'Hà bá' ngoạm 3ha đất, uy hiếp nhà cửa: Quảng Nam muốn 'rót' 100 tỷ dựng bờ kè

Tin nhanh 24hThứ Tư, 23/11/2022 14:09:51 +07:00
(VTC News) -

Trước tình trạng bờ sông Quảng Huế sạt lở nghiêm trọng, đe dọa nhà cửa của người dân, tỉnh Quảng Nam mong muốn đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng bờ kè.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn khu vực công trình Chỉnh trị sông Quảng Huế và các ảnh hưởng của những phát sinh mới trên lưu vực.

'Hà bá' ngoạm 3ha đất, uy hiếp nhà cửa: Quảng Nam muốn 'rót' 100 tỷ dựng bờ kè - 1

Bờ sông Quảng Huế sạt lở nghiêm trọng sau các đợt mưa lũ vừa qua. 

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, công trình Chỉnh trị sông Quảng Huế được đầu tư xây dựng trên địa bàn 2 xã Đại Cường và Đại An, huyện Đại Lộc với mục tiêu tránh bồi lấp, suy thoái nhánh sông Vu Gia về qua Ái Nghĩa (sông Yên); tạo nguồn nước cho trạm bơm cầu Đỏ, cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng; tạo nguồn nước cấp cho sản xuất và sinh hoạt của dân cư vùng hạ lưu; ngăn và để không phát sinh lại dòng Quảng Huế mới.

Từ mùa mưa lũ năm 2021 và đặc biệt từ cuối tháng 9/2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai, trong đó tại trạm thủy văn Ái Nghĩa đã xuất hiện nhiều đợt mưa lũ với mức xấp xỉ và trên mức báo động 3. Qua các đợt thiên tai từ cuối tháng 9/2022 đến nay, tình hình sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn hạ lưu công trình xử lý bước đầu tại khu vực cửa vào sông Quảng Huế thuộc công trình Chỉnh trị sông Quảng Huế tiếp tục diễn ra, làm cuốn trôi đất sản xuất nông nghiệp (khoảng 3ha) và nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân đang sinh sống tại khu vực; tình trạng sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại và đang tiếp tục gây sạt lở trong phạm vi khoảng 500m.

'Hà bá' ngoạm 3ha đất, uy hiếp nhà cửa: Quảng Nam muốn 'rót' 100 tỷ dựng bờ kè - 2

Chính quyền địa phương gắn biển cảnh báo, giăng dây tại khu vực bờ sông sạt lở.

Để đảm bảo ổn định bờ sông Quảng Huế đoạn hạ lưu công trình, ổn định đất sản xuất và công trình hạ tầng kỹ thuật ven sông; đồng thời có cơ sở khoa học để đề xuất giải pháp công trình đồng bộ nhằm bảo vệ ổn định lòng dẫn sông, điều tiết hài hòa dòng chảy vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, ổn định đời sống của người dân trong khu vực, UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai quan tâm, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ sông Quảng Huế (đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An). Tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, với quy mô đầu tư xây dựng kiên cố lại đoạn kè sông bị sạt lở phía hạ lưu công trình Chỉnh trị sông Quảng Huế, chiều dài khoảng 500m.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, sớm tổ chức nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn khu vực công trình Chỉnh trị sông Quảng Huế và các ảnh hưởng của những phát sinh mới trên lưu vực một cách tổng thể, từ đó đề xuất các giải pháp công trình phù hợp nhằm đảm bảo sự ổn định, bền vững; trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.

Như VTC News phản ánh, hồi tháng 10 vừa qua, chính quyền xã Đại An, huyện Đại Lộc giăng dây, gắn biển cảnh báo nguy hiểm nhằm cấm người và phương tiện đến gần điểm sạt lở bờ sông Quảng Huế, đoạn thuộc thôn Phú Nghĩa. Song, mỗi ngày trôi qua, sợi dây cùng biển cảnh báo lại xê dịch dần vào khu vực phía trong khu dân cư vì sạt lở cứ "tịnh tiến".

Ông Ngô Xung (54 tuổi, trú thôn Phú Nghĩa) ước chừng, khoảng cách từ mép nước Quảng Huế đến nhà ông và một số hộ dân trong xóm chỉ còn chưa đầy 15m. 3 năm trở lại đây, nhiều diện tích đất canh tác của người dân địa phương đã bị kéo tuột xuống dưới sông vì sạt lở.

Theo người dân địa phương, nguyên nhân khiến bờ sông sạt lở là do trước đó tỉnh Quảng Nam có chủ trương đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để lấy nước về giải mặn cho TP Đà Nẵng. Cụ thể, khi chưa đắp đập thì không có vấn đề gì cả, làm xong đập thì thấy sạt lở nghiêm trọng hơn.

THANH BA
Bình luận
vtcnews.vn