Giúp con tự tin bước vào kỳ thi lên 10

Giáo dụcChủ Nhật, 16/12/2018 08:05:00 +07:00

Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2019-2020 có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đó, điều này khiến phụ huynh, học sinh hoang mang, lo lắng.

Nạp kiến thức ngay trên lớp

Nếu các năm trước, học sinh chỉ cần thi 2 môn là Văn, Toán thì kỳ thi năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chốt phương án thi 4 môn (3 môn đã biết là Văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 môn công bố vào tháng 3/2019). Kỳ thi này, Hà Nội có hơn 101.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập chỉ chiếm hơn 60%.

Thu Hà (học sinh trường THCS Đức Giang) chia sẻ, Hà học kém những môn khoa học tự nhiên nên ngay từ đầu năm, bố mẹ đã thuê gia sư kèm cặp Hà môn Lý, Hóa vì sợ năm nay thi tốt nghiệp sẽ rơi vào những môn này.

Ngoài các môn Văn, Toán, Anh vẫn đi học thêm như mọi năm, năm nay Hà còn phải học thêm Sinh, Sử, Địa… “Lịch học kín từ đầu tuần đến cuối tuần chẳng được nghỉ ngơi, con mệt mỏi lắm, nhiều khi đến lớp chỉ muốn gục xuống bàn ngủ một giấc” - Hà chia sẻ. 

Chị Nguyễn Lan, mẹ của Hà phân trần: “Biết là con học hành vất vả nhưng đến tháng 3 năm sau, Sở GD-ĐT Hà Nội mới công bố môn thi thứ tư, lúc đấy mới bắt đầu học sợ không kịp.

Nếu con không thi được vào trường cấp III top trên, phải học ở những trường top dưới, gia đình sợ sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi đại học của con sau này, lại lo con học ở môi trường không tốt sẽ sinh hư, còn học trường dân lập tốt thì bố mẹ lại phải gồng mình lo thêm chi phí”.

1

 

Theo cô Quỳnh Mai, Trưởng phòng đào tạo Hệ thống giáo dục Học mãi, phụ huynh không nên cho con đi học thêm quá nhiều để tránh tình trạng con mệt mỏi, học hành không hiệu quả. Thay vì chạy đua hết lớp học thêm này đến lớp học thêm khác, phụ huynh nên nhắc nhở con học bài ngay trên lớp, ghi nhớ những kiến thức cơ bản, bởi thí sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản trong SGK là có thể hoàn thành khoảng 90% bài thi.

Học sinh nên vận dụng kiến thức với thực tiễn đời sống hằng ngày để dễ ghi nhớ kiến thức. Quan trọng là phải ôn luyện, luyện tập theo từng chuyên đề từ kiến thức cơ bản rồi mới đến nâng cao. Học sinh nên tích cực luyện đề theo từng giai đoạn để rèn phương pháp, luyện kỹ năng, chiến thuật làm các dạng bài thường xuất hiện trong đề thi vào 10.

 
Môn Văn cần luyện tốt 3 kỹ năng: “Học sinh đừng lầm tưởng văn là học thuộc, là tham khảo, là đọc văn mẫu… Viết văn là “chém gió”, viết càng dài càng tốt, kiểu gì cũng trúng. Môn Văn cũng đòi hỏi học sinh phải có tư duy logic. Các em nên xây dựng sơ đồ tư duy vừa dễ dàng nắm chắc nội dung vừa triển khai ý từ đoạn văn, làm bài nhanh, đầy đủ, cô đọng và súc tích. Học sinh phải luyện tốt 3 kỹ năng: trình bày, trả lời câu hỏi, và viết đoạn văn”.

Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên Ngữ văn Trường phổ thông song ngữ liên cấp ở Hà Nội

Đồng tình với ý kiến này, cô Thúy Ngọc, Trường THCS Trung Tú, Hà Nội gợi ý, sau khi học trên lớp, các con nên tự xây dựng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức trọng tâm.

Giai đoạn hiện nay, các con cần tập trung học tốt 3 môn đã biết, môn thi cuối cùng thi theo hình thức trắc nghiệm, các con chỉ cần học bám sát nội dung SGK và làm quen với hình thức thi trắc nghiệm là các con đã có thể đạt được điểm cao.

Ngoài ra, cô Thúy Ngọc cũng lưu ý, phụ huynh nên tạo cho con tinh thần thoải mái, chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng để con tự tin bước vào kỳ thi.

Xây dựng lộ trình học tập

Theo cô Vân Anh, giáo viên dạy Toán tại Trung tập học tập chủ động Galileo, để giảm áp lực trước kỳ thi vào 10, phụ huynh nên giúp con theo 6 bước sau:

Thứ nhất: Kiểm tra, đánh giá năng lực hiện tại. Điều này thể hiện qua các bài kiểm tra ở trường, qua lời nhận xét của thầy cô…

Thứ hai, dựa trên lực học của con xác định mục tiêu cụ thể con sẽ thi vào trường nào, điểm số từng môn con cần đạt là bao nhiêu.

Thứ ba, khi đã xác định rõ trường định thi, bố mẹ cùng con xây dựng kế hoạch học tập cho từng môn.

Thứ tư, con phải học tập theo kế hoạch, lộ trình và mục tiêu đã đề ra. Thứ năm, kiểm tra năng lực sau mỗi chủ đề để điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu nếu cần. Thứ sáu, tổng quát lại kiến thức và chuẩn bị tâm lý vững vàng để bước vào kỳ thi.

Thầy Trí Quang, Trường THCS Archmedes Academy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lộ trình học tập. Bố mẹ không nên bắt ép mà hãy thảo luận cùng con để tìm ra lộ trình học tập hợp với khả năng của con. Thầy Quang cũng gợi ý học sinh nên học theo hình xoắn ốc, tức là học kiến thức cơ bản rồi mới học nâng cao, luyện đề và làm các bài thi thử. Khi đã đặt được lộ trình, bố mẹ và con cam kết thực hiện không lùi bước.

5 bước để bài thi Toán được điểm cao:

1. Tích lũy kiến thức theo từng đơn vị nhỏ, mỗi đơn vị trải qua 3 giai đoạn: Nắm kiến thức cơ bản, củng cố và nâng cao, ôn luyện lại.

2 Rèn luyện tư duy khi giải mỗi bài toán. Quy trình 4 bước: Khai thác giả thiết, huy động các kiến thức liên quan và tìm hướng giải, trình bày bài giải, xem lại.

3. Rèn luyện kỹ năng trình bày cho mỗi dạng bài.

4 Ôn tập, luyện đề và rút kinh nghiệm.

5. Ghi chép lại những kiến thức quan trọng, những bài toán có thể dùng làm bổ đề để giải các bài nâng cao và những sai lầm cần tránh.

Thầy Hồng Trí Quang, GV Toán trường THCS Archmedes Academy

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn