Gửi một Tiến sĩ: Mạn đàm về sự sống chết của... Rùa

Bạn đọcChủ Nhật, 06/03/2011 06:32:00 +07:00

(VTC News) - Cái chết của cụ Rùa - nếu xảy ra - không đơn thuần là cái chết của một sinh vật. Và điều đáng quan tâm nhất, là cách người ta nhìn về cái chết ấy.

(VTC News) - Vượt ngoài khuôn khổ cuộc "giải cứu" một sinh vật quý hiếm hay ý nghĩa tâm linh, câu chuyện về rùa hồ Gươm những ngày qua đã trở thành một vấn đề xã hội, một chủ đề nóng hổi tính thời sự mà qua đó, người ta bàn thảo, suy ngẫm và chiêm nghiệm về chính cuộc sống.

Dưới đây là những chia sẻ của độc giả Vũ Thảo Nguyên.

Sáng nay, vô tình đọc được bài trả lời của Tiến sĩ Vũ Thế Long, nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam trả lời phỏng vấn TTXVN đăng tải trên yahoo. Ông nói về chuyện sống – chết của… Rùa.

Vâng, đúng như ông nói. Có cái gì là trường sinh đâu, ngay cả Đức Phật hay Chúa Jesu cũng vậy. Là Tiến sĩ nên cái cách mà ông nhìn nhận thật xù sì, chỉ có đen và trắng. Thật rạch ròi!

Thế nhưng đạo đức con người thì không như thế. Có người tốt, có kẻ xấu, mà thiếu gì kẻ chả tốt như người nhưng cũng chưa xấu như loài thú dữ. Vậy nên mới có chuyện cùng một tội ác nhưng mức án tòa dành cho mỗi trường hợp cụ thể lại mỗi khác nhau. Cái điều này chắc ngoài phạm vi nghiên cứu của ông Tiến sĩ.

Tôi là kẻ thất phu, học hành chẳng ra gì. Nhưng tôi biết tại sao nhiều nước vẫn chưa quyết định việc cho người muốn chết quyền được chết. Có cái gì ngoài sự trắng – đen ở đây thì phải.

Mà nói chuyện này thì dông dài quá, nên nói về chuyện cái sự sống chết của cụ Rùa thôi.

Nhân gian có nhiều sự chết. Có cái chết bình thường như người ta già rồi chết. Có cái chết chưa già vẫn cứ chết. Có cái chết mà khi chết rồi người ta quên ngay, nhưng có cái chết trở thành bất tử. Cái chết của cụ Rùa Hồ Gươm nếu có xảy ra vào thời điểm này, tôi đoan chắc là cái chết khiến nhiều người đau lòng – dù có là sự đương nhiên. Nhân dân và chính quyền Hà Nội, và lớn hơn là cả nước không tự nhiên mà quan tâm tới chuyện cụ Rùa như vậy. Vì dù sao thì cụ cũng đã bị thương, đã bệnh, đã yếu lắm rồi, suy từ quy luật tự nhiên thì cụ cũng đã... thọ quá rồi!

Biểu tượng thì cũng chỉ là cái mà người ta nghĩ ra thôi.

Cái quan trọng là cái nó nằm trong đầu con người ta. Dân tộc ta đã “lỡ” có một lịch sử oai hùng, "lỡ" có một huyền thoại về “Hồ Gươm” quá đẹp và đầy nhân nghĩa, nên cụ Rùa bây giờ - dù chắc gì đã là cụ Rùa trong huyền thoại – vẫn cứ là một niềm tin mà những người Việt Nam đời đời gửi gắm.

Đức tin không là vật chất, nhưng đức tin làm người ta sống vững vàng hơn, và với niềm tin về lịch sử dân tộc, chúng ta sẽ sống tốt hơn, sống đẹp hơn. Chúng ta vẫn là nước nghèo, lạc hậu. Nhưng không ai tước đoạt được niềm tin của chúng ta về một đất nước đã có hàng ngàn năm văn hiến, lại không thể vươn nên bằng được những nơi mà người dân thiếu một nguồn cội để tôn thờ. Bởi thế, cái chết của cụ Rùa – lạy trời đừng xảy ra bây giờ - không đơn thuần là cái chết của một sinh vật. Và nhất là cách mà người ta nhìn về cái chết của cụ mới là cái để mọi người quan tâm.

Trong quá khứ, chúng ta đã có cách hành xử không tốt để hôm nay chúng ta chứng kiến những hậu quả của cách hành xử đó. Dù sao, đó cũng là chuyện của quá khứ, đầy ắp những ấu trĩ. Giờ đây, cần thiết phải thay đổi sự ấu trĩ đó. Cho cả mai sau nữa. Một cái nhìn khoa học nhưng thiếu lòng nhân về cái kết cục xấu cho đời sống một sinh vật Rùa Hồ Gươm, liệu đấy có phải là cái nhìn của một con người tốt? Một thái độ bàng quan, lạnh lùng về một biểu tượng đã ăn sâu vào đầu những người dân Việt chân chính liệu có phải là cái nhìn đúng?

"Rùa chết thì chôn hay đem cho bảo tàng lưu giữ để mọi nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu. Đó là chuyện bình thường. Có gì mà phải sợ?"

Chẳng có ai sợ cả, thưa ông Tiến sĩ! Hàng trăm năm sống trong sự cày ải của giặc giã, của đói nghèo chúng ta còn chưa sợ nữa mà. Nhưng chính sự lạnh lùng vô cảm của người trơn tuột nói ra câu này mới là điều đáng sợ! Hãy giả dụ, tất cả mọi người đang quan tâm tới Rùa Hồ Gươm ai cũng nghĩ như ông Tiến sĩ thì sẽ ra sao nhỉ?!

Tất cả mọi sinh vật này đều có quyền được sống tốt. Đừng tự bức tử mình, cũng như (vô tình) bức tử sinh vật khác. Bài học về sự sống – chết của cụ Rùa Hồ Gươm, bởi thế không chỉ đơn giản là một bài học về sinh vật thuần túy. Mong lắm những tấm lòng.

Vũ Thảo Nguyên


Có gì ẩn chứa đằng sau câu chuyện dòng nước hồ Gươm đục ngầu và cái mai già mốc thếch, sứt sẹo đáng thương của Cụ Rùa?

Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến về vấn đề này qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về
[email protected]. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn