Fan Tây du ký 1986 phản đối hình tượng của Triệu Lệ Dĩnh trong 'Nữ nhi quốc'

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 12/02/2018 11:46:00 +07:00

"Nữ thần" Triệu Lệ Dĩnh đang gây tranh cãi vì khá giống nguyên tác Tây du ký nhưng lại trái ngược phiên bản 1986.

Tây Du Ký 3: Nữ Nhi Quốc là phần tiếp theo của Đại náo thiên cung và Ba lần đánh bạch cốt tinh. Các diễn viên Quách Phú Thành, Phùng Thiệu Phong, Tiểu Thẩm Dương và La Trọng Khiêm lần lượt trở lại với vai Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Trư Bát Giới và Sa Tăng.

Phim mới kể về cuộc phiêu lưu của thầy trò Đường Tăng ở Nữ Nhi Quốc - một quốc gia bí ẩn không có đàn ông. Trong truyện gốc của Ngô Thừa Ân, bốn thầy trò đến đây, uống nhầm nước sông Mẫu Tử Hà và mang bầu. Đạo diễn Trịnh Bảo Thụy cho biết tác phẩm vẫn bám theo nguyên tác, nhưng được bổ sung thêm một số tình tiết khác. Trong đó, yếu tố tình cảm của Đường Tăng và nữ vương được đẩy mạnh, cân bằng với yếu tố hài hước vốn có trong hai phần trước.

Trong phần này, nữ vương (Triệu Lệ Dĩnh đóng) nảy sinh tình cảm với Đường Tăng từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, cô không biết đó là tình yêu mà nghĩ rằng mình mắc bệnh nan y. Đường Tăng cũng bắt đầu xao động trước nữ vương quyến rũ.

Trieu Le Dinh - TDK 1

 Triệu Lệ Dĩnh.

Ngoài nội dung táo bạo và nhiều đột phá, bỏ qua những rào cản được công nhận từ lâu trong nguyên tác, Tây du ký 3 còn có điểm nhấn ở tạo hình của Triệu Lệ Dĩnh. Từ khi bắt đầu nghiệp diễn xuất đến nay cũng hơn 10 năm, tân nữ vương của Tây du ký 3 có cho mình một bộ sưu tập khá phong phú những vai diễn cổ trang.

Tuy không có vóc dáng chuẩn bốc lửa nhưng Triệu Lệ Dĩnh vẫn tỏ ra rất hợp với thể loại phim cổ trang nhờ khuôn mặt đằm thắm, phúc hậu và toả ra năng lượng gần với trời đất, phần nào hợp với nhân vật nữ vương Tây Lương. Từ Tân Hoàn Châu cách cách, Tân Thần điêu đại hiệp cho đến Sở Kiều Truyện, Triệu Lệ Dĩnh xây dựng nên cho mình hình tượng “mỹ nhân cổ trang” làm mê đắm biết bao người hâm mộ.

Đến với Tây du ký 3, tạo hình của Triệu Lệ Dĩnh vấp phải khá nhiều ý kiến chê bai của khán giả khi được công bố vì nhiều người cho rằng khuôn mặt của cô không thích hợp với vai diễn đòi hỏi phải có khí chất quân vương. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tạo hình của nữ quốc vương trong phiên bản này rất tinh tế và bắt mắt, tạo cảm giác tò mò trong khán giả, kiến người ta muốn tìm hiểu xem trong phiên bản này, cá tính và con người của vị nữ nhân si tình sẽ ra sao.

Trieu Le Dinh - TDK 2

 

Dù nhiều ý kiến cho rằng gương mặt hơi non cùng tướng tá nhỏ bé của Triệu Lệ Dĩnh không hợp với những gì người ta tưởng tượng về nhân vật này bấy lâu nay. Đặc biệt là nữ minh tinh Chu Lâm gần như "đóng đinh" hình ảnh một nữ vương kiêu sa, ngời ngời khí chất cùng vẻ đẹp cuốn hút trong bản phim năm 1986.

Thế nhưng nhà sản xuất cũng như đạo diễn Trịnh Bảo Thụy khẳng định Triệu Lệ Dĩnh sẽ thổi làn gió mới vào nhân vật nữ vương như cách mà các diễn viên khác trong phim từng làm. Sự ngây thơ, quyết liệt cùng nét đẹp có phần hiện đại nhưng vẫn đài các, kiêu sa, hứa hẹn sẽ tạo ra một nữ vương Tây Lương dám yêu, dám hận.

Chưa hết, theo các nhà phê bình phim ở Trung Quốc, hình tượng nữ vương do Chu Lâm thủ vai trong bản năm 1986 có nhiều điểm không giống như nguyên tác của Ngô Thừa Ân. Nữ nhi quốc được miêu tả là nằm gần Ấn Độ nên cách ăn mặc phải mang hơi hướm giống người Ấn. Không những vậy nữ vương còn rất trẻ, tính tình hiếu động, hồn nhiên và phóng khoáng.

Trong khi đó, ở bản năm 1986, nữ vương lại ăn vận giống một vương phi Bắc Kinh, tính tình chững chạc, thấu tình đạt lí. Dù Chu Lâm và đạo diễn Vương Khiết tạo nên một nữ vương quyền quý, ấn tượng khó phai, nhưng quả thật để khiến trái tim Đường Tam Tạng rung động thì chưa thực sự thuyết phục.

Và hình tượng mới của Triệu Lệ Dĩnh, với sự ngây thơ và đáng yêu của mình, thì việc khiến Đường Tăng rung động phải chăng sẽ hợp lý hơn? Triệu Lệ Dĩnh cũng hứa hẹn sẽ đem đến những cái nhìn mới cho khán giả về nhân vật đặc biệt này.

TDK 1 3

 

Nói về tạo hình, với phụ kiện là vương miện cùng vòng cổ dát vàng và bộ váy ánh cườm lộng lẫy, trông nữ vương phiên bản mới vừa có vẻ quyền quý, sang trọng của lớp quý tộc Á Đông, vừa có vẻ kiêu sa, lạnh lùng của các bậc nữ vương phương Tây, khiến khán giả gợi nhớ đến hình tượng nữ hoàng Ai Cập Cleopatra hay những vị nữ tướng trong vương quốc Amazon trong thần thoại Hy Lạp.

Có thể nói, việc giới thiệu Nữ nhi quốc, một vùng đất giả tưởng trong tiểu thuyết của đại danh hào Ngô Thừa Ân tạo ra cho đoàn làm phim khá nhiều khoảng trống để tự do thể hiện sự sáng tạo của mình, không bị kiềm chế bởi những giới hạn gò bó về thực tế lịch sử và truyền thống. Hy vọng rằng, với tạo hình hết sức mới mẻ này, Triệu Lệ Dĩnh sẽ có một màn trình diễn thật thuyết phục trong phim để thoả lòng mong chờ của khán giả.

Tây du ký: Nữ nhi quốc sẽ khởi chiếu vào mùng Một Tết Nguyên đán, nhằm ngày 16/2.

Video: Giây phút Đường Tam Tạng chạm mặt nữ vương Tây Lương

Trung Ngạn
Bình luận
vtcnews.vn