Hai tử tù khoét tường vượt ngục vừa bị bắt lại sẽ bị xử lý thế nào?

Pháp luậtChủ Nhật, 17/09/2017 11:45:00 +07:00

Luật sư thông tin về hình thức xử lý 2 tử tù Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình sau khi 2 tên này vượt ngục và bị công an bắt giữ lại.

Chiều 16/9 và rạng sáng 17/9, lực lượng của Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an đã bắt giữ được Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình, hai tử tù trốn khỏi Trại tạm giam T16 vào rạng sáng 11/9 vừa qua.

Liên quan đến vụ việc trên, nhiều người đặt ra câu hỏi hai tử tù đặc biệt nguy hiểm này sẽ bị xử lý thế nào khi bị bắt lại. Để trả lời thắc mắc này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội).

tho-sut-1835548 3

 2 tử tù trốn trại vừa bị công an bắt lại.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết: “Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi bỏ trốn của 2 đối tượng Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ rồi ra quyết định truy nã.

Theo quy định của pháp luật, sau khi bị bắt, 2 tử tù này sẽ được bàn giao cho cơ quan thụ lý để ra quyết định đình chỉ truy nã và phục hồi điều tra đối với cả 2 đối tượng về tội trốn khỏi nơi giam giữ được quy định tại Điều 311”.

Theo luật sư Thơm, do trước đó 2 đối tượng đã bị kết án tử hình đang đợi ngày xét xử phúc thẩm tiếp theo nên cơ quan chức năng sẽ tiếp tục giam 2 kẻ này vào buồng giam đối với người bị thi hành án tử hình.

Trại tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam Tình và Thọ, đồng thời phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình.

Buồng giam người bị kết án tử hình phải được xây dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân.

Tuy nhiên, theo luật sư, việc giam đối giữ với 2 tử tù này phải tuân theo quy định của pháp luật. Dù trước đó 2 đối tượng phạm tội và bỏ trốn như nào thì sau khi truy bắt về cũng phải đối xử, giam giữ như các đối tượng khác trong một vụ án bình thường.

Sau khi bắt về, đơn vị quản lý càng phải thận trọng, càng phải nghiêm chỉnh hơn trong việc đảm bảo an toàn cho phạm nhân để bản án sau này được thực thi đúng pháp luật.

Cụ thể, hàng ngày, cán bộ quản giáo phải kiểm tra người và buồng giam, kiểm tra suốt, móng cùm người bị kết án tử hình để kịp thời phát hiện, thu giữ những vật cấm đưa vào. 

Khi mở cửa buồng giam, mở cùm chân, cán bộ quản giáo phải trực tiếp mở và đóng khoá. Việc kiểm tra người, buồng giam, suốt, móng cùm chân, mở - đóng cửa buồng giam, tình trạng sức khỏe, biểu hiện tâm lý... đều phải ghi vào sổ theo dõi.

Việc mở khóa cùm phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam. Khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ.

Nếu đi bệnh viện khám và điều trị, người bị kết án tử hình vẫn phải bị cùm chân, có buồng riêng, giám sát thật nghiêm ngặt, chặt chẽ. Tử tù khi gặp người thân cũng phải qua vách ngăn, có giám sát, bị cùm chân trong suốt thời gian này.

Trong quá trình điều tra, lấy lời khai, giam giữ tử tù, phải có người giám sát thường xuyên hoặc có những biện pháp để tránh trường hợp các đối tượng tự tử.

Video: Cách thức 2 tử tù đào tẩu khỏi phòng biệt giam có camera an ninh

"Rõ ràng việc bắt được sớm những đối tượng này cũng là một tình tiết để xem xét trách nhiệm hình sự đối với 2 tử tù về tội trốn khỏi nơi giam giữ và có liên quan đến tội thiếu trách nhiệm để người bị giam giữ trốn thoát của các cán bộ trông coi.

Hai đối tượng càng bắt sớm được bao nhiêu thì các cán bộ quản lý để người bị giam giữ trốn thoát sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc giải quyết vụ việc vì hậu quả gây ra xã hội chưa có.

