Bị dừng tuyển sinh thạc sĩ, ĐH Quốc gia nói gì?

Giáo dụcThứ Hai, 21/01/2013 07:50:00 +07:00

“Bộ GD-ĐT có yêu cầu các trường phải báo cáo về vấn đề đào tạo là chuyện hết sức bình thường” – Phó GĐ Đại học Quốc gia cho biết.

“Bộ GD-ĐT có yêu cầu các trường phải báo cáo về vấn đề đào tạo là chuyện hết sức bình thường” – Phó  Giám đốc Đại học Quốc gia cho biết.

GS.TS Nguyễn Kim Sơn - PGĐ Đại học Quốc Gia Hà Nội 
Sau khi có thông tin từ Bộ GD-ĐT về việc tạm đình chỉ tuyển sinh đào tạo thạc sĩ từ năm 2013 với 9 cơ sở của ĐH Quốc Gia Hà Nội, nhiều độc giả đã bày tỏ sự quan tâm, lo lắng vì đang có ý định nộp hồ sơ thi tuyển tại các cơ sở đào tạo này, một phần khác là những học viên cao học đã thi đỗ cũng tỏ ra lo lắng và đặt câu hỏi liệu họ có phải tạm dừng học?

Ngày 28/12/2012, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bùi Văn Ga đã ký văn bản số 8986/BGDĐT-GDĐH trong đó nói rõ: Đại học Quốc gia Hà Nội dừng tuyển sinh thạc sĩ từ năm 2013 đối với 09 cơ sở đào tạo thạc sĩ đến khi nhận được thông báo của Bộ GD-ĐT về kết quả xử lý báo cáo thống kê của các cơ sở đào tạo này.

Lý do 9 cơ sở này phải tạm dừng tuyển sinh là vì trong đó 5 cơ sở chưa nộp báo cáo và 4 cơ sở nộp báo cáo không hoàn chỉnh.

Cụ thể, các cơ sở bị yêu cầu tạm dừng tuyển sinh gồm: Khoa Sau đại học; Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường; Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển; Trường ĐH Công nghệ; Trường ĐH KH Tự nhiên; Trường ĐH KH XH&NV; Trường ĐH Ngoại ngữ; Trường ĐH Giáo dục và Khoa Luật.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – PGĐ Đại học Quốc Gia Hà Nội cho hay, việc cơ quan quản lý là Bộ GD-ĐT có yêu cầu các trường phải báo cáo về vấn đề đào tạo là chuyện hết sức bình thường và trên thực tế ĐH Quốc Gia cũng đã chỉ đạo các đơn vị nói trên phải lập đầy đủ báo cáo một cách toàn diện, trong đó đề cập tới tuyển sinh, nguồn nhân lực cán bộ đào tạo, cơ sở vật chất, tổ chức quản lý, số lượng học viên đã tốt nghiệp…

“Cũng phải thừa nhận là các đơn vị làm báo cáo chưa đầy đủ, do đó Bộ GD-ĐT chưa kết luận là chương trình nào đảm bảo hay chưa đảm bảo điều kiện để tiếp tục đào tạo. Trước đó Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản đình chỉ tuyển sinh thạc sĩ đối với 161 chuyên ngành thuộc 41 trường đại học, lý do chủ yếu là do 3 năm liền không tuyển sinh được hoặc không đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giảng dạy.

Đây là hành động cương quyết và rất cần thiết của Bộ Giáo dục để đảm bảo việc đào tạo thạc sĩ đạt chất lượng theo quy định. Tôi không bình luận về những thiếu sót của các trường tại quyết định này.

Chỉ xin dẫn ra thí dụ này để thấy rằng công văn Bộ GD-ĐT thông báo tới ĐH Quốc gia tạm dừng tuyển sinh đào tạo thạc sĩ không phải vì 9 cơ sở này không đảm bảo chất lượng đào tạo, mà là do thiếu sót trong báo cáo.

Đây là một bài học mà ĐH Quốc Gia cũng như các đơn vị thành viên phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Vào ngày 10/1 vừa qua, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã tập hợp đầy đủ báo cáo của 9 cơ sở đào tạo thạc sĩ và gửi lên Bộ Giáo dục để các đơn vị chuyên môn kiểm tra, đánh giá”, PGS Sơn nói.

Trước những thông tin lo lắng về việc những học viên đã thi đỗ và đang theo học khóa đào tạo thạc sĩ tại 9 cơ sở trên có bị ảnh hưởng gì không? PGS Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Trong công văn sô 8986 cũng nói rất rõ rằng, đối với các học viên thạc sĩ đã trúng tuyển và đang học tập tại các cơ sở đào tạo bị dừng tuyển sinh thạc sĩ, cơ sở đào tạo tiếp tục thực hiện đào tạo theo quy định tại Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành.

Như vậy, các học viên đang theo học chương trình đào tạo thạc sĩ tại 9 cơ sở nói trên hãy yên tâm tập trung vào việc học tập, không có bất kỳ một ảnh hưởng nào”.

Chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo nói chung, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT về việc đã và sẽ tiếp tục ra các quyết định dừng tuyển sinh đối với những chuyên ngành của một số trường không đảm bảo điều kiện theo quy định.

“Tôi không bình luận về một chương trình cụ thể nào, bởi vì mỗi chương trình có một đặc thù riêng, chỉ xin lưu ý đối với đào tạo sau đại học thì nghiên cứu khoa học là việc hết sức quan trọng, đơn vị đào tạo nào mà có nhiều chương trình nghiên cứu khoa học thì sẽ đó là môi trường vô cùng thuận lợi cho người học, còn cơ sở đào tạo nào thiếu điều này thì rõ ràng việc đào tạo thạc sĩ (nhất là tiến sĩ) sẽ rất khó đảm bảo được chất lượng”.

Trước một số luồng ý kiến cho rằng hiện nay nhiều nơi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ không đảm bảo chất lượng thực sự, và do đó xuất hiện nhiều “tiến sĩ giấy”, bình luận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Muốn đánh giá đó là ‘ông tiến sĩ giấy’ hay tiến sĩ gì đi chăng nữa thì cần phải có tiêu chí để khảo sát đánh giá khoa học, cụ thể là cơ quan và lãnh đạo sử dụng nhân lực ấy chính là nơi mà có thể tìm ra được kết quả thực chất, rằng sau khi được đào tạo trở thành tiến sĩ hay thạc sĩ thì nhân sự ấy làm việc có tốt hơn trước đây không. Tôi cho rằng, không nên mang quan điểm cá nhân cảm tính để áp đặt cho tất cả”.

Theo GDVN

Bình luận
vtcnews.vn