Giấc mơ Tsubasa của bóng đá Việt

Thể thaoThứ Tư, 30/12/2015 07:00:00 +07:00

Với nền bóng đá đang loay hoay giữa “vùng trũng” Đông Nam Á dù có 16 năm lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam rất cần những cú hích

Với nền bóng đá đang loay hoay giữa “vùng trũng” Đông Nam Á dù có 16 năm lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam rất cần những cú hích.

Từ Đội trưởng Tsubasa…

Hơn 34 năm trước, cả nước Nhật đã phát cuồng với sự ra đời của bộ truyện tranh “Giấc mơ sân cỏ: Đội trưởng Tsubasa”.

Bộ manga này không chỉ là niềm cảm hứng của hàng triệu trẻ em xứ Mặt trời mọc mà còn tạo ra sức lan tỏa trên khắp thế giới, trong đó có rất nhiều thế hệ trẻ ở Việt Nam, khi ngay cả những nhà vô địch thế giới như Fernando Torres, Zinedine Zidane… cũng từng nuôi dưỡng tình yêu bóng đá với niềm cảm hứng từ Đội trưởng Tsubasa.
Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng cũng đang trên hành trình phiêu lưu hệt như đội trưởng Tsubasa
Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng cũng đang trên hành trình "phiêu lưu" hệt như đội trưởng Tsubasa 
Sở dĩ bộ truyện tranh Đội trưởng Tsubasa ảnh hưởng lớn đến hàng triệu cậu bé yêu trái bóng tròn là bởi tác giả Yoichi Takahashi đã khắc họa nên hình tượng Tsubasa chơi bóng đá với tình yêu và đam mê mãnh liệt, mang trong mình những hoài bão cao đẹp, lớn lao để rồi lao theo những cuộc phiêu lưu cùng trái bóng tròn. 

Trong đó, Tsubasa đã cùng U.16 Nhật Bản vô địch giải U.16 thế giới và bắt đầu cuộc phiêu lưu đến CLB Sao Paulo (Brazil), sau đó Tsubasa giúp U.20 Nhật Bản vô địch thế giới rồi chơi bóng ở Barcelona…

Sự phát triển thần kỳ của bóng đá Nhật Bản một phần đến từ ảnh hưởng rất lớn từ Đội trưởng Tsubasa, với hàng triệu trẻ em Nhật hình thành đam mê, ấp ủ giấc mơ chơi bóng từ hình tượng Tsubasa. 

Từ câu chuyện Tsubasa xuất ngoại sang Brazil thi đấu đến những ngôi sao chơi bóng ở trời Âu như Nakata, Honda, Kagawa, từ chức vô địch U.16 rồi U.20 thế giới trong giả tưởng đến việc góp mặt ở World Cup hay sự ra đời, phát triển của J.League…, đó là hành trình dài mà khởi đầu là ước mơ, khát vọng của người Nhật với biểu tượng Tsubasa.

Bộ truyện tranh Đội trưởng Tsubasa đã tác động sâu rộng đến bóng đá Nhật Bản và câu chuyện của người Nhật đã chứng minh sức mạnh, ảnh hưởng của thần tượng với tình yêu bóng đá của hàng triệu đứa trẻ. Họ bắt đầu xây dựng bóng đá bằng một hình tượng, bằng những giấc mơ ấp ủ để rồi hành động và thành công…
Chuyến xuất ngoại của các cầu thủ HA.GL sẽ nuôi dưỡng ước mơ cho bóng đá Việt Nam
Chuyến xuất ngoại của các cầu thủ HA.GL sẽ nuôi dưỡng ước mơ cho bóng đá Việt Nam 

... Đến “giấc mơ Việt”

Tsubasa nuôi dưỡng giấc mơ chơi bóng từ nhỏ, khẳng định được khả năng từ chức vô địch U.16 thế giới và bắt đầu xuất ngoại, chinh phục những thử thách được xem là xa vời. Giấc mơ đó, dù khá khập khiễng khi so sánh nhưng nó cũng gợi đến những liên tưởng, đến hành trình bóng đá của Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường - “những Tsubasa Việt Nam”. 

Họ cũng bắt đầu từ đam mê và những giấc mơ tuổi thơ, bằng cách khác nhau đã có mặt ở Học viện HA.GL Arsenal JMG khi còn là những cậu nhóc, lớn lên với đôi chân trần và xây dựng tên tuổi cùng U.19 VN để rồi bắt đầu những cuộc phiêu lưu với trái bóng tròn.

Dù đằng sau những chuyến xuất ngoại của Công Phượng, Tuấn Anh sang J.League 2 có nhiều dấu hỏi, thậm chí cả chuyện Xuân Trường sang K.League cũng không hẳn là một bản hợp đồng chuyển nhượng bóng đá thuần túy về chuyên môn, với những mục đích riêng mà người trong cuộc mới rõ nhưng bóng đá Việt Nam đã có những cầu thủ đầu tiên ra nước ngoài thi đấu, theo nghĩa gần nhất của khái niệm này. Và kể cả là đi “du học”, với những tài năng trẻ này thì cũng mở ra nhiều tín hiệu lạc quan để đặt niềm tin và hy vọng vào tương lai.

Có một điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy: Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường đang là hình mẫu cầu thủ được NHM cả nước yêu mến. Họ là thần tượng và hình mẫu lý tưởng của hàng triệu đứa trẻ Việt Nam đang nuôi dưỡng và ấp ủ giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai.

Và chính sức hút lớn ấy là một phần nguyên nhân giúp Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường được các đội bóng nước ngoài chú ý đến. Thậm chí, CLB Incheon United thẳng thắn với mục tiêu xây dựng Xuân Trường như một hình tượng mới và sẽ biến tiền vệ này trở thành một ngôi sao tầm châu lục như Park Ji-Sung, chỉ có vậy thì họ mới thu lợi nhiều hơn về mặt hình ảnh cũng như giá trị chuyên môn.
Dù thế nào đi nữa, những chuyến 'xuất ngoại' sẽ giúp các cầu thủ Việt Nam trưởng thành
Dù thế nào đi nữa, những chuyến 'xuất ngoại' sẽ giúp các cầu thủ Việt Nam trưởng thành 

Thế nên, chúng ta cần phải lạc quan để hy vọng chuyến “du học” của Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường sẽ mang đến những giá trị tích cực cho bóng đá Việt Nam. Họ là những người trẻ, có tài năng, hoài bão và dám dấn thân để có thể tiến xa, nếu có ý chí lớn để vượt qua những áp lực, khó khăn ban đầu. Và nếu thành công, họ sẽ xây dựng nên những hình tượng mới cho bóng đá Việt Nam và hàng triệu đứa trẻ đam mê có thêm động lực để “chắp cánh” giấc mơ chơi bóng.

“Không thành công cũng thành nhân”. Đó là ví dụ điển hình về chuyện Lê Công Vinh với 2 lần xuất ngoại, lần đầu tiên sang Bồ Đào Nha vào năm 2009 và Nhật Bản năm 2013. Cả 2 lần đó đều rất ngắn và tiền đạo người xứ Nghệ dù không để lại nhiều dấu ấn về chuyên môn nhưng vẫn hoàn thành sứ mệnh mang hình ảnh bóng đá Việt Nam đi giới thiệu với tất cả và Vinh cũng chính là cầu thủ Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất. 

Bản thân Công Vinh, so với nhiều thế hệ cầu thủ đi trước cũng như các đồng nghiệp đồng trang lứa, giờ vẫn là cầu thủ thành công nhất của bóng đá Việt Nam cả trong sân cỏ lẫn ngoài cuộc sống mà nhiều đứa trẻ chơi bóng coi là thần tượng.

Với một nền bóng đá kém phát triển và ngổn ngang nhiều vấn đề, bóng đá Việt Nam có cầu thủ ra nước ngoài thi đấu như Công Vinh, Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường là một điều thực sự đáng quý, đáng trân trọng. Thế nên, hãy cứ nhìn từ những điều tích cực để hy vọng vào một ngày không xa… 

Nguồn: Thể thao 24h
Bình luận
vtcnews.vn