Nếu người bị giam giữ bỏ trốn ra ngoài xã hội mà gây ra hậu quả nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì trách nhiệm đối với người trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải trông coi càng lớn", luật sư Thơm cho hay.

Luật sư Thơm nói: "Sự việc này là một bài học về việc quản lý, trông nom các phạm nhân án tử hình phải chặt chẽ, không được chủ quan.

Phải thấy rằng, đây là sự nỗ lực rất lớn của người dân cùng toàn bộ lực lượng công an nhân dưới sự lãnh đạo của  Bộ Công an đã quyết liệt, không quản ngày đêm mưa gió truy lùng, truy bắt tội phạm và tích cực tuyên truyền đến người dân.

tho-sut-2-1838029

 Lệnh truy nã đối tượng Thọ "sứt".

Trước đó, rạng sáng 11/9, hai tử tù là Lê Văn Thọ (tức Thọ “sứt”, 37 tuổi, trú tại Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (28 tuổi, trú tại Thanh Oai, Hà Nội) bất ngờ trốn thoát khỏi phòng biệt giam của Trại giam T16 - Bộ Công an.

Trong quá trình chạy trốn, Tình và Thọ đã điều khiển xe Dream màu nâu, BKS: 29X6- 2817, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang.

Trả lời VTC News, một lãnh đạo Công an xã Yên Trung cho hay, việc các đối tượng có xe máy để chạy trốn là do sau khi thoát khỏi trại giam, Thọ và Tình đã về nhà người thân của Tình tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất để mượn xe máy.

Cơ quan điều tra cũng đã mời người thân của Tình lên để làm việc, lấy lời khai phục vụ điều tra.

Tử tù Lê Văn Thọ từng bị tuyên án 20 năm tù do phạm tội giết người; 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Lê Văn Thọ phải chấp hành chung cho cả 3 tội là tử hình.

Ngày 27/4, TAND TP Hà Nội cũng đã tuyên phạt Nguyễn Văn Tình mức tử hình về tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Sau khi hai tử tù trốn trại, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm để người bị giam trốn”, để điều tra, làm rõ vụ việc 2 tử tù trốn trại, xảy ra tại Trại tạm giam T16, Bộ Công an.

Căn cứ kết quả kiểm tra, cơ quan điều tra xác định một số cán bộ quản giáo, chiến sỹ thuộc Trại Tạm giam T16, Bộ Công an đã thiếu trách nhiệm trong quá trình quản lý, giám sát, canh gác phạm nhân để 2 đối tượng là Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ bỏ trốn.

Video: Quá khứ bất hảo của hai tử tù vừa trốn khỏi trại giam của Bộ Công an

Hai tử tù trên đã lợi dụng sơ hở, phá cùm chân, đào tường Buồng giam số 3, khu D và trốn thoát khỏi Trại Tạm giam T16, Bộ Công an ngày 11/9.

Sáng 15/9, nguồn tin của PV VTC News cho biết, nhận được thông báo từ Công an TP Hạ Long, Công an phường Bạch Đằng (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã phát đi thông báo khẩn cấp về đối tượng tử tù đặc biệt nguy hiểm trốn khỏi nơi giam giữ đã xuất hiện ở TP Hạ Long.

Theo đó, đêm 13/9, 2 kẻ tử tù đã có mặt ở quán Karaoke KTV Hạ Long View (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long). Công an phường đề nghị khẩn trương thông báo cho nhân dân, đặc biệt là đối với các ngân hàng, hiệu kinh doanh vàng bạc, đá quý được biết để thông tin, tố giác tội phạm; phòng ngừa chúng gây án giết người, chiếm đoạt tài sàn trên đường tẩu thoát.

Điều 301 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009:

1. Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội để người bị giam, giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trốn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù 2 năm đến 7 năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 311 Bộ luật hình sự quy định về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử:

1. Người nào đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a ) Có tổ chức

b ) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn