Giải pháp giảm số lượng F0 tử vong tại TP.HCM và tỉnh phía Nam

Tin tứcChủ Nhật, 05/09/2021 20:51:38 +07:00

Bộ Y tế đề nghị TP.HCM và các tỉnh phía Nam cần đảm bảo cơ sở tiếp nhận F0, nguồn nhân lực, chủ động trong điều trị COVID-19 để hạn chế bệnh nhân tử vong.

Ngày 5/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký ban hành Công điện số 1323 gửi UBND TP.HCM và các tỉnh phía Nam về việc quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19 tại khu vực này.

Trong đó, Bộ Y tế cho biết thời gian qua, tình hình tử vong do COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM, các tỉnh phía Nam và những đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện nội dung tăng cường hiệu quả công tác điều trị, đảm bảo trang thiết bị tại các cơ sở điều trị, giảm số lượng F0 tử vong.

Thiết lập đủ cơ sở tiếp nhận, điều trị COVID-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị dựa vào diễn biến và dự báo tình hình dịch COVID-19, TP.HCM và các tỉnh phía Nam tiếp tục rà soát phương án thiết lập cơ sở điều trị COVID-19. Các cơ sở theo mô hình tháp 3 tầng phải luôn sẵn sàng hoạt động trong thời gian nhanh nhất.

Các địa phương cũng huy động tối đa cơ sở y tế hiện có để thiết lập tiếp nhận, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng. Đặc biệt, những cơ sở khám, chữa bệnh sẵn có sẽ được ưu tiên chuyển đổi công năng thành đơn vị điều trị COVID-19 tầng 2, tầng 3.

Các địa phương tận dụng trạm y tế xã, phường, thị trấn, đồng thời thành lập trạm y tế lưu động, tổ cộng đồng để quản lý, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà nếu cần thiết.

Giải pháp giảm số lượng F0 tử vong tại TP.HCM và tỉnh phía Nam - 1

Bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến số 16 do Bệnh viện Bạch Mai vận hành. (Ảnh: Chí Hùng)

Hệ thống cấp cứu 115, xe vận chuyển người bệnh từ cộng đồng đến cơ sở điều trị và giữa các cơ sở phải được củng cố và điều phối hiệu quả.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, đặc biệt chuẩn bị cho tình huống xấu, nghiêm trọng xảy ra trong thời gian sớm nhất.

Tầng 1: Bảo đảm tối thiểu có chai oxy khí đáp ứng nhu cầu xử trí cấp cứu cho người bệnh thở oxy qua mặt nạ, gọng kính.

Tầng 2: Bảo đảm tối thiểu có máy thở oxy dòng cao, máy thở không xâm nhập, chai oxy khí, bình oxy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hoá hơi… Tầng này phải đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh thở oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập cho F0 tiến triển nặng.

Tầng 3: Bảo đảm tối thiểu có máy thở oxy dòng cao, máy thở không xâm nhập và xâm nhập, bồn oxy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hoá hơi, bình oxy lỏng và chai oxy khí..., để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh nặng, nguy kịch.

Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị COVID-19 phải cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân. Trường hợp cần thiết được phép sử dụng vượt định mức để bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Các đơn vị phải chuẩn bị kịp thời gói an sinh, gói thuốc điều trị ngoại trú khi triển khai điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. UBND quận/huyện có trách nhiệm quản lý, hỗ trợ bệnh nhân, đồng thời theo dõi sát kết quả chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

Giải pháp giảm số lượng F0 tử vong tại TP.HCM và tỉnh phía Nam - 2

Các cơ sở điều trị cần đảm bảo đầy đủ thiết bị điều trị cho bệnh nhân Covid-19. (Ảnh minh họa: Duy Hiệu)

Bảo đảm nhân lực và năng lực theo các phân tầng

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động rà soát nguồn nhân lực; đào tạo, huy động nhân lực phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương. Các cơ sở tuyến trên có thể đào tạo, tập huấn cho chuyên khoa, chuyên ngành khác để bảo đảm nguồn nhân lực cho đơn vị điều trị COVID-19.

Về đào tạo bác sĩ: Tối thiểu được đào tạo kỹ thuật cấp cứu cơ bản, truyền nhiễm, nội khoa tại tầng 1, 2; kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao cho bác sĩ hồi sức tích cực tại tầng 3.

Về đạo tạo điều dưỡng: Đáp ứng yêu cầu theo dõi, chăm sóc người bệnh tại các cơ sở thuộc 3 tầng (cho những người chưa có kinh nghiệm về truyền nhiễm).

Ở tầng 1 và 2, điều dưỡng được đào tạo về theo dõi, chăm sóc người bệnh mức độ nhẹ, vừa. Với tầng 3, điều dưỡng được đào tạo về kiến thức, thực hành kỹ thuật về theo dõi, chăm sóc người bệnh nặng, nguy kịch, người bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở điều trị người mắc COVID-19 đánh giá, phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2; đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng F0 vào khoa, buồng bệnh phù hợp, xử trí cấp cứu kịp thời.

Các cơ sở tại tầng 1 và 2 đánh giá nguy cơ, theo dõi sát diễn biến bệnh lý, phát hiện sớm và kịp thời dấu hiệu diễn biến nặng của từng F0. Sau đó, xử trí cấp cứu tại chỗ, liên hệ chuyển viện và bảo đảm chuyển viện an toàn, hạn chế trường hợp tử vong tại cơ sở ở tầng 1, 2 hoặc trên đường vận chuyển.

Dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, các tỉnh, thành khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai..., đều ghi nhận số ca mắc cao mỗi ngày. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến nay, 5 tỉnh, thành phố có tổng số ca mắc cao trên cả nước là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.

Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ các địa phương dập dịch, điều trị bệnh nhân tại khu vực phía Nam. Nhiều trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được xây dựng và đi vào hoạt động, giảm tải tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp