Giáo viên dạy online: Căng thẳng hơn dạy trên lớp, ba ngày chưa xong một bài

Diễn đànThứ Sáu, 10/09/2021 16:00:56 +07:00
(VTC News) -

Không chỉ học sinh, phụ huynh, giáo viên cũng đang chịu nhiều áp lực, vất vả từ việc dạy học online.

4h30, vừa kết thúc tiết dạy cuối của ca chiều, cô Trần Ngọc Hảo (Đống Đa, Hà Nội) vội vã chạy xuống bếp cắm nồi cơm, luộc ít rau để chuẩn bị bữa tối cho hai cô con gái kịp ăn trước khi bước vào ca học tối. Bản thân cô, tối nay cũng có hai tiết dạy online. 

Mỗi ngày, trung bình cô Hảo lên lớp online 6 - 9 tiết Toán, chia đều 3 khối lớp 7, 8, 9 theo ba khung giờ sáng, chiều, tối. Ngày nào cũng vậy, nói là 3 tiết học nhưng thời gian thực dạy online kéo dài bằng 4 - 5 tiết trên lớp. Tính nguyên việc ổn định lớp, kiểm tra sĩ số, cô trò rớt mạng vào ra liên tục cũng chiếm một nửa thời gian học.

"Tuần đầu tiên của năm học mới, phụ huynh khắp nơi đều than con học online mệt nhoài, rớt mạng liên tục, nhưng kỳ thực giáo viên cũng vất vả và áp lực không kém. Áp lực về tiến trình giáo án, tốc độ giảng bài. Như tuần qua, lớp loay hoay học 3 buổi online mới hết kiến thức một bài. So với học trực tiếp tại lớp, số lượng kiến thức đó chỉ dạy một buổi là xong", cô Hảo chia sẻ và chỉ ra nguyên nhân của việc trên là do đường truyền kém, học sinh liên tục rớt mạng, mỗi lần có bạn bị đẩy ra khỏi lớp là lại phải dừng bài học để đợi các em vào.

Do việc dạy online chưa đảm bảo nên cô xin phép tổ bộ môn cắt bớt một số phần lý thuyết, dặn học sinh tự đọc trước khi học và tăng cường lấy ví dụ, bài tập nhỏ để học sinh có thể hiểu hơn.

Theo cô, dạy online rất khó bao quát lớp học. Hầu như cô đều phải giao thêm các bài tập, nhờ phụ huynh giám sát các con làm. Cách duy nhất để đánh giá học sinh hiểu bài hay không là dựa vào kết qủa bài làm về nhà. Chỉ khoảng 40% đến 50% học sinh trong lớp hiểu bài. Vì vậy, sau mỗi giờ học, thay vì nghỉ ngơi để chuẩn bị cho các ca học sau, cô Hảo lại tranh thủ trả lời tin nhắn, nhờ phụ huynh hướng dẫn thêm các con tự học và gửi bài tập về nhà.

Giáo viên dạy online: Căng thẳng hơn dạy trên lớp, ba ngày chưa xong một bài - 1

Giáo viên dạy học online. (Ảnh minh hoạ)

Thầy Nguyễn Ngọc Quỳnh (Kỳ Sơn, Nghệ An) cũng cho biết, sau tuần đầu triển khai học online, cả thầy và trò vẫn chưa thể hoàn thành được bài thứ 2 môn Toán lớp 8. Một phần do đường truyền mạng chập chờn, học sinh không tập trung và nhiều em không thể học do thiếu thiết bị điện thoại, máy tính. 

"Mặc dù đây không phải lần đầu tiên triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh nhưng gần như các sự cố về đường truyền mạng, thiết bị dạy học vẫn không được khắc phục, hiệu quả dạy học rất chậm. Có những tiết học, thầy giáo bị đẩy ra khỏi lớp học Zoom đến 30 phút. Đổi hết các thiết bị từ máy tính, điện thoại hay từ wifi sang 4G vẫn 'chịu chết'", thầy giáo chia sẻ.

Điển hình buổi học sáng qua, lớp vắng 23 em, sáng nay vắng 19 em. Các em không có máy tính, phải học bằng điện thoại của phụ huynh. Tuy nhiên, khi bố mẹ bận công việc thì các em sẽ nghỉ học. Để đảm bảo tiến độ cho các em thiếu thiết bị học online, thầy Quỳnh thường xuyên đến nhà học sinh gửi bài tập trực tiếp, gọi điện cho phụ huynh sát sao dạy con học, tăng cường trao đổi giữa giáo viên với gia đình.

Thầy lo ngại nếu dịch bệnh kéo dài thì chất lượng dạy học rất khó đảm bảo, đặc biệt với học sinh lớp 6 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu các em không chắc những kiến thức gốc thì lên các lớp cao hơn 7, 8, 9 rất khó để theo được môn Toán.

Tinh giản nội dung 10 môn học

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà soát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung. 

Theo đó, 10 môn sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh Học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Nguyên tắc sẽ tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu….

Bộ tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

"Bộ trưởng đã giao chúng tôi biên soạn tài liệu này, tuần này hoặc tuần tới sẽ gửi đến các thầy cô để lan tỏa, tổ chức giờ học trực tuyến nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, thay vì ngồi trước màn hình thì học sinh có thể tự chủ trong giờ học", ông Thành cho biết.

Các trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho học sinh tự học nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài học sinh qua zalo, thư điện tử, nhắn tin… Khi học sinh vào học trực tuyến phải có sự chuẩn bị bài từ trước, được đọc sách giáo khoa từ trước. Khi đó, giờ học trực tuyến tương tác thực chỉ còn là trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề học sinh còn đang vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình tương tác online.

Trong trường hợp không có internet, có thể phát các tài liệu trên truyền hình hoặc copy vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp các em tiếp cận các học liệu này, cha mẹ học sinh tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ để các em đảm bảo được yêu cầu trong học tập trong bối cảnh hết sức khó khăn.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp