Hẹn hò nơi sáu tầng mây

Tổng hợpThứ Sáu, 04/03/2011 04:26:00 +07:00

Sa Pa có đỉnh Phan-si-pang cao chót vót 3143 mét trên dãy Hoàng Liên Sơn, được mệnh danh "Nóc nhà Đông Dương", có thể cho là ở vào tầng mây thứ sáu...

Lên tới chín tầng mây đã là cõi Niết Bàn rồi - Cõi Tiên.

Sa Pa có đỉnh Phan-si-pang cao chót vót 3143 mét trên dãy Hoàng Liên Sơn, được mệnh danh "Nóc nhà Đông Dương", có thể cho là ở vào tầng mây thứ sáu, rất gần Cõi Tiên. Đó là nơi hẹn hò lý tưởng cho các cặp tình nhân, yêu trong mây bay, yêu trong tuyết buông. Như ôm ấp bao bọc những mối tình say. Lãng mạn không nơi nao sánh bằng.

 

Trang thông tin điện tử dulichsapa.com công bố rất lạc quan, rằng trong hai ngày mồng 1 và 2 tháng giêng năm 2011, Tết của người Mông, có hơn 4.000 du khách tới Sa Pa. Thời tiết ban ngày từ 5 đến 6 độ C. Về đêm 2 độ C. Ai cũng hy vọng được nhìn thấy tuyết rơi hoặc băng giá.

Đóng laptop lại. Mỉm cười. Đâu phải chỉ có mình tôi dở hơi. Bỏ lại Hà Nội ấm nồng lên đây đón gió lạnh ở nơi tít tắp cao sáu tầng mây, chỉ với hy vọng lạc thú cho hai con mắt và chụp vài bức hình ngoạn mục post lên mạng?

Xuống đường. Sa Pa chưa đủ lạnh đóng băng giá. Càng không đủ cóng khô để cho tuyết trắng bay rơi. Nhưng sương mù thì eo ơi quấn quanh dày đặc cả cái thị trấn nhỏ bé này. Trên 4.000 du khách cùng với dân địa phương và từ Lao Cai lên, lũ lượt chảy trôi chậm rãi trên các đường phố ngắn đổ về "Chợ Tình". Tựa như những con người nhỏ bé này được nhúng trong một cái chảo khổng lồ bùng nhùng bọt xà bông. Băng giá có cái hay của băng giá. Tuyết có cái kỳ thú của tuyết. Mà sương mù cũng thú vị làm sao đâu dễ có ngoài Sa Pa. Ở tầm nhìn xa năm mét, những gương mặt người nhòe đi như bức ảnh chụp không nét. Lại cũng mờ mờ ảo ảo như tranh mực nho vẽ trên giấy dó vậy. Nhưng vẫn nhận ra cái háo hức tươi vui qua đôi mắt, môi cười, hàm răng trắng phô và âm thanh xuýt xoa nức nở. Một chút ẩm ướt của "quá mù ra mưa" cũng chỉ đủ đọng lại những hạt nước li ti trên áo gió và đôi hàng mi đen. Chính được nhúng trong cái cảnh sương mù dày đặc ấy mà ta mới nhận ra trong từng hơi thở nóng hôi hổi thổi phả quầng lên như khói. Dịu êm và ấm êm.

Không chỉ vì khí tượng thủy văn trung ương dự báo trong ba ngày đầu năm Sa Pa có thể có tuyết, mà tôi lên Sa Pa còn muốn để trải nghiệm cái "Chợ Tình" huyền thoại mà Công ty du lịch nào cũng lấy nó làm điểm nhấn cho nội dung tour tới Sa Pa gắn với tối thứ bảy và ngày chủ nhật dù là đi bằng tàu hỏa hay ô tô. Cái đêm thứ bảy ấy "Chợ Tình" thức suốt đêm tới sáng cho các cuộc hẹn hò của trai gái Mông, trai gái Dao. Họ vui hát những bài dân ca nhiều màu sắc, hòa trong vùng âm thanh của đàn môi, sáo trúc, khèn bè. Từ lâu tôi khát khao văn hóa tỏ tình của người Mông Sa Pa. Hình ảnh người con trai chân cò rò đôi môi mím bặm phồng má thổi khèn bè lượn tròn bên cô gái trẻ e lệ, hệt chú gà trống choai đỏm dáng nghiêng mình xòe cánh dướn cái mào đỏ tía te tái ne ghẹo cô mái mơ. Rồi những người đàn ông đàn bà Mông đã thành gia thất, vẫn hành trình đến chợ tình mong tìm lại bạn tình cũ, không phải là để ngoại tình mà chỉ để biết tin cuộc sống của "người ấy" nay ra sao, lại còn hỏi những câu đại loại "đấy còn hằng nhớ tới đây không?"

 

Đôi khi người ta uống nước không phải vì khát mà đơn giản là để cảm nhận hương vị của nước tinh khiết.

Một đêm và một ngày ở "Chợ Tình" Sa Pa nay tôi không gặp "Văn hóa Chợ Tình" như truyền thống, như truyền khẩu "Rộn ràng tiếng hát và âm nhạc từ cây nứa trúc và dăm kèn". Mà lại là những cặp đôi cặp kè bên nhau lả lướn thả bộ trong sương mù, người Mông người Dao thì ít mà người Kinh thì nhiều. Họ thủ thỉ, áp má khóa môi ghi hình bằng điện thoại di động. Để rồi bật lại xem và rúc rích cười. Văn hóa "Chợ Tình" bây giờ là văn hóa ăn đêm. Các quầy hàng thịt nướng các kiểu ken dày mà vẫn chật chội, đợi chờ. Người bán hàng luôn tay dở những xâu thịt nướng trên tầu sắt than hoa cháy đỏ lự. Mỡ từ những con vật quay nhỏ xuống than hồng xèo xèo râm ran thơm lừng cả một vùng xộc lên xống mũi. Hấp dẫn không thể cưỡng làm một xiên nướng ròn trong đêm giá lạnh mịt mùng khói và sương.

Nhiều cặp đôi giành chỗ trong các quán nướng để còn chậm rãi nhâm nhi chút rượu quế, rượu mơ rừng ấm nồng cho tình ngây ngất. Có lẽ tình yêu bây giờ tỉnh táo hơn ngày xưa nên rượu vào mà chưa đủ say xỉn, để người tình dìu bế chàng trai đặt nằm vắt ngang trên lưng ngựa thong dong đưa người tình về bản. Nếu chưa say thì ghé vào tai người tình "cắn cỏ" van xin chàng hãy vì phẩm hạnh của em mà giả say đi. Thế mới là gái ngoan. Tôi quan sát có gần chục gương mặt những người đàn ông, đàn bà Mông đi lẻ rượu rồi ngồi nhìn vào đám đông dõi tìm hình ảnh người tình xưa vừa hy vọng cũng vừa vô vọng. Manh nha vui mà cũng phảng phất buồn. Và theo truyện truyền kỳ thì đến đận này năm sau họ lại sẽ đến đây để dõi tìm đợi mong như thế.

Phần lớn các cặp đôi là đứng quây quanh người nướng thịt bên thùng sắt than hồng, vừa ấm thơm vừa chờ thịt chín cháy xiên nào là lấy ngay tắp lự xiên ấy, vắt một dải kem mi-ô-ne hoặc tương ớt xuỵt xoạt cắn rút từng viên thịt ra khỏi chiếc que tre. Còn cánh gà, đùi chim, thịt trâu, thịt thú rừng thì cắn xé, nhai và hít hà trông đã thấy ngon. Người ăn chắc là ngon lắm.


