Hành trình săn học bổng du học Ý của nữ sinh vùng quê nghèo Quảng Trị

Du họcThứ Tư, 17/06/2020 06:37:00 +07:00
(VTC News) -

Sinh ra ở huyện nghèo miền núi, sát biên giới Việt- Lào tỉnh Quảng Trị, nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Hà quyết tâm thi đỗ đại học và giành học bổng toàn phần du học Ý.

Hành trình chinh phục học bổng 

Từ khi học phổ thông, Hồng Hà luôn có thế mạnh và yêu thích môn tiếng Anh. Ứớc mơ của cô là được du học, khám phá nhiều vùng đất mới và các nền văn hoá khác nhau trên thế giới.

Sau nhiều nỗ lực cố gắng của bản thân, trong kỳ thi đại học năm 2017, nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Hà (21 tuổi) đỗ vào Học viện Ngoại giao. Ngôi trường là bệ phóng để hơn một năm sau, nữ sinh Quảng Trị quyết tâm tìm kiếm học bổng du học đúng như ước mơ.

Vì điều kiện kinh tế khó khăn, nên Hà đặt mục tiêu phải giành được học bổng toàn phần. Cô tham khảo các điều kiện và học bổng của nhiều trường trên thế giới. Hà đã được học bổng toàn phần tại Đại học Ca’ Foscar, ngôi trường nằm ở thành phố Venice, Ý.

 Hành trình săn học bổng du học Ý của nữ sinh vùng quê nghèo Quảng Trị - 1

Nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Hà tích cực tham gia hoạt động ngoại khoá khi còn là sinh viên ở Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Hà cho biết, từ lúc xác định được mục tiêu đến khi nộp hồ sơ xin học bổng là 2 tháng. Trong khoảng thời gian đó, cô tập trung toàn lực vào ôn thi IELTS để rèn luyện khả năng tiếng Anh và đáp ứng được yêu cầu của trường. Thời gian này, Hà bảo lưu kết quả học tập tại Học viện Ngoại giao.

“Để có học bổng, ngoài việc sở hữu bảng điểm cao thì phải có nhiều thành tích tham gia các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa ở Việt Nam. Vì thế suốt hơn một năm học, tôi cố gắng tham gia tích cực các hoạt động bề nổi”, nữ sinh bật mí. 

Trong hồ sơ xin cấp học bổng, ngoài bảng điểm, chứng chỉ IELTS sẽ đính kèm bài luận và bản CV cá nhân... tất cả đều được dịch sang tiếng Anh, tiếng Ý và nộp trực tiếp lên website của trường.

Sau khi nộp hồ sơ, học sinh phải trải qua vòng phỏng vấn với hội đồng đánh giá của khoa- đây là vòng quyết định việc có được nhận thư mời nhập học hay không, và thứ tự xếp hạng xét chọn học bổng.

Một trong những bí quyết để Hồng Hà chuẩn bị tốt cho vòng phỏng vấn là thấu hiểu sâu sắc về bản thân. Theo cô nhà trường luôn muốn biết những thông tin về thế mạnh, điểm yếu, mục tiêu trong tương lai, hiểu được lý do chọn nước Ý, niềm yêu thích với ngành học.

Sau một năm ôn tập, sự lo lắng, hồi hộp của Hà được giải tỏa khi nhận được email thông báo được 100% học bổng vào ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Ca’ Foscar, Ý. “Tôi vô cùng háo hức, lập tức bắt tay vào chuẩn bị giấy tờ thủ tục nhập học và xin visa. Đây là bước đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng về tài chính để có thể đáp ứng đủ yêu cầu từ phía Đại sứ quán”, nữ sinh chia sẻ.

Suốt quá trình ứng tuyển, ngoài sự nỗ lực của bản thân, Hồng Hà cảm thấy may mắn khi nhận được sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè, đặc biệt thông tin từ các anh chị đã và đang học tập tại Ý chia sẻ.

Học ở Ý khác gì ở Việt Nam?

Thời gian đầu khi mới sang Ý, Hồng Hà cảm nhận thấy sự khác biệt lớn giữa hai nền giáo dục Việt - Ý. 

Đầu tiên về cơ sở vật chất, thành phố Venice - nơi mang đậm kiến trúc cổ châu Âu. Ở đây, Chính phủ không cho phép xây nhà mới ở trên đảo, nên hầu hết các công trình kiến trúc đều giữ nét đặc trưng, bao gồm cả trường Hà đang học.

Trường như khối lâu đài đồ sộ nổi bồng bềnh trên mặt nước. Dù được xây dựng từ những bức tường gạch cổ kính nhưng cơ sở vật chất bên trong khá hiện đại, phòng học cũng trang bị đầy đủ thiết bị. 

Điều Hà thích nhất là trường có thư viện lớn. Sinh viên được phép tự do sử dụng máy tính, máy in, máy photo trong thư viện. Không gian học tập nghiêm túc khiến mọi người có thêm hứng thú. Bản thân Hà thường xuyên học đến khi mặt trời lặn (khoảng 8h tối) mới về nhà.

 Hành trình săn học bổng du học Ý của nữ sinh vùng quê nghèo Quảng Trị - 2

Nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Hà. (Ảnh: NVCC)

Hồng Hà cảm nhận các thầy cô giáo vừa “đáng yêu”, vừa đáng kính, thân thuộc như thầy cô ở Việt Nam. Mỗi người có phương pháp riêng, quan trọng là cách sinh viên tiếp thu và tương tác. Hằng ngày, các thầy cô có một giờ hành chính nhất định, sinh viên có thể đặt lịch hẹn trước và đến trao đổi về những vấn đề chưa rõ của bài học.

Vốn là một người khá thích môi trường quốc tế nên khi được học trong lớp đông sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau, nữ sinh Việt thấy rất hào hứng và thích thú. Ngoài những trao đổi về học tập, đời sống, sinh viên quốc tế còn giúp nhau luyện thêm tiếng Ý để dễ dàng hòa nhập với cuộc sống ở Venice hơn.

Điều khác biệt lớn ở Ý so với Việt Nam là sinh viên chỉ học 2 - 3 môn/ kỳ, mỗi môn học lại kéo dài suốt tuần. Lượng kiến thức vô cùng khổng lồ khiến nữ sinh áp lực trước mỗi kỳ thi.

“Dẫu vất vả nhưng tôi tin quyết định chọn nước Ý để học tập và trải nghiệm là đúng đắn, Hà chia sẻ và cho biết sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn muốn du học ở Ý.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn