Hà Nội trong ngày Quốc khánh năm 1946

Thời sựThứ Năm, 01/09/2011 10:00:00 +07:00

(VTC News) - Thành phố vào hội hoa đăng: đèn sắng khắp nơi. Một đoàn thanh niên giơ cao cây đuốc tượng trưng cho ngọn lửa Cách mạng, chạy quanh Hồ Gươm...

(VTC News) - Thành phố vào hội hoa đăng, đèn sắng khắp nơi. Một đoàn thanh niên giơ cao cây đuốc tượng trưng cho ngọn lửa Cách mạng, chạy quanh Hồ Gươm...

 

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. 

Ngày 2/9/1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa đầy một tuổi. Một năm mà Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã phải giải quyết biết bao công việc mà đế quốc và các thế lực phản động liên kết với nhau, chống phá quyết liệt...

Mở đầu ngày Hội lớn, cả thành phố hướng về miền Nam. 7 giờ sáng, một hồi còi vang lên, bay xa. Tất cả nhân dân Hà Nội dù ở trong nhà hay đang đi trên đường phố đều quay về hướng Nam, đứng im lặng trong một phút để tưởng nhớ tới nhiều chiến sĩ và đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ đang chiến đấu chống thực dân Pháp gây chiến; cũng là chứng minh cho bè lũ đế quốc thấy sức mạnh của một dân tộc đã đứng dậy quyết giữ vững nền độc lập mới giành được.

Dứt hồi còi, người dân khắp phố phường đổ ra phía Hồ Gươm, nơi sẽ tổ chức duyệt binh và diễu binh lần đầu tiên ở Thủ đô. Một lễ đài đã được dựng ở vườn hoa Chí Linh.

Năm trước, trên lễ đài, ở quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Năm nay, Bác sang Pháp đàm phán từ ngày 31 – 5 (tới 21 – 9 mới về Hà Nội).

Thay mặt Bác trên lễ đài có cụ Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng cùng với các vị Bộ trưởng trong Chính phủ liên hiệp chính thức do Quốc hội bầu ra.

Ngoài ra, còn có Đại biểu các phái đoàn Anh, Mỹ, Pháp...cũng được mời đến dự. Họ được đưa vào vị trí dành cho khách nước ngoài.

Sau khi nghe lệnh của Quân ủy hội gửi bộ đội, nhân dân, tự vệ...các lực lượng vũ trang bắt đầu cuộc biểu dương lực lượng. Đây là lần đầu tiên có cuộc duyệt binh của quân đội Cách mạng.

Một trung đoàn, áo quần màu xanh lá cây, mũ ca – nô gắn sao vàng, chân đi giày da, súng trên vai, rầm rập diễu qua lễ đài trong nhịp kèn đồng náo nức của đoàn quân nhạc. Đi đầu mỗi đơn vị là sĩ quan chỉ huy, đeo kiếm dài, ánh mắt lấp lánh, tự hào.

Sự ra mắt của một đoàn quân chính quy có ý nghĩa đặc biệt, khi mà những tên lĩnh viễn chinh Pháp đang gõ gót giầy trên đường Hà Nội.

Buổi chiều là tổ chức mit-tinh. Những dòng thác người với rừng cờ, rừng biểu ngữ dồn về Quảng trường Nhà hát lớn. Quanh lễ đài là những xe ô tô trang trí toàn hoa lá, lúc đó gọi là “xe hoa”, nhiều hình dáng, màu sắc; biến quảng trường thành một rừng hoa.

Kể cả đồng bào các tỉnh về tham dự thì cuộc mit – tinh chiều ấy có tới 30 vạn người. Nội dung chính của mit- tinh là Chính phủ báo cáo với nhân dân thành tựu 1 năm thực hiện 3 nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra là: chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Sau buổi mit – tinh là cuộc diễu hành. Dẫn đầu là 1 đoàn xe hoa, chiếc thứ nhất của Tổng bộ Việt Minh với lá Quốc kỳ rất lớn, phấp phới tung bay. Một xe hoa khác lại có hình cánh chim đang dang rộng cánh, tượng trưng cho mỗi ngày một phát triển.

Đoàn quân diễu hành cuồn cuộn kéo đi, mang theo niềm vui tới các đường phố Thủ đô đang đầy cờ, hoa... giữa mênh mông biển người.

Tối đến, cả thành phố vào hội hoa đăng: đèn sắng khắp nơi. Một đoàn thanh niên giơ cao cây đuốc tượng trưng cho ngọn lửa Cách mạng, chạy quanh Hồ Gươm rèo hò vang dội...

Nhiều gia đình bày tiệc liên hoan ngay ở khu phố cổ. Đồng bào ở tỉnh xa, đi ngang qua, cũng được dự chung với các gia đình ở Hà Nội. Đây là một nét đẹp trong nếp sống của người Tràng An từ xưa.

Không khí thật hồ hởi, phấn khởi và trong sáng!

Nguyễn Vinh Phúc

(Nhà Hà Nội học, công dân tiêu biểu của Thủ đô)

Bình luận
vtcnews.vn