Hai nữ sinh thổi hồn vào logo của V.League 1

Giáo dụcThứ Tư, 26/12/2018 08:15:00 +07:00

Cảm hứng từ những trận cầu nảy lửa và tình yêu bóng đá mãnh liệt, Nguyễn Thị Thúy Ngọc và Phạm Ngọc Phương Lan thực hiện thiết kế cho bộ nhận diện thương hiệu - Giải bóng đá vô địch Quốc gia Việt Nam V.League 1.

Thổi hồn vào logo V.League 1

Giải bóng đá vô địch Quốc gia Việt Nam V.League 1 là giải thi đấu bóng đá cao nhất trong hệ thống bóng đá Việt Nam do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức từ năm 1980.

Mặc dù cho rằng logo của V.League 1 hiện nay đẹp, tinh tế nhưng hai nữ sinh Nguyễn Thị Thúy Ngọc và Phạm Ngọc Phương Lan (Đại học FPT) vẫn lên ý tưởng thiết kế cho bộ nhận diện thương hiệu mới mẻ hơn.

Thông qua đồ án này, các bạn mong muốn sẽ truyền cảm hứng tự hào về nền bóng đá nước nhà. Đây cũng là đồ án tốt nghiệp ngành Thiết kế Đồ họa của hai bạn trẻ. 

1

Hai cô bạn trẻ làm đồ án về “Thiết kế mới cho bộ nhận diện thương hiệu - Giải vô địch bóng đá Việt Nam (V.League 1)”. (Ảnh: Nhật Trường)

Từ ý tưởng tạo hình cầu thủ, các hoạt động trên sân cỏ, các bạn đã thiết kế logo gồm những đường nét thẳng, sử dụng đường cắt nhằm thể hiện sự mạnh mẽ và tinh thần nhiệt huyết của các 'chiến binh sân cỏ'.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của hình tròn trong logo thể hiện sự liên tưởng đến trái bóng với sự chuyển động đầy linh hoạt.

Hai nữ sinh này cũng từng thổi hồn vào trong các ấn phẩm như thẻ phóng viên, bì thư, sổ tay, poster, cốc, áo, cúp, phòng thay đồ, vé, phòng vé, website… Tất cả các ấn phẩm đều được thiết kế một cách tinh tế và đầy sáng tạo.

Họa sĩ Phan Vũ Linh, thành viên Hội đồng cho biết: “Đề tài của hai bạn thực sự ấn tượng, định hướng màu sắc cũng khá chặt chẽ và thống nhất. Tuy nhiên, có thể bổ sung thêm một số chi tiết như một con vật biểu trưng chẳng hạn để làm bớt sự nghiêm túc. Đồng thời, không quá rập khuôn nhưng cần cân đối để logo được nổi bật và dễ dàng nhận diện nhất khi đứng cạnh các đối tượng khác”.

Giảng viên Nguyễn Viết Tân - Trưởng bộ môn Thiết kế Đồ họa hy vọng sau khi ra trường, nhóm có thể hoàn chỉnh hơn. Việc làm lại một logo cho thương hiệu là một sự mạo hiểm trong thiết kế nên phải thực sự có nét mới, khái niệm truyền thông rõ ràng.

“Tôi hy vọng, các bạn sẽ làm được những sản phẩm được sử dụng trong thực tế””, thầy Tân cho hay.

2

 Cảm hứng từ những trận cầu nảy lửa, tình yêu bóng đá mãnh liệt đã giúp các bạn băt đầu thực hiện ý tưởng. (Ảnh: NVCC)

Cảm hứng thiết kế bắt đầu từ cảm xúc

Bài trình bày đồ án được Hội đồng nhận xét khá chặt chẽ khi mở đầu bằng sự nghiên cứu về dung lượng thị trường, đối tượng khách hàng, hiệu ứng truyền thông từ các trận cầu của đội tuyển Việt Nam. Song song là nghiên cứu các giải đấu của các Quốc gia khác như Premier League, Thai League…, rating của các đài truyền hình khi phát sóng các trận cầu hấp dẫn.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày làm đồ án, Lan nói: “Nhớ nhất có lẽ là lần đến xem trận cầu ở sân vận động Thống Nhất. Lần đó, đưa máy đi quay nhưng gặp mưa lớn, ấy mà bản thân vẫn không nản chí. Chúng mình, dù có yêu bóng đá thế nào thì cũng không thể hiểu hết được những luật lệ, cảm xúc của cầu thủ khi ra sân.

Vì vậy, phải kỹ càng trong khâu tìm hiểu, thấu hiểu thương hiệu mới có thể có những thiết kế chạm đến khách hàng”.

6 5

 Nữ sinh trình bày trước Hội đồng khoa học. (Ảnh: Nhật Trường)

“Từ ngày nảy sinh ý tưởng đến khi hoàn thiện, đứng trước Hội đồng Khoa học khoảng gần 4 tháng, kết thúc bài trình bày với số điểm sơ khảo 8.1, mặc dù chưa biết kết quả cuối cùng như thế nào nhưng các bạn cảm thấy tự hào khi đã gắn đam mê vào trong các ngành học mà bản thân yêu thích.

Cảm hứng đồ họa có lẽ không bắt đầu từ những thứ quá xa xôi mà chính trong cảm xúc của người thiết kế”, Lan cho biết thêm.

Theo hai nữ sinh này, để màu cờ sắc áo Việt Nam tiến xa hơn thì phải ươm mầm từ những tài năng trẻ trong nước. Cảm hứng làm mới một giải đấu quy mô toàn quốc vì thế mà có thêm động lực để phát triển.

Nhóm thiết kế hy vọng với logo mới, màu sắc mới sẽ đem lại những sự đam mê mới, nỗ lực mới cho các thế hệ bóng đá kế cận.

Hoàng Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn