Chuyên đã tham gia thành lập, tổ chức hoạt động cho Trung tâm Hỗ trợ tài năng điện ảnh trẻ và bắt đầu việc đào tạo này cách đây 5 năm bằng cách lập các dự án và những khóa đào tạo ngắn hạn.


Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, ủy viên mới của BCH Hội ĐA VN. 

Chuyên đã được tiếp xúc với các em nhỏ, những bạn trẻ, họ vô cùng háo hức, đam mê và đầy nhiệt huyết. Họ khao khát được góp phần vào việc phát triển nền điện ảnh VN và đưa điện ảnh VN đến với thế giới. Điều này đã kích thích thêm nhiệt huyết cho Chuyên và Chuyên mong rằng, khi vào BCH Hội, Chuyên vẫn tiếp tục được làm mảng đào tạo. Chuyên hy vọng rằng, Hội sẽ tìm được những nguồn kinh phí lớn để phục vụ cho việc đào tạo này. Nhưng Hội cũng phải đặt ra những mục tiêu và có chiến lược rõ ràng để nâng cao việc đào tạo này lên. 

Hiện tại, điện ảnh VN đang bị thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, không chỉ trong khâu diễn viên mà trong cả lĩnh vực hóa trang, làm âm thanh, dựng phim… Hy vọng, trong khóa tới, có sự thay đổi nào đó trong BCH mới để nâng cao hơn việc đào tạo nghề nghiệp, đây cũng là một trong những đòi hỏi thiết thực của thị trường điện ảnh hôm nay.

 

Một mặt khác của việc đào tạo, đó là việc tăng cường các cuộc giao lưu ví dụ như liên hệ để đưa những gương mặt trẻ, những cá nhân đoạt giải trong các cuộc thi nghề nghiệp tham dự những Liên hoan phim Quốc tế để họ hiểu đời sống điện ảnh thế giới. Hay Hội có những tiểu ban tư vấn về bản quyền, thành lập những Hiệp hội về diễn viên, Hiệp hội về đạo diễn, Hiệp hội về các nhà sản xuất phim để bảo vệ quyền lợi của anh em và phát triển nghề nghiệp. Ví như với truyền hình hiện nay, chúng ta đang có chế độ cào bằng, mỗi phim chỉ ngần ấy tiền thôi và chất lượng sàn sàn nhau chỉ vì phải làm sao cho rẻ nhất, như thế sẽ giết chết sáng tạo và không có ai muốn làm một bộ phim hay hơn nữa… Nếu các hiệp hội ra đời, sẽ có những tiếng nói đấu tranh, nâng cao giá trị của một sản phẩm lên, nhằm làm cho đời sống của anh em biên kịch, đạo diễn, diễn viên trẻ được tốt hơn…

 

Thục Nhi 

Bình luận
vtcnews.vn