Giá trị của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động BHXH

Đời sốngThứ Năm, 30/11/2023 17:50:00 +07:00
(VTC News) -

Nhận thức rõ tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin nên BHXH nhiều địa phương luôn đẩy mạnh lĩnh vực này trong hoạt động ngành.

Công tác ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) được triển khai, xây dựng theo kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT của ngành BHXH được triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả đáp ứng yêu cầu công tác chuyển đổi số. 

Theo BHXH tỉnh Sơn La, công tác ứng dụng CNTT luôn được đơn vị đặc biệt chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chế độ chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn qua các nền tảng mạng xã hội: Zalo, Facebook, Youtube...

Theo BHXH tỉnh Sơn La, tính đến hết tháng 10/2023 toàn tỉnh thực hiện đồng bộ số CCCD/ĐDCN cho 1.139.245 mã số đạt 97%, cài đặt ứng dụng VssID cho hơn 173.586 người.

Về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống mạng WAN được kết nối liên thông từ huyện đến tỉnh và đến Trung ương hoạt động ổn định, thông suốt “24/24” và thường xuyên được nâng cấp, cài đặt bổ sung thông tin bảo mật, đảm bảo việc truyền nhận dữ liệu liên thông từ BHXH huyện đến tỉnh và BHXH Việt Nam; việc trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH được đảm bảo an toàn, kịp thời.

Ứng dụng VssID của ngành BHXH ngày càng phát huy hiệu quả và thu hút nhiều khách hàng sử dụng. (Ảnh: NV)

Ứng dụng VssID của ngành BHXH ngày càng phát huy hiệu quả và thu hút nhiều khách hàng sử dụng. (Ảnh: NV)

Trong hoạt động nghiệp vụ, tất cả được quản lý bằng phần mềm; hệ thống cơ sở dữ liệu được quản lý tập trung, thống nhất, thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC là “Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng phí”.

Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; khuyến khích, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử trên Cổng Dịch vụ công và ứng dụng VssID nhằm hạn chế việc nộp hồ sơ giấy.

Tính đến hết tháng 10/2023 cấp được 7883 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi từ dữ liệu liên thông với Bộ Tư Pháp và 2055 thẻ qua Dịch vụ công Bộ Công an. Ứng dụng CNTT trong hoạt động giám định BHYT, BHXH tỉnh Sơn La thực hiện liên thông, kết nối với tất cả cơ sở khám, chữa bệnh và đã đưa hệ thống giám định điện tử đi vào hoạt động nhằm kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Sơn La cũng chỉ đạo BHXH các huyện tập trung khai thác CSDL quốc gia về lĩnh vực bảo hiểm đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT, BHTN; đảm bảo nguyên tắc xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm “đúng, đủ, sạch, sống”; gắn trách nhiệm của viên chức đối với thông tin dữ liệu cập nhật, phê duyệt, quản lý.

Đẩy mạnh giao dịch điện tử thực hiện dịch vụ công mức độ 4. Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.300 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc đăng ký thực hiện giao dịch điện tử, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ giao dịch điện tử tăng dần qua các năm từ 7,87% năm 2018, lên 48,04% năm 2020, đạt 85,48% năm 2022; phấn đấu năm 2023 đạt 94%.

Theo BHXH tỉnh Sơn La, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT tác động tích cực đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của BHXH tỉnh; đặc biệt trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT.

Tính đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh Sơn La có 123.207 người tham gia BHXH bắt buộc bằng 16,2 % lực lượng lao động tại tỉnh, 41.254 người tham gia BHXH tự nguyện bằng 5.42% lực lượng lao động tại tỉnh; 1.234,850 người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ là 94.98% dân số toàn tỉnh. Số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN trên toàn tỉnh đạt trên 2.000 tỷ đồng. Công tác tiếp nhận, đối soát, lập danh sách chi trả trợ cấp thất nghiệp luôn được quan tâm thực hiện đúng, đủ, kịp thời.

Công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho các đối tượng được thực hiện đúng quy định, tạo thuận lợi cho người lao động và người dân tham gia và thụ hưởng.

Thời gian tới, BHXH tỉnh Sơn La tiếp tục triển đồng bộ các giải pháp ứng dụng CNTT đảm bảo an toàn an ninh mạng tại đơn vị cũng như đưa ra cácgiải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ theo tiêu chí tích hợp và quản lý bằng CNTT. Tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động toàn ngành về vai trò, lợi ích của việc ứng dụng CNTT.

Tương tự như Sơn La, thời gian qua BHXH Thừa Thiên - Huế cũng luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động của ngành.

Theo BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh có gần 400 ngàn người đăng ký, cài đặt ứng dụng VssID để tra cứu thông tin và thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, chiếm tỷ lệ gần 35% cho thấy ứng dụng này đã được đông đảo người lao động, doanh nghiệp đón nhận.

Là công nhân may hơn 10 năm làm việc tại một nhà máy may ở Khu Công nghiệp Phú Đa (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), lâu nay chị Nguyễn Thị Nhân luôn mơ hồ về các chính sách tiền lương, các chế độ BHXH hay mức thụ hưởng khi không may gặp ốm đau, bệnh tật.

Sau khi được nhân viên BHXH huyện Phú Vang hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID trên thiết bị điện thoại thông minh, chị Nhân mới nắm bắt được các chính sách BHXH mà chủ sử dụng lao động đang tham gia cho mình.

BHXH Thừa Thiên - Huế luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành. (Ảnh: Thục Trinh)

BHXH Thừa Thiên - Huế luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành. (Ảnh: Thục Trinh)

Chị Nhân chia sẻ: “Từ một người chỉ biết làm việc và cuối tháng nhận lương qua tài khoản ATM, giờ đây đã tra cứu được các thông tin về bảo hiểm, như mã số BHXH; cơ sở khám, chữa bệnh cấp giấy nghỉ hưởng chế độ BHXH; cơ sở khám, chữa bệnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT); thông tin hưởng các chế độ BHXH (một lần, ốm đau, thai sản…); lịch sử khám, chữa bệnh BHYT… nên khá yên tâm và không lo doanh nghiệp nợ bảo hiểm ảnh hưởng đến chính sách thụ hưởng sau này”.

Bà Bùi Thị Thu Lý - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để gia tăng số lượng người cài đặt ứng dựng VssID - BHXH số, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông về việc cấp tài khoản tuyên truyền trên Hue-S.

Theo đó, nhằm mục đích hỗ trợ, giải đáp kịp thời về chính sách BHXH, BHYT và hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số cho người dân trên địa bàn tỉnh thông qua Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh, BHXH tỉnh đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông cấp quyền đăng tải tin trên nền tảng làm việc số để BHXH tỉnh thực hiện đăng tải bản tin tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT; liên kết tổng đài hỗ trợ 19001075 Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh đến số điện thoại: 02343 812363 trong trường hợp có yêu cầu hỗ trợ về ứng dụng VssID trong khung giờ hành chính.

BẢO HƯNG
Bình luận
vtcnews.vn