Hành trình tìm mộ trẻ em Việt trong thảm kịch không vận 4/4/1975

Thời sựThứ Sáu, 24/04/2015 05:00:00 +07:00

Ngôi mộ tưởng niệm những em bé thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay ngày 4/4/1975 nằm tại một nghĩa trang nhỏ trong khuôn viên nhà thờ thánh Nikolaus

(VTC News) - Ngôi mộ tưởng niệm những em bé thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay ngày 4/4/1975 nằm tại một nghĩa trang nhỏ trong khuôn viên nhà thờ thánh Nikolaus tại thành phố Pattaya, Thái Lan, một trong những căn cứ không quân của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.

Không có bất cứ một thông tin nào về ngôi mộ ngoài hai tấm bia. Một tấm được đặt có lẽ bởi một ai đó thuộc quân đội Hoa Kỳ có ghi ’79 trẻ mồ côi Việt Nam thiệt mạng ngày 4/4/1975’ và một tấm bia nằm ngang với lời viếng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ’76 em bé Việt Nam mất ngày 5/4/1975. Từ nụ cười của các em sẽ nở một đoá hoa và những người yêu thương các em sẽ dõi theo các em tới vạn kiếp luân hồi’.

Chúng tôi cố gắng đi tìm lời giải thích về những thông tin khác nhau và những con số khác nhau ngay trên 2 tấm bia mộ.

‘Tôi thì không biết gì về lịch sử của ngôi mộ này đâu nhưng xơ Joan thì có lẽ sẽ biết’, một người đàn ông nói.

Xơ Joan từng có thời gian làm việc tại miền Nam Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước. Công việc của xơ là giúp đỡ những người phụ nữ từ bỏ mại dâm và tái hoà nhập cộng đồng. Sau khi rời khỏi Việt Nam, xơ có một khoảng thời gian gắn bó với nhà thờ thánh Nikolaus.

Video: Thảm kịch không vận trẻ em năm 1975 - những điều chưa biết


‘Thực ra thì tôi không hề biết thông tin về ngôi mộ này trong một thời gian dài. Lần đầu tôi nhìn thấy ngôi mộ có lẽ là vào năm 1996. Lúc đó tôi thấy ngôi mộ đơn sơ quá nên tội định mua một phiến đá để làm bia mộ và giữ cho ngôi mộ được sạch sẽ nhưng lúc đó tôi không có tiền’.

‘Điều duy nhất mà tôi biết là khi chiếc máy bay gặp nạn thì tất cả thi thể của những người gặp nạn được đưa đến một căn cứ quân sự ở phía Nam thành phố Pattaya và sau đó được trôn cất tại đây. Tôi cũng không biết là có một ngôi mộ của những em bé được trôn cất trong khuôn viên nhà thờ cho tới khi tôi làm việc tại đây’.

‘Tấm bia nằm ngang này là do xơ Rosemary Taylor đặt, một người rất gắn bó với trẻ mồ côi Việt Nam và xơ đã lấy câu viếng của Thiền sư Thích Nhất Hạn để viết trên tấm bia. Tôi nghĩ 76 em bé thiệt mạng là con số đúng’, xơ Joan nói.

Chuyến bay C-5A Galaxy cất cánh vào chiều thứ 6, ngày 4/4/1975 nằm trong chiến dịch không vận trẻ em của chính phủ Hoa Kỳ do tổng thống Gerald Ford khởi động trước đó 2 ngày.

Chiếc máy bay này đã bị sự cố chỉ 12 phút sau khi cất cánh khi hướng về căn cứ không quân Hoa Kỳ tại Philippines. Cánh cửa hậu nằm ở bụng dưới của máy bay nơi chất hàng đã bị bung ra khiến chiếc máy bay mất kiểm soát.

Dù đã cố gắng điều chỉnh máy bay trở lại sân bay Tân Sơn Nhất nhưng cơ trưởng Dennis Traynor đã không tránh khỏi việc để chiếc máy bay lao xuống một cánh đồng gần đó.

Có nhiều tài liệu thống kê những con số khác nhau về số lượng người thiệt mạng trong chuyến bay này, trong đó có số lượng trẻ mồ côi Việt Nam.

Philip Wise, kỹ thuật viên y tế trên chiếc C-5A, người duy nhất trong phi hành đoàn sống sót. Tôi đã gặp ông trong chuyến trở lại TP.HCM lần này.

Video: Hành trình tìm kiếm ngôi mộ những em bé trong thảm kịch không vận 1975


‘Tôi không nhớ bất cứ điều gì khi máy bay rơi xuống. Tôi tỉnh dậy 2 ngày sau ở Philippines. Tôi được kể lại rằng tôi được cứu sống từ hiện trường vụ tai nạn và sau đó tôi ở lại bệnh viện trong vòng 7 ngày để điều trị và phẫu thuật.

Ngoài ra thì tôi không nhớ bất cứ điều gì. Tôi nghĩ rằng mình đã chết và ngày 4/4 được coi là ngày sinh nhật thứ 2 của tôi. Cũng có thể chúng tôi là giới quân sự nên được đưa sang Philippines trong khi các em bé thiệt mạng thì không thể đưa vào các căn cứ quân sự. Tôi suy đoán là vì lý do đó mà quân đội Mỹ phải tìm một nơi nào đó để trôn cất các em ở Thái Lan mà họ cho là sẽ an toàn’, Philip Wise nói.

Những sự thật liên quan đến vụ tai nạn của chiếc máy bay C-5A Galaxy cũng như ý định của chính phủ Hoa Kỳ về chiến dịch này có lẽ còn cần thời gian để giải mã.

Với những em bé trong chiến dịch sống sót và trưởng thành. Không ít trong số họ đã trở lại quê hương và đến viếng những người đồng hành xấu số.

Ngày 4/4 đã trở thành ngày mà họ hội tụ để tìm về quá khứ của mình. Với những sinh linh đã nằm lại nơi đất khách quê người, có lẽ đây là lần đầu tiên những đoá hoa sen, loài hoa biểu tượng của đất Việt được đặt lên ngôi mộ nơi họ an nghỉ. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ nhiều người Việt Nam biết đến câu chuyện này và nhớ đến họ như là một phần của cuộc chiến, một phần của lịch sử.

Video: Trẻ mồ côi của không vận 1975: 'Nuối tiếc vì không về Việt Nam sớm'



Nguồn: VTC1
Bình luận
vtcnews.vn