Các cặp đôi Tây không ít. Họ cũng trải nghiệm thịt nướng như các cặp đôi ta. Tôi ngạc nhiên tới sững sờ khi bà chủ quán thịt nướng người Mông được hỏi, đã giải thích cho một khách Tây bằng tiếng Anh, rằng con chim mà bà đang nướng cho anh ta có tên là "Chim Cút’. "Cút" là cút đi ấy mà! Chẳng rõ cặp đôi Tây ấy có hiểu, chỉ thấy họ ôm ngang lưng nhau cười rũ rượi rơi khỏi miệng nửa miếng thịt nướng. Tiếc, nhưng cũng giơ một ngón tay cái cong dứ dứ ra dấu "Tuyệt lắm!" "Số một đấy!" Nỗi ngạc nhiên như thế được nhân lên bội lần khi ở dưới khu chợ hàng hóa nằm dưới thung sâu phía trước sân nhà thờ cổ, khu chợ dành bán toàn sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người Mông, người Dao: Hàng thổ cẩm và bạc chế tác. Những phụ nữ bán hàng khi giao dịch với tôi nói tiếng Kinh còn ngọng nghịu "từ chưa tròn âm chưa rõ", ấy thế mà họ nói với khách Tây bằng tiếng Anh nhanh như gió. Chả là khách Tây chê đắt khi bà Mông quát giá cao ngất ngưởng, bà giải thích: "Hàng thổ cẩm dệt vải lanh nhuộm lá, vỏ cây rừng thân thiện với môi trường à. Cái này thêu tay thì phải đắt hơn cái hàng thêu máy chứ!" Mà không chỉ một bà người Mông nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai của người Mông, mà tất cả những người Mông hoặc Dao bán hàng ở chợ Sa Pa đều có trình độ "nói vo" tiếng Anh thế cả. Nhân viên tiếp tân các khách sạn, các quán bar, các nhà hàng tạp hóa cũng lưu loát không kém. Họ hội nhập kinh tế thị trường du lịch rất nhanh nhậy, không thể xem thường.

Chuyện tình ở Sa Pa cần xếp hạng "Liệt truyện". May mắn cho tôi là cặp được với một hướng dẫn viên du lịch thông thạo Sa Pa có hạng, với một hợp đồng ưu ái 200.000 đồng. Tên cô là Tuyết Tuyết. Sao không là Mơ, là Mận, là Lan, mà lại là Tuyết Tuyết? Có lẽ "tuyết" là điểm nhấn của Sa Pa. Cô muốn gây ấn tượng. Mà ai nấy lên Sa Pa đận này chẳng mong gặp "tuyết" đây sao? Nhờ có Tuyết Tuyết mà tôi biết được chuyện tình tương truyền từ thuở hồng hoang của một cặp đôi Rồng. Cặp đôi Rồng ấy yêu nhau say đắm như điên. Ngày ngày xoắn xúyt bên nhau đến nỗi một trận hồng thủy dâng trào ào ạt mà cặp đôi Rồng ấy không hay biết. Cho tới khi sóng xô kéo tách cặp đôi Rồng ấy rời xa nhau thì không kịp nữa, Rồng Chàng bị cuốn sang phía bên kia dãy Hoàng Liên Sơn, còn Rồng Nàng bị quăng lên cao ép chặt vào khe núi, cố cất cao cái đầu gào gọi Rồng Chàng mà không thấu. Ngày- tháng-năm qua đi Rồng Nàng tuyệt vọng hóa đá. Nhưng bản năng sinh tồn của tình yêu vẫn còn mãi mãi, nên đầu Rồng Nàng vẫn ngày đêm ngước về phía tây Hoàng Liên Sơn mong ngóng Rồng Chàng. Núi Hàm Rồng chính là Rồng Nàng đó, miệng mở to ở tư thế gào gọi, biểu tượng của tình yêu bất diệt.

 

Tôi theo Tuyết Tuyết cũng với một tình yêu bất diệt…với Sa Pa. Một tay tỳ gối, một tay đẩy cây gậy trúc, lần từng bậc một, tới lúc đứng dưới chân Rồng Nàng mới bừng tỉnh không ngờ mình lại có thể leo hơn 6 trăm bậc đá lên được tới đây. "- Giỏi đấy!" Cô hướng dẫn viên du lịch Tuyết Tuyết động viên. Vậy cũng xứng và mãn nguyện. Biết được vườn lan, vườn châu Âu hoa trăm hình vạn sắc. Biết được rừng đá trùng điệp như Thạch Lâm ở Vân Nam Trung Quốc. Ngắm được Sân Mây mây quấn quanh mình. Biết được hang Tam Môn nhũ đá uốn rủ đẹp như dàn tiên múa. Biết được Cổng Trời cao sáu tầng mây. Và ở Sân Ngắm có thể thấy đỉnh Phan-si-pang hùng vĩ niềm mơ ước của bao người ham chinh phục đỉnh cao.

Chờ cho nhịp tim đập chậm lại, tôi hổn hển hỏi cô hướng dẫn viên du lịch trong trạng thái hơi thở có phần thoi thóp:

- Còn chuyện tình nào nữa không? Tuyết ơi!

Cô hướng dẫn viên du lịch cười rúc rích:

- Còn một bi kịch "chuyện tình tay ba" nữa. Nhưng ở dưới nhà thờ cổ!

Mắt tôi sáng lên. Như thấy mình sức cường tráng trở lại. Xuống. Không dễ dàng gì hơn khi lên.

Cạnh nhà thờ cổ có hai ngôi mộ. Một là của Giám mục địa phận Hưng Hòa. Một nữa là của một linh mục chánh xứ. Cả hai cùng là người Pháp. Cô hướng dẫn viên du lịch giới thiệu ngôi mộ của người linh mục. Đây là mộ cha Ydiart Alhor Jean, là linh mục chánh xứ cuối cùng thuộc Hội Thừa sai Paris viết tắt là MEP. Ông bị sát hại vào năm 1947. Cô được nghe kể lại rằng đã xảy ra một cuộc tình tay ba mà cha Ydiart Alhor Jean là nạn nhân, bị tình địch giết rất dã man. Kẻ sát nhân nhanh chóng bị quan chi châu bắt tống ngục. Nhưng sau đó tên sát nhân trốn được và mang theo cô người tình là nữ tu ấy xuôi thuyền theo sông Hồng về Hà Nội, rồi cùng nhau trốn chạy vào Sài Gòn. Người ta đồ rằng quan chi châu đã tạo cơ hội cho kẻ sát nhân vượt ngục giữ lại tình yêu cho hắn, mặc dù vì tình yêu mà hắn đã hành động một cách liều lĩnh và ác độc. Nếu chuyện ấy là xác thực thì, hành xử của quan chi châu rất đáng trách cứ, nhưng lại giầu nhân văn.

 

- Anh nhớ cho đây là chuyện người ta đồn! – Tuyết nhấn mạnh thế và cười.

Hết hợp đồng. Tôi rơi vào trạng thái hoang mang như đánh mất một cái gì đó. Thật khó tả.

Xu hướng tìm cảm giác mới lạ trong điều kiện có thể ngày một gia tăng dựa vào những tour du lịch ngắn ngày, giống như cặp vợ chồng cưới xong là cần có tuần trăng mật, rũ lại mọi phiền muộn phía sau lưng. Mà ai không sẽ nuối tiếc mãi mãi.

Sa Pa là điểm đến lý tưởng cho những cuộc đi ngắn ngày như thế. Chỉ ở thành phố Hà Nội thôi đã có tới hơn ba chục Công ty du lịch lớn nhỏ giới thiệu tour Sa Pa trên website của mình. Công ty du lịch Đường Sắt như một đối tác chuyên biệt "Tầu qua đêm" dẫn khách cho hai ngày thứ bảy-chủ nhật sáng tinh mơ hôm sau là tới Sa Pa kịp "Chợ Tình".

Trong chuyến lên Sa Pa Tết Tây này tôi gặp lại cô bác sĩ y tế cộng đồng của WHO mà tôi đã gặp trong chuyến đi Cao nguyên đá Đồng Văn, và chàng phóng viên nhiếp ảnh của tờ Thời báo Kinh tế mà tôi đã gặp ở Than Uyên – Mù Cang Chải trong một chuyến đi khác. Cả thảy đều đơn côi kể cả tôi. Họ lên đây là để tìm tình ở "Chợ Tình" Sa Pa chăng?

Tại quán cơm tám giò chả có tên Sa Huế, một chi nhánh của cơm tám giò chả phố Huế Hà Nội mở rộng thị trường ở Sa Pa, cô bác sĩ của WHO khoe bộ ảnh về Chương trình nước sạch của UNICEP dành cho vùng cao. Đó là những đường ống luồng chẻ đôi nạo đốt dẫn nước nguồn trong veo từ trên núi xuống bản làng, bắc nhịp nhàng như một giai điệu âm nhạc của núi rừng. Đẹp và lạ hơn, là những chiếc chum sành to như những chiếc chum ở Cánh đồng Chum bên Lào. Ngỡ các nhà khảo cổ khai quật ở thung lũng Mường Hoa. Không phải chum sành. UNICEP hướng dẫn và tài trợ cho dân địa phương đan cốt thép lớp trong, đan nan tre lớp ngoài hình chum, rồi trát xi măng cho cả hai lớp trong ngoài để chứa nước dẫn từ nguồn trên núi cao xuống, phòng mùa khô vơi cạn nước nguồn. Hàng trăm chiếc chum to màu xám đen đẹp như…cánh đồng chum. Chàng phóng viên tờ Thời báo Kinh tế với chiếc máy ảnh chuyên dụng có ống kính tê-lê to thuôn như bắp chân người mẫu, lại săn được những bức ảnh về chợ Sa Pa ở bãi Cát Cát, cùng một chùm ảnh về hai trại nuôi cá hồi Sa Pa để phục vụ thực khách du lịch. Những đĩa cá hồi lạng mỏng ngâm trong nước chanh, bánh tráng cuốn và rau sống non xanh mơn mởn, tuýp mù tạt và nồi lẩu nghi ngút khói…ở quán thủy sản. Anh bảo đó là "chú thích ảnh".

 

Cô bác sĩ của WHO và chàng phóng viên nhìn tôi, như muốn nói "đến lần anh đấy!" Tôi kể cho họ nghe chuyện của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Hồi trai trẻ bác dạy học ở Trà Cổ Móng Cái. Lại có cô bạn gái dạy học ở Lao Cai này đây. Hai người giao kèo miệng: Mỗi tháng bác Nguyễn phải viết được một truyện ngắn gửi lên cho người bạn gái ở Lao Cai. Và mỗi tuần người bạn gái của bác phải viết được một bài thơ từ Lao Cai gửi về Trà Cổ cho bác. Trong cuốn "Đời viết văn của tôi" bác Nguyễn Công Hoan thú nhận: "Nếu không có người bạn gái ấy chưa chắc tôi đã trở thành nhà văn!" Còn tôi lên đây viết chỉ vì… một cô Thư ký Tòa soạn. Hợp đồng miệng với nhau là mỗi tháng tôi phải viết hai bút ký, phóng sự hoặc ký sự email cho cô ấy. Cô bác sĩ của WHO hỏi vội vã: "Thế cái cô Thư ký Tòa soạn ấy hứa gì với anh?" "Cô ấy chỉ hứa là in cho tôi thôi. Chấm hết!"

Cả cô bác sĩ và chàng phóng viên cùng cười tóe loe. Suýt sặc rượu vang. Vậy là chúng tôi lên đây cùng vì "Chuyện Tình" ở Sa Pa đấy chứ?

Bút ký của Khiếu Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn