Hàng loạt vụ bạo hành trẻ dã man: Chuyên gia tâm lý nói 'chúng ta đang trồng cây ngược’

Giáo dụcThứ Sáu, 01/12/2017 07:42:00 +07:00

Ông Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng trong khi nước ngoài rất coi trọng giáo dục mầm non thì ở Việt Nam chỉ chú ý đến bậc trung học, đại học và cao đẳng.

Đoạn clip bảo mẫu trường mầm non tư thục Mầm Xanh (đường HT05, phường Hiệp Thành, quận 12)  bạo hành dã man trẻ đã khiến dư luận phẫn nộ.

Ngay sau khi báo chí phản ánh, công an đã vào cuộc điều tra. Cơ sở mầm non Mầm Xanh đã bị đình chỉ, rút giấy phép hoạt động. Công an cũng quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1974, ngụ Q.12, chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh) về hành vi “Hành hạ người khác”.

Tung Lam 8

 TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội.

Liên quan đến vụ việc này, trả lời PV VTC News, TS Nguyễn Tùng Lâm (Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng, hành vi đày đọa của các bảo mẫu tại cơ sở này quá tàn bạo. Những giáo viên có hành vi bạo hành trẻ em cần được xử lý nghiêm.

Video: Xử lý cơ sở mầm non bạo hành trẻ

Thầy Lâm cũng cho biết thực tế các trường tư thục phát triển rất mạnh mẽ theo nhu cầu xã hội tuy nhiên lại hết sức tùy tiện.

“Hiện nay, các trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ, vì vậy, các trường tư thục mọc lên như 'nấm'. Hơn nữa, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đều không quản lý chặt chẽ, những trường không đạt chuẩn chất lượng cũng như đội ngũ quản lý, nhân sự cũng cấp phép hoạt động. Có thể thấy rõ hậu quả của việc này đó là liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ khiến dư luận bất bình”, ông Tùng Lâm nói.

Hầu hết bố mẹ những em nhỏ này đều là những công nhân trẻ đang lập nghiệp, rất khó khăn, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư. Vì vậy, những người lao động này thật sự cần được quan tâm, giúp đỡ.

l-1609504 9

 Cô giáo Mầm Xanh bạo hành trẻ gây bức xúc. (Ảnh cắt từ clip)

Vị chuyên gia tâm lý này cho rằng, để giải quyết triệt để tình trạng bạo hành trẻ em, Chính phủ, Quốc hội cần đề cao Luật Giáo dục.

Ông Lâm cho biết, các nước rất coi trọng giáo dục mầm non trong khi đó chúng ta đang “trồng cây ngược" khi khi chỉ chú ý đến bậc giáo dục trung học, đại học và cao đẳng.

“Vấn đề cơ bản nhất hiện nay là xác định rõ tầm quan trọng của giáo dục mầm non, tìm hiểu, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, không vì thế mà cho các cơ sở mầm non phát triển một cách tùy tiện", TS Tùng Lâm nói.

"Để không còn tình trạng bạo hành, trường mầm non tư thục cần đủ 3 điều kiện.

Thứ nhất, chủ cơ sở phải xác định động cơ, mục đích mở trường. Thứ hai, đội ngũ nhà giáo, bảo mẫu phải được đào tạo đúng chuẩn, nắm rõ quy trình chăm sóc trẻ. Ngoài ra còn phải có tình yêu thương đối với trẻ, có phẩm chất đạo đức nghề bảo mẫu.

Cuối cùng, các trường sư phạm đào tạo giáo viên mầm non cũng phải chịu trách nhiệm", TS Tùng Lâm bày tỏ.

Các giáo viên không chỉ cần đào tạo về nghiệp vụ từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường mà còn những kiến thức về tâm lý sư phạm và đạo đức và cả trách nhiệm của nhà giáo trước mỗi hành vi của mình đối với con trẻ.

Không phải ngẫu nhiên mà những vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo được phát hiện trong thời gian gần đây phần lớn “rơi” vào những giáo viên trẻ, thiếu kinh nghiệm công tác.

Sự bất lực về nghiệp vụ, thiếu phương pháp sư phạm đúng đắn trong khi áp lực công việc ngày càng lớn đã dẫn tới những hành vi bạo hành của một số giáo viên.

TS Tùng Lâm nói thêm: "Cần nhiều hơn nữa những hành động mạnh mẽ, thiết thực, cụ thể từ ngành giáo dục, từ mỗi đơn vị trường học. Song, quan trọng nhất vẫn là sự nghiêm khắc với bản thân, ý chí nỗ lực tự hoàn thiện mình về mọi mặt của mỗi giáo viên.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng không phải là người đứng ngoài cuộc. Hiện nay, chính quyền đang coi việc tìm nơi gửi trẻ việc của dân và người dân phải tự xoay xở. Nhà nước có trách nhiệm bố trí trường lớp cho con em công nhân tại các khu công nghiệp để họ có thể yên tâm công tác". 

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn