Giá trị thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc tăng 10 lần sau 5 năm

Chuyển đổi sốThứ Tư, 20/12/2023 19:53:06 +07:00
(VTC News) -

Theo Báo cáo của Statista và Internet Retailing vào năm 2022, thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 22% tổng doanh số thương mại điện tử toàn cầu.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đạt giá trị 1900 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến sẽ đạt 2300 tỷ USD vào cuối năm 2023 và sẽ đạt tổng giá trị 7.938 tỉ USD vào năm 2030 với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 26.2%.

Giá trị thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc tăng gấp 10 lần trong 5 năm

Tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, thương mại điện tử xuyên biên giới đang đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế. Điển hình là Trung Quốc, tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử tại nước này đã tăng theo cấp số nhân trong 10 năm gần đây.

Tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử tại Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong 10 năm gần đây.

Tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử tại Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong 10 năm gần đây.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc tổng giá trị xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đạt 1,98 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 311,5 tỷ USD) vào năm 2021, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. 

Năm 2022, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, giá trị thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với năm 2018, từ mức 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (2018) lên mức 2,11 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 306,3 tỷ USD) năm 2022, trở thành động lực mới cho phát triển ngoại thương của nước này. 

Trong 3 quý đầu năm 2023, giá trị thương mại điện tử xuyên biên giới ước tính đạt khoảng 1,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 232,6 tỷ USD), tăng khoảng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong 5 năm qua, giá trị thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần. Trong vòng năm 5 tỷ trọng trong giá trị ngoại thương cũng tăng từ dưới 1% lên 5%. Ước tính có hơn 100.000 người tham gia thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới ở Trung Quốc. Logistics là mối quan tâm lớn đối với thương mại điện tử xuyên biên giới và là lĩnh vực đầu tư chính của những người tham gia thị trường.

JD Logistics, đơn vị hậu cần của JD.com, vận hành gần 90 kho ngoại quan, kho thư trực tiếp và kho ở nước ngoài trên khắp thế giới và có kế hoạch phát triển mạng lưới hậu cần chuỗi cung ứng toàn diện bao phủ các nước lớn trên toàn cầu trong vòng ba năm tới.

Nền tảng thương mại điện tử quốc tế AliExpress của Alibaba và đơn vị chuyển phát nhanh Cainiao cũng đang hướng tới thị trường nước ngoài. Cuối tháng 9/2023, nền tảng này đã ra mắt dịch vụ giao hàng toàn cầu kéo dài 5 ngày tại 5 thị trường nước ngoài gồm Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ và Hàn Quốc. 

Tác động của RCEP

RCEP là một thỏa thuận thương mại có giá trị gia tăng cao nhằm đạt được mối quan hệ đối tác kinh tế toàn diện, bao trùm nhiều vấn đề như thương mại, đầu tư, hợp tác công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp. Hiệp định này dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp kinh tế của các nước ASEAN phát triển; trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.

Với sự tham gia của Trung Quốc, Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế cho toàn khu vực, mở ra cơ hội thâm nhập thị trường thị trường quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ cao như Trung Quốc. Với thỏa thuận RCEP, ASEAN đã vượt EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong đó Việt Nam, Malaysia và Indonesia là 3 đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Cam kết thương mại điện tử trong RCEP nhằm thúc đẩy thương mại điện tử cũng như tạo ra một môi trường pháp lý, chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của thương mại điện tử. Một mặt thúc đẩy giao dịch không cần giấy tờ, sử dụng rộng rãi và dễ dàng hơn chữ ký điện tử, giảm bớt quy định trong lưu trữ dữ liệu và truyền dữ liệu xuyên biên giới.

Đồng thời, cam kết thương mại điện tử trong RCEP kêu gọi sự hợp tác để trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng thương mại điện tử, xây dựng năng lực chung, chia sẻ các phương pháp hay nhất, thiết lập cơ cấu bảo vệ người tiêu dùng, minh bạch hơn về quy định và hợp tác trong an ninh mạng.

Những cam kết về thương mại điện tử trong RCEP một mặt sẽ tạo dựng môi trường lành mạnh cho sự phát triển của thương mại điện tử, mặt khác có thể tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực.

RCEP cũng giúp thu hút đầu tư từ Trung Quốc và các nước lớn đối với lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số. Từ đó giúp các doanh nghiệp ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng mở rộng hơn không gian thương mại trong dài hạn.

Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Trung Quốc có khoảng cách lớn trong phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, theo đó đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam khi năng lực cạnh tranh, cơ sở hạ tầng logistic trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, cộng thêm sự khác biệt về vốn, tình trạng thiếu nhân lực…

Để tận dụng được những lợi ích từ cam kết thương mại điện tử trong RCEP, chính phủ sẽ phải cố gắng tạo ra môi trường pháp lý, kinh tế, giáo dục, quản lý và xã hội phù hợp. Bên cạnh đó cần khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào đầu tư và thương mại do đây là thành phần này đóng vai trò rất quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn