Giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện tại Việt Nam

Đời sốngThứ Hai, 26/12/2022 16:19:00 +07:00
(VTC News) -

BHXH Việt Nam triển khai 4 hoạt động chính nhằm mở rộng diện bao phủ và hiệu quả hoạt động của BHXH tự nguyện tại Việt Nam.

Ngày 26/12, đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã có buổi làm việc trực tuyến với bà Himanshi Jain, chuyên gia bảo trợ xã hội của Ngân hàng Thế giới (WB) về Chương trình hỗ trợ mở rộng diện bao phủ và hiệu quả hoạt động của BHXH tự nguyện tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đại diện hai bên đã tập trung làm rõ những vấn đề, vướng mắc trong kịch bản triển khai chương trình của phía WB. Trong đó, đại diện BHXH Việt Nam yêu cầu cần tiếp tục làm rõ hơn về tính xác thực của hiệu quả mà chương trình đem lại.

Phía WB cũng mong muốn nhận được sự phối hợp của các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động, nhất là hoạt động điều tra, khảo sát, vì đã cận kề lịch nghỉ năm mới và Tết Nguyên đán.

Giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện tại Việt Nam - 1

Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng phối hợp BHXH thành phố tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến “Tham gia BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu và chế độ BHYT miễn phí”. (Ảnh: Nguyên Thảo)

Bà Himanshi Jain cho biết, mục tiêu của chương trình là giúp BHXH Việt Nam xác định ai trong số nhóm chưa được bao phủ ở Việt Nam có khả năng tham gia BHXH tự nguyện, họ có những đặc điểm gì và làm thế nào để thu hút họ tham gia và nâng cao tính bền vững của chính sách.

Ba Himanshi Jain chia sẻ: “Các hoạt động liên quan đến chương trình diễn ra trong thời gian từ tháng 9/2022 đến tháng 8/2023. Tuy nhiên, các hoạt động cần được thực hiện sớm hơn, để có thể là đầu vào quan trọng cho việc sửa Luật BHXH”.

Cụ thể, bà Himanshi Jain nêu ra 4 hoạt động chính nằm trong chương trình gồm: Xây dựng quy trình triển khai chương trình BHXH tự nguyện và đề xuất các cải tiến trong chuỗi thực hiện; Sử dụng phân tích kinh tế lượng để đánh giá tác động của chính sách trợ cấp tham gia nhằm mở rộng độ bao phủ; Khảo sát trực tiếp để xem xét những thay đổi trong thiết kế của chương trình BHXH tự nguyện đối với việc mở rộng độ bao phủ; Vận động chính sách và tiếp thị chương trình.

Theo bà Himanshi Jain, 4 hoạt động trên sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình BHXH tự nguyện, thông qua việc xây dựng quy trình triển khai liệt kê hành trình của khách hàng từ tiếp cận, tham gia chương trình đến khi kết thúc, ra khỏi chương trình.

Cạnh đó là việc đánh giá tác động của trợ cấp đối với việc mở rộng độ bao phủ của chương trình BHXH tự nguyện. Từ những nội dung trên sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về chương trình BHXH tự nguyện tại Việt Nam.

Thông qua những khảo sát, phân tích, chúng tôi sẽ xem xét mức độ tham gia với dự kiến sửa mức hỗ trợ theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đề xuất các thay đổi thiết kế để cải thiện tính hấp dẫn của chương trình. Đồng thời tìm hiểu những tổ chức có khả năng tiếp cận với đối tượng tiềm năng và có thể là đại lý của cơ quan BHXH và tìm hiểu những nút thắt liên quan đến hành vi có thể ảnh hưởng đến quyết định đóng góp (hoặc không) của một cá nhân”, bà Himanshi Jain giải thích.

Giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện tại Việt Nam - 2

Đại diện các phòng chuyên môn - nghiệp vụ BHXH thành phố giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin cho người dân. (Ảnh: Nguyên Thảo).

Trước đó, đoàn chuyên gia của WB cũng có buổi làm việc với các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam về quy trình triển khai chương trình BHXH tự nguyện (truyền thông, đăng ký, quản lý, theo dõi…).

Đoàn chuyên gia cũng tìm hiểu thực tế công tác phát triển BHXH tự nguyện tại tỉnh Thái Nguyên và TP Hải Phòng. Tại các địa phương, đoàn đã tìm hiểu kỹ về công tác truyền thông, chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện; khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế tại BHXH các quận, huyện; lắng nghe ý kiến của đại diện Hội Phụ nữ, Hội Nông dân.

Cũng nhằm mở rộng diện bao phủ BHXH tại Việt Nam, đặc biệt là bảo hiểm tự nguyện, từ ngày 1/1/2023, Quyết định số 3618/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam đã đưa ra những quy định mới về Quy trình giám định BHYT.

Theo Quyết định này, đối tượng áp dụng sẽ là cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh BHYT.

Quyết định số 3618/QĐ-BHXH đã hướng dẫn cụ thể 2 hình thức giám định được thực hiện song song bao gồm công tác giám định chủ động (đây là giám định do cơ quan BHXH trực tiếp thực hiện); Giám định tự động (đây là hình thức giám định sử dụng phần mềm kiểm tra thông tin trong dữ liệu điện tử).

Ngoài ra, quy trình giám định mới cũng hướng dẫn chi tiết các nghiệp vụ giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo 3 hình thức: Giám định trên dữ liệu; giám định trên hồ sơ, tài liệu và giám định thanh toán trực tiếp.

BHXH Việt Nam cũng ban hành Quyết định số 3511/QĐ-BHXH về Quy trình đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy trình đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trên Cổng Dịch vụ công bao gồm các trường hợp: Tham gia lần đầu, chuyển từ tham gia BHXH bắt buộc sang tham gia BHXH tự nguyện, tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện theo phương thức và mức đóng đã đăng ký, đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thực hiện đăng ký tham gia.

THƯ CHÂU
Bình luận
vtcnews.vn