Giao thừa hè phố của những mảnh đời cơ cực

Thời sựThứ Tư, 17/02/2010 01:38:00 +07:00

(VTC News)- Giao thừa là thời khắc sum vầy thiêng liêng nhất của mỗi gia đình khi năm hết Tết đến, thế nhưng, còn không ít người phải ngậm ngùi đón Tết vỉa hè

(VTC News) -  Giao thừa là thời khắc quan trọng nhất trong một năm của mỗi gia đình cùng quây quần bên mâm cơm ấm cúng để đón năm mới an lành. Trong đêm giao thừa, trên vỉa hè ở những con phố Hà Nội vẫn có những phận người đón giao thừa trên… vỉa hè

Anh Tư cửu vạn: Không bố mẹ, không người thân - loanh quanh góc chợ đón Tết

Anh Tư với giấc ngủ vội trước khi tiếp tục với  công việc bận rộn ngày cuối năm

Đêm 29 Tết, PV VTC News có mặt ở khu vực chợ Long Biên, cảm nhận không khí hối hả làm việc của những người lao động nghèo nơi đây. Đi ngang qua khu vực Bốt Hàng Đậu, tôi dừng lại bên đường khi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông trung tuổi đang ngủ gục trên vỉa hè .

Anh tự giới thiêu mình tên là Tư, quê ở Thanh Hoá lên Hà Nội làm cửu vạn kiếm sống. Anh lặn lội từ vùng quê nghèo Triệu Hoá (Thanh Hoá) lên Hà Nội kiếm sống qua ngày.

Nhà chẳng còn bố mẹ, cũng không người thân nên ngày Tết anh thường loanh quanh các góc chợ ở khu vực này, ngồi lặng lẽ một mình, vui chung niềm vui của người đi chơi trên phố.

Thấy tôi có ý định chụp ảnh, anh xua tay “Tôi thì có gì mà chụp hả chú”, rồi, chỉ trong chốc lát, anh ngủ gục trên hè phố giữa dòng người xuôi ngược.

Ông Nghiêm Sơn, Quản lý gầm cầu Long Biên: “Thêm cô độc mỗi khi Tết đến Xuân về”

Anh Nghiêm Sơn đón giao thừa cùng những anh em chiến hữu bên nồi lẩu 

Loanh quanh ở khu vực gầm cầu Long Biên, PV tìm đến bắt chuyện một người đàn ông trung tuổi đang ngồi một mình bên chén trà nóng. Thi thoảng có người nhờ trông hàng, anh mới gật đầu đáp lại. Anh là Nghiêm Sơn, quản lý khu vực gầm cầu Long Biên đã hơn chục năm nay.

Cũng giống như anh Tư, anh Sơn càng trở nên cô độc mỗi khi Tết đến xuân về. Đêm giao thừa, anh thường cùng các anh em chiến hữu quây quần bên nồi lẩu và say trong chén rượu.

"Ngày mùng 1, mùng 2 đường phố chẳng có người. Chỉ tới mùng 3 những người lao động trở lại làm việc thì không khí chắc sẽ vui hơn”, Anh Sơn tâm sự.

Bà cụ bán báo Nguyễn Thị Lan: "Nhiều năm đón giao thừa đơn độc ở Hồ Gươm"

Bà Lan chợp mắt một lúc chờ trời sáng 

Sáng 30 Tết, đường Lý Thái Tổ vắng lặng, chỉ còn lác đác vài người qua lại. Trên vỉa hè vẫn thấy bóng dáng một bà lão đang ngồi khép mình gật gù mắt lim dim nhìn xung quanh. Bà là Nguyễn Thị Lan, làm nghề bán báo ở khu vực này đã 10 năm.

Ngoài việc bán báo, bà Lan thường thức đêm để trông xe cho dãy nhà ở khu vực này. Sáng sớm bà lại đi lấy báo để bán cho người nước ngoài.

Bà cho biết đã nhiều năm đón giao thừa ở Hồ Gươm nhưng mỗi năm cảm xúc lại khác nhau. Nhìn người người cầm tay nhau đi vui hội mà lòng như quặn lại.

Sáng sớm mùng một Tết, bà không đi bán báo như thường lệ mà trở về căn nhà nhỏ của mình đón một cái Tết trong sự cô đơn.

Chị Nguyễn Thị Nhàn (mưu sinh bằng nghề nhặt rác): "Chưa làm xong việc thì đành mùng 1 về đón Tết”

 Chị Nhàn có thể không về kịp trước đêm giao thừa

Trên đường trở về khi đã vào rạng sáng 30 Tết, PV chợt bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ vẫn miệt mài sắp xếp những tấm bìa các tông thành những đống cao ngất. Chị là Nguyễn Thị Nhàn quê ở Xuân Trường, Nam Định lên đây làm việc đã được 5 năm.

Mọi năm thường vào 30 Tết chị Nhàn thu xếp công việc để trở về bên gia đình.

Công việc vẫn ngổn ngang chưa xong được nửa phần

Năm nay đến 30 Tết mà mà công việc vẫn chưa xong được nửa phần. “Không biết tôi có thể kịp về trước lúc giao thừa không nữa. Kiểu gì cũng phải về đón Tết cùng các con các cháu ở quê. Nếu không kịp thì đành mùng 1 Tết về sớm vậy”, chị chia sẻ.

"Nhìn nhà người ta quây quần ấm cúng đêm giao thừa mà thấy nghẹn lòng"

Chị Hiếu đang chỉ đạo chị em công nhân chuẩn bị cho ca trực đêm Giao thừa 

Cùng chung nỗi thiệt thòi không được quây quần đêm Giao thừa ấm cúng cùng gia đình tương tự những mảnh đời cơ cực, bất hạnh nói trên là các chị lao công thuộc Công ty XN Môi trường đô thị số 2, TP Hà Nội.

Chị Nguyễn Phương Hiếu (Tổ trưởng tổ 2, Công ty XN Môi trường đô thị số 2) cho biết, trong 21 năm làm việc tại Công ty này, đã có tới 10 năm liền làm bám vỉa hè… đón Tết.

Chị tâm sự “Giao thừa ở khu vực Bờ Hồ thì vui nhất. Rất nhiều người tập trung xem bắn pháo hoa. Nhưng sau đó thì toàn rác là rác. Năm nay chúng tôi bổ sung quân số gấp mấy lần để trực đêm giao thừa.”

Cũng theo chị Hiếu, sau đêm giao thừa, khi ai trở về nhà người ấy thì cũng là lúc những công nhân môi trường bắt đầu công việc của mình. Thường thì công việc của những công nhân trong kíp trực đêm giao thừa chỉ kết thúc vào khoảng 5h sáng mùng 1 Tết.

Bất chợt nghe hỏi cảm xúc đêm giao thừa, chị Hiếu ngậm ngùi: “Năm nào cũng như năm nào. Nhìn nhà người ta quây quần ấm cúng trong đêm giao thừa mà cũng thấy nghẹn lòng. Cũng không biết làm sao được, nghề nghiệp nó thế mà. Mọi công việc ở nhà lại phải nhờ ông xã thu xếp.”

Tâm sự của chị Hiếu cũng chính là tâm sự của tất cả chị em công nhân của Công ty XN Môi trường đô thị số 2  tham gia kíp trực đêm giao thừa năm nay.
 


Phạm Thịnh

Bạn có nhận xét gì về thông tin trong bài viết này hay muốn chia sẻ những cảm xúc, câu chuyện cảm động về những con người kém may mắn và thiệt thòi thể hiện rõ nhất mỗi khi năm hết Tết đến? Hãy gửi phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cảm ơn!
Bình luận
vtcnews.vn