Nhà báo Duy Phong bị bắt: Giám đốc Sở sẽ ‘vô tội’, chỉ nhà báo ‘đi tù’?

Thời sựThứ Năm, 29/06/2017 15:13:00 +07:00

Trong vụ việc đưa và nhận 200 triệu đồng giữa Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Yên Bái Vũ Xuân Sáng và nhà báo Lê Duy Phong, nếu như nhà báo là người chủ động “gợi ý, vòi vĩnh” trước và ông Sáng chủ động trình báo công an về việc này thì bản chất vụ án sẽ thay đổi.

Phải xem xét rõ động cơ đưa và nhận tiền

Trao đổi với VTC News, TS Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Tư pháp Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho rằng trong vụ việc ở Yên Bái có nhiều tình tiết mà cơ quan chức năng cần phải điều tra, làm rõ.

TS Đinh Thế Hưng nhận xét: “Theo quy định tại điều 289 Bộ luật hình sự 1999, hành vi đưa hối lộ là hành vi dùng tiền, tài sản và các lợi ích vật chất khác trực tiếp hoặc qua trung gian để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn, để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Như vậy, cũng có thể hiểu là người nào đó chỉ bị xem là có hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ là khi đi kèm với đó phải là đề nghị, yêu cầu để làm hoặc không làm một việc gì đó theo yêu cầu.

Nên đối với việc ông Giám đốc Sở KHĐT Yên Bái đưa tiền cho nhà báo Lê Duy Phong thì cũng phải làm rõ đưa để làm gì. Bởi vì nếu như ông giám đốc này ông ấy bảo tôi đưa tiền cho nhà báo vì cá nhân tôi thấy yêu quý anh ấy, ngưỡng mộ tài năng anh ấy thì sao?”.

dinhthehung

TS Đinh Thế Hưng: "Cần làm rõ động cơ, mục đích của việc đưa tiền là gì".

TS Đinh Thế Hưng cho biết hành vi để cấu thành tội danh đưa và nhận hối lộ có 2 dạng: Đưa tiền và nhận tiền rồi người nhận làm theo yêu cầu của người đưa, hoặc làm theo yêu cầu của người đưa tiền trước rồi sau đó mới nhận tiền. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải làm rõ kèm theo việc đưa tiền là yêu cầu gì?

Về chi tiết vụ việc đưa – nhận tiền giữa Giám đốc Sở KHĐT Yên Bái Vũ Xuân Sáng với nhà báo Lê Duy Phong, TS Hưng phân tích: “Hành động đó cấu thành nhiều tội lắm, như lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, rồi nhận hối lộ,... Có thể nói đó là những dấu hiệu cho thấy của tội phạm, còn cụ thể là tội gì thì còn phải có điều tra, làm rõ thêm. Cái này cơ quan điều tra sẽ làm rõ”.

“Tội nhận hối lộ hình thành ngay từ khi nhận và bên nhận trước đó vòi vĩnh, thì vòi vĩnh đã là dấu hiệu rồi”, TS Hưng nói.

Giám đốc Sở sẽ ‘vô tội’, chỉ nhà báo ‘đi tù’?

Luật sư Trương Quang Cẩn, nguyên Vụ phó Dân tộc của Văn phòng Quốc hội cho rằng trong vụ việc giám đốc Sở KHĐT tỉnh Yên Bái đưa tiền cho nhà báo Lê Duy Phong có nhiều tình tiết cần được làm rõ.

Luật sư Cẩn cho biết: “Nếu xác định được ông Giám đốc Sở KHĐT Yên Bái đưa tiền cho nhà báo Lê Duy Phong mà kèm theo những đề nghị yêu cầu cụ thể về một việc gì đấy, nhà báo Phong nhận tiền và đồng ý làm theo yêu cầu đó thì vụ việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều vì cả hai đều đã có hành vi cấu thành tội đưa và nhận hối lộ. Nhưng tôi thấy trong vụ việc này vẫn còn nhiều tình tiết cần làm rõ”.

Luật sư Cẩn đặt vấn đề: “Có hai trường hợp: trường hợp thứ nhất ông Sáng biếu, tặng tiền cho ông Phong, hoàn toàn trong sáng. Trường hợp này thì khó xảy ra rồi. Nhưng còn trường hợp thứ hai là ông nhà báo đề nghị hoặc vòi vĩnh, hoặc là ông giám đốc sở chủ động đưa tiền, điều quan trọng là khi ông nhà báo nhận tiền xong thì ông giám đốc Sở lại đi trình báo công an thì sao?”.

Theo LS Cẩn, trường hợp thứ hai rất quan trọng vì nó quyết định đến việc ai là người có tội và ai là người vô tội trong vụ việc.

leduyphong

Lê Duy Phong bị bắt quả tang khi nhận tiền.

Trong vụ việc đưa và nhận 200 triệu đồng giữa Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Yên Bái Vũ Xuân Sáng và nhà báo Lê Duy Phong, nếu như nhà báo là người chủ động “gợi ý, vòi vĩnh” trước và ông Sáng chủ động trình báo công an về việc này thì bản chất vụ án sẽ thay đổi. Khi đó, ông Sáng có thể được xem là vô tội.

LS Cẩn dẫn chứng trong luật: “Lúc này thì ông Sáng sẽ được áp dụng theo Khoản 6 Điều 289 của Bộ Luật Hình sự 1999, cụ thể là người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Hoặc người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.

“Và nếu như vậy, thì trong vụ việc trên có thể ông Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Yên Bái có thể được xem là vô tội, chỉ có mình nhà báo là có tội và đi tù thôi”, LS Cẩn nói.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn