Học sinh TP.HCM mong không phải nghĩ đến vị thứ, xếp hạng trong lớp

Giáo dụcChủ Nhật, 17/02/2019 07:11:00 +07:00

Tại chương trình gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM đầu xuân Kỷ Hợi 2019, một lần nữa chuyện áp lực bài vở lại được đông đảo học sinh đề cập.

Đa phần các em đều mong muốn có được một môi trường học tập thân thiện, sinh động, thực hành nhiều hơn lý thuyết và không phải suốt ngày suy nghĩ đến vị thứ, xếp hạng. Không ít học sinh còn hiến kế góp phần giảm áp lực, tạo hứng thú cho việc học trong thời gian tới.

Chương trình học nhiều môn còn nhàm chán, nội dung thiên về lý thuyết, rất ít thực hành, cách dạy của thầy cô đa phần vẫn quy củ, không tích cực đổi mới khiến không khí lớp học tẻ nhạt… Đây là nhận xét của nhiều học sinh tại TP.HCM khi nói về chất lượng giáo dục hiện nay.

hocsinh

 Học sinh mong muốn có được một môi trường học tập thân thiện, sinh động, thực hành nhiều hơn lý thuyết .

Việc chương trình quá tải, kiến thức nặng nề tạo nên nỗi ám ảnh khiến không ít học sinh sợ đến trường. Đến trường đã vậy, về nhà, học sinh phải dành nhiều thời gian để hoàn thành bài tập. Vì vậy tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo thành phố có học sinh đề xuất từ năm sau mong được giảm tải bài tập dịp Tết vì quá mệt mỏi. Câu chuyện độ nặng của chiếc ba lô cũng là đề tài được nhiều học sinh bàn đến.

Trương Tấn Phát, học sinh Trường THCS Hoàng Quốc Việt ở quận 7 cho rằng ngành giáo dục đào tạo TP.HCM và các trường cần sớm có giải pháp để giảm bớt số lượng tập vở mà học sinh phải mang đi học.

“Tập vở hiện tại của chúng em là quá nhiều. Một môn có thể tụi em phải mang đến 4 cuốn tập vừa bài tập vừa bài học. Đó là môn chính còn với môn phụ mỗi môn mang 1 cuốn thì cộng lại thành quá nhiều”.

Trương Tấn Phát cho rằng, nếu được, nhà trường có thể linh động để học sinh viết bài tích hợp đối với các môn phụ và luân phiên gửi vở trên lớp nhằm hạn chế thấp nhất số tập vở phải mang đi học mỗi ngày.

Trong khi đó Ngô Triệu Vy, học sinh Trường THCS Linh Trung ở quận Thủ Đức lại than rằng, chính việc xếp hạng học sinh từ bậc trung học cơ sở đang tạo áp lực cho các em. Từ tiểu học chuyển lên lớp 6, nhiều học sinh bị sốc khi không nằm trong top thứ hạng cao và nhận về không ít chỉ trích từ phía phụ huynh.

Theo Ngô Triệu Vy, việc quy định thứ hạng trong lớp vô tình tạo nên nhiều tính xấu và ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Bị so sánh, cảm thấy mình yếu kém, nhiều học sinh đâm ra chán nản chuyện học hành.

 “Từ lúc lên bậc THCS việc xếp hạng học sinh trong lớp đã vô tình tạo nên áp lực cho học sinh rất nhiều nên xảy ra việc ganh tỵ, đố kỵ lẫn nhau. Đặt vào trường hợp bị ba mẹ tạo áp lực, khi đó học sinh dễ thấy rằng mình có cố gắng như thế nào cũng không được ba mẹ công nhận", học sinh Ngô Triệu Vy nói.

hocsinh2

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với các em học sinh. 

Đa phần học sinh cho rằng điều các em cần nhất chính là một môi trường học tập thân thiện và sự kết nối chặt chẽ với giáo viên. Thế nhưng, nhiều tiết học vẫn trôi qua trong nhàm chán chỉ vì không ít thầy cô ngại tiếp cận công nghệ, chọn cách dạy “đọc -chép” cho an toàn.

Theo Võ Trung Hiếu, học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều ở quận Tân Bình, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cách dạy khô khan sẽ không thể hiệu quả. Do đó, nhà trường cần tạo điều kiện để giáo viên thay đổi, cập nhật giáo án theo hướng mở nhằm kích thích sự sáng tạo, tư duy của người học.

Võ Trung Hiếu bày tỏ: “Các thầy cô nên tiếp cận với công nghệ thông tin nhiều hơn và cần lồng vào giáo án những đoạn clip, những hình ảnh vui nhộn khiến cho tiết học sinh động hơn. Hoặc các thầy cô cũng có thể đưa ra những chỉ dẫn giúp học sinh thiết kế bài học hoặc trình bày trên powerpoint".

Không chỉ trong việc đổi mới cách học, cách dạy mà Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong còn cho rằng, việc thiết kế các sân chơi cho thiếu nhi thành phố trong thời gian tới cũng phải quan tâm đến yếu tố công nghệ. Vì nếu không tạo dựng một thế hệ trẻ thông minh, rất khó để thành phố triển khai thành công đề án Đô thị thông minh như đã đề ra. Cùng với đó là nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm kích thích tinh thần ham học, khám phá, nghiên cứu của học sinh về các vấn đề thiết thực trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng TP.HCM hiện quá ít sân chơi cho thiếu nhi, hoạt động tại các nhà thiếu nhi quận huyện còn quá nghèo nàn, cần phải bổ sung sớm nhất có thể để tạo điều kiện giúp học sinh tiếp cận những giá trị mới trong thời hiện đại.

“Đặc biệt sân chơi của những dự án sắp tới phải để cho thiếu nhi thành phố tiếp cận đến những hoạt động của thành phố. Xây dựng thành phố thông minh phải có con người thông minh. Việc tạo ra các hoạt động, sân chơi để tiếp cận các thiết bị thông minh hay các hoạt động của thành phố thông minh hiện đã được các nước, trong đó có Nhật Bản làm rất tốt", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Lãnh đạo TP.HCM cho biết, thời gian tới thành phố sẽ triển khai đồng loạt nhiều đề án nhằm tạo môi trường học tập, vui chơi tốt hơn cho học sinh với mục tiêu nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn