Hạn mặn khốc liệt, nhà vườn miền Tây thuê sà lan chở nước ngọt cứu sầu riêng

Thời sựThứ Ba, 18/02/2020 07:56:00 +07:00
(VTC News) -

Để cứu những vườn sầu riêng đang "khát" nước do xâm ngập mặn, nhiều nhà vườn ở cù lao Ngũ Hiệp (Tiền Giang) đang bỏ tiền thuê sà lan chở nước từ thượng nguồn về cứu cây.

Cù lao giữa đồng bằng “khát” nước ngọt

Những ngày này, nhiều khu vực tại Đồng bằng Sông Cửu Long đang hứng chịu đợt hạn mặn được cho là kỷ lục ở đồng bằng này. Trên sông Hàm Luông, mặn lấn rất sâu, đổ qua sông Tiền đoạn cù lao Ngũ Hiệp đe dọa hàng ngàn hecta vườn cây ăn trái tại huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và huyện Châu Thành.

Hạn mặn khốc liệt, nhà vườn miền Tây thuê sà lan chở nước ngọt cứu sầu riêng - 1

Giữa đồng bằng sông nước nhưng những vườn sầu riêng ở cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) lại thiếu nước do hạn mặn.

Theo nhiều nhà vườn tại cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) thì đây là đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất mà họ từng thấy. Lần đầu tiên cả cù cao Ngũ Hiệp với hơn 1500 ha sầu riêng (chiếm 90% diện tích nông nghiệp của cù lao) đang “khát” nước ngọt trầm trọng.

Hạn mặn khốc liệt, nhà vườn miền Tây thuê sà lan chở nước ngọt cứu sầu riêng - 2

Ông Nguyễn Hoài Vui rất lo lắng cho vườn sầu riêng trước cảnh hạn mặn.

Nhìn 5000 mét vuông sầu riêng trĩu quả đang thiếu nước, ông Nguyễn Hoài Vui (ấp Hòa Thanh, xã Ngũ Hiệp) thở dài đầy ngao ngán.

Sầu riêng xuất đang mất giá do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng từ mùng 7 đến nay nước mặn khiến không đủ nước tưới sầu riêng tôi càng lo hơn. Không có nước tưới lâu quá là sầu riêng rụng trái hết sau đó thì chết”, ông Vui nói.

Cũng như nhiều hộ dân có vườn sầu riêng đang cho trái, ông Vui đang phải thuê sà lan chở nước ngọt từ phía thượng nguồn về bơm vào trữ ở ao trong vườn để tưới.

Hạn mặn khốc liệt, nhà vườn miền Tây thuê sà lan chở nước ngọt cứu sầu riêng - 3

Nhà vườn thuê sà lan chở nước về cứu sầu riêng.

Hạn mặn khốc liệt, nhà vườn miền Tây thuê sà lan chở nước ngọt cứu sầu riêng - 4

Đường ống đang được ghép nối để đưa nước từ sà lan vào vườn.

Tuy nhiên, theo ông Vui đây là giải pháp tình thế để cứu vườn sầu riêng không bị chết do “khát”. Bởi, từ đầu đợt hạn mặn đến nay ông Vui bơm vào vườn đến 2 sà lan nước với chi phí khoảng 20 triệu đồng nhưng chỉ cầm cự một thời gian ngắn. Chỉ một số trái sầu riêng rụng dưới gốc cây, ông Vui cho biết trái rụng là do cây thiếu nước. Những ngày tới nếu không mưa hoặc độ mặn không giảm thì ông vẫn phải tiếp tục bỏ tiền thuê sà lan chở nước.

Nhà vườn chủ động hơn để thích nghi với hạn mặn

Theo các nhà vườn, sầu riêng từ lúc trồng đến thu hoạch đợt trái đầu tiên phải mất đến 5 năm chăm sóc. Mỗi cây sầu có thể thu hoạch được từ 100 đến 150kg/năm. Bởi thế, nếu để cây chết do thiếu nước hoặc do tưới phải nhiễm mặn thì thiệt hại sẽ rất lớn và rất mất nhiều thời gian để khôi phục.

Ghi nhận thực tế tại cù lao Ngũ Hiệp thì một tín hiệu đáng mừng là nhiều nhà vườn chủ động hơn trong việc theo dõi và ứng phó với hạn mặn. Rất nhiều nhà vườn tự trang bị thiết bị đo độ mặn để theo dõi nguồn nước chứ không chỉ ngồi chờ vào thông báo từ địa phương. Kết quả đo đạc sẽ được các nhà vườn chia sẻ, đối chiếu với nhau và thông báo cho những người không có thiết bị. Khi độ mặn ở ngưỡng cho phép thì người dân sẽ lập tức cho nước vào các kênh mương trong vườn để trữ nước lại.

Anh Ngô Tấn Trung ngụ ấp Hòa  Thanh, xã Ngũ Hiệp cho biết: "Mỗi bộ thiết bị đo độ mặn có giá từ 1.5 đến 2 triệu đồng. Trước đây thì ở khu vực chỉ có một số hộ dân có thiết bị đo độ mặn nhưng hiện tại thì rất nhiều nhà có và tự đo đạc rồi đối chiếu lẫn nhau. Giờ chờ khi nào độ mặn đo được ở ngưỡng 0,3g/l trở xuống các hộ ở cạnh nhau sẽ họp bàn rồi thống nhất việc xả bọng cho nước vào".

Hạn mặn khốc liệt, nhà vườn miền Tây thuê sà lan chở nước ngọt cứu sầu riêng - 5

Nhiều nhà vườn tự trang bị thiết bị đo độ mặn để chủ động bảo vệ vườn cây ăn trái.

Trước tình hình nước mặn xâm nhập sâu đe dọa các vườn cây sầu riêng, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, huyện Cai Lậy cũng tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát, kiểm tra, tìm giải pháp ứng phó. Về lâu dài, địa phương sẽ đầu tư hệ thống cống, đập để người dân có thể trữ nước đảm bảo tưới tiêu vào mùa hạn mặn.

Về hệ thống cống, đập UBND tỉnh đã chỉ đạo rồi. Xã đã nghiên cứu, rà soát lập phương án để đề nghị danh mục đầu tư cho những năm tiếp theo đầu tư các cống theo ô, vùng. Đến trước thời điểm mặn xâm nhập thì đóng các cống lại đễ trữ nước ngọt lại”, ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp cho biết.

THANH TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn