Gần 500 năm trước, người Việt làm gì vào dịp Tết?

Giáo dụcThứ Năm, 07/02/2019 21:16:00 +07:00

Theo ghi chép của người phương Tây, Tết Nguyên Đán của người Việt ở thế kỷ 17 diễn ra nhộn nhịp với nhiều thú vui độc đáo sau một năm bận rộn.

Những mẩu chuyện về thú chơi Tết của vua chúa và người dân nước Việt, được người phương Tây sống ở kinh thành Thăng Long ghi chép qua cuốn sách "Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII" của tác giả Nguyễn Trọng Phấn, phần nào cho thấy cảnh Tết xưa.

Những cuộc chơi bình dị

Dịp Tết thường diễn ra nhiều cuộc thi. Có nhiều cuộc thi tài khéo, khó đến nỗi mắt tinh cũng bị nhầm. Có người thử sức khỏe đánh vật, có người thách đi mau chạy nhanh. Cũng có nhóm đấu thương, bắn súng, nạp thuốc không, có kẻ múa gươm, tre mộc.

Đàn bà cũng có một cuộc thi riêng thích hợp với họ là vo gạo, nấu cơm khéo và nhanh. Trong cuộc thi thổi cơm, thí sinh phải kiếm củi ở nơi rất xa, và gánh nước tại giếng quy định. Sau khi đã chuẩn bị mọi thứ, họ nhóm bếp, đặt nồi, tra gạo.

choi tet

Cảnh người Việt tham gia ngày hội đầu xuân.  

Khi cơm chín, họ lấy vào một cái đĩa đặt lên bàn để ban giám khảo nếm xem cơm bàn nào nấu vừa và chín khéo sẽ được trao giải thưởng. Tuy nhiên, giải thưởng không được quý trọng bằng vinh dự chiến thắng.

Một trò chơi được nhiều người thích, vừa cần sức khỏe, vừa cần tài hay, ai thắng được thưởng một tấm lụa, đó là trò đánh đu.

Còn một tục làm cho khắp nước và các gia đình được yên ổn và thuận hòa. Họ có lệ khi năm hết Tết đến sẽ dàn xếp cho xong những chuyện xích mích của người nọ đối với người kia và đến giảng hòa với kẻ thù địch trước ngày Nguyên đán, hứa với nhau sẽ thành đôi bạn chân thật.

Trong 3 ngày Tết không ai nổi giận, nói nặng lời hay làm phiền lòng người khác vì sợ rằng đầu năm làm điểu không tốt thì suốt năm sẽ gặp sự không hay. Ai cũng làm điều lành, ai cũng lên lễ chùa.

Sau 3 ngày Tết, vào đám suốt tháng Giêng, mỗi làng cử 8 người trông nom việc đình đám để không xảy ra thiếu sót và mọi việc được chu tất, không hỗn độn.

Công việc của những người có chức vụ ấy là đem bổ các gia trưởng trong làng phần họ phải đóng góp hoặc bằng đồ vật, hoặc bằng bạc tiền. Mọi người đều vui lòng đóng góp, kẻ cúng con bò, kẻ nộp con trâu, có người con dê hoặc gà qué gia súc đã nuôi béo để cúng thần.

Lễ cử ở đình đúng ngày, giờ đã ấn định. Mọi người đều đến hội họp đông đủ và trước ban thờ thành hoàng, 8 ông tế đám phải quỳ lễ trước tiên.

Vua quan cùng chơi Tết

Vào ngày mùng 3 Tết, các nhà sư dự vào đám rước riêng, rất rực rỡ và long trọng. Vị sư trưởng mặc áo riêng màu đen bóng nhoáng, đầu đội mũ, ngồi trên cái kiệu có phu mặc quần áo kiểu nhà chùa khiêng.

Các sư đi theo liền sau, bận áo cà sa tốt và đẹp, cổ đeo tràng hạt bằng thủy tinh nhiều màu lóng lánh. Trước hôm ấy, một đạo binh rất nhiều quân lính đến đóng giữa cánh đồng rộng cho đến khi lễ xong.

Khắp mọi phía có lập nhiều hương án thờ các tướng sĩ vì nước bỏ mình và đem lại tự do cho xứ sở. Họ thờ cả hình ảnh những tướng giặc có tiếng tăm ngày xưa đã hùng cứ và thống trị các vùng trong xứ. Sáng 30 Tết, người ta dẫn ra đấy những súc vật đã nuôi béo và sẽ mổ để tế thần.

Vị sư trưởng đi kiệu ra, các sư đi hàng đôi theo sau. Tiếp theo, các quan cưỡi ngựa hoặc ngồi voi, bận triều phục rực rỡ. Quân lính kéo đến rất có thứ tự. Khi mọi người đã đến đông đủ, có tin về báo đức vua. Loan giá liền rời khỏi điện, tất cả đình thần đi theo.

Đạo ngự ra đến nơi thì dân chúng hoan hô vang trời, các pháp sư và quan bắt đầu khấn vái. Vua lễ bốn lễ cúng vong linh các tướng quân. Sau đó, họ đốt hương, trầm và dâng lễ cúng, khấn các bậc anh hùng đã quá cố che chở cho triều đình được bình yên và làm cho ai có lòng bội phản, còn sống hoặc đã chết rồi, tiệt đi, không có cách bén mảng đến gần biên thùy nữa.

Lễ xong cho bắn súng thần công và ba loạt súng trường. Tiếp đó, quân lính tản mát ra khắp cánh đồng ngồi ăn uống. Khi tất cả xong, ai về nhà nấy nghỉ ngơi.

Thế là hết Tết và ngày hôm sau các nha, ty lại mở cửa làm việc. Cuối năm trước, ấn tín các sở đã đem khóa cất một nơi, muốn các nha, ty lại mở cửa thì ấn tín phải giao trả viên quan coi giữ.

Tác giả Nguyễn Trọng Phấn (1910-1996), quê xã Yên Lại, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Trước năm 1945, ông làm viên chức ở Sở Trước bạ và trường Viễn Đông Bác Cổ.

Sau năm 1945, ông từng kinh qua nhiều chức vụ khác nhau như: Chánh văn phòng Đông phương bác cổ học viện, Chánh văn phòng Nha Đại học, Tổng thư ký Ban sử học - Bộ giáo dục, giáo viên trường Trung cấp sư phạm Trung ương, công tác tại Viện thông tin KHXH Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu.

Video: Tết xưa và Tết nay khác nhau như thế nào?

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn