Giá đất nhiều khu vực ở Hoà Bình tăng gấp ba lần trong 1 năm qua

Bất động sảnThứ Năm, 06/01/2022 17:00:16 +07:00
(VTC News) -

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, 1 năm trở lại đây, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc…

Chiều 5/1/2022, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam VIRES đã tổ chức Tọa đàm: "Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình".

Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, Hoà Bình là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản.

Ngoài lợi thế về thiên nhiên, hạ tầng giao thông thay đổi nhanh chóng cũng là đòn bẩy khiến bất động sản Hòa Bình bùng nổ. Điển hình phải kể đến đường Hòa Lạc - TP. Hòa Bình giai đoạn 2 với 6 làn xe; cải tạo quốc lộ 70, quốc lộ 15, quốc lộ 21, đường vành đai 5... đoạn qua tỉnh Hòa Bình; phối hợp với tỉnh Sơn La đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu…

Giá đất nhiều khu vực ở Hoà Bình tăng gấp ba lần trong 1 năm qua - 1

Bất động sản Hoà Bình nhiều tiềm năng nhưng đến nay vẫn chưa được phát triển đúng mức.

Một năm trở lại đây, theo ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.

"Việc giá tăng sẽ thu hút nhà đầu tư nhưng cũng là rào cản, bởi nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi thực hiện đền bù triển khai dự án, thí dụ như có người dân đòi đền bù đến 1 tỷ đồng cho 1 mảnh đất, cao hơn rất nhiều lần so với giá trị thật”, ông Đính cho hay.

Nêu ví dụ như vậy để thấy rằng, Hòa Bình có lợi thế đặc biệt là phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, tuy nhiên, địa phương cần phải chủ động nghiên cứu, xem xét, đầu tư thêm các cơ sở vật chất, tiện ích, dịch vụ hỗ trợ.

Cũng theo ông Đính, Hòa Bình cũng đang là một trong những địa phương bị đẩy giá bất động sản bất bình thường. Nguyên nhân cũng một phần là do thiếu nguồn cung. 

Thực tế, Hoà Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó pháp lý nên chưa thể ra hàng. Tôi cho rằng, lãnh đạo địa phương Hòa Bình cần quan tâm nhiều hơn nữa, thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đền bù đất, tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Nếu tỉnh Hòa Bình cởi mở, chắc chắn những “con đại bàng lớn” sẽ kéo về đây để phát triển kinh tế, trong đó có bất động sản và tất yếu giá bất động sản cũng được đẩy lên cao hơn nữa", Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ.

Chia sẻ thêm về tiềm năng của Hoà Bình, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô chia sẻ, Hòa Bình hiện đang là điểm đến thu hút rất nhiều chủ đầu tư với số lượng dự án đăng ký đầu tư lớn.

Theo quan sát, các dự án nhà ở tập trung dọc trục cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đoạn qua các xã Phúc Tiến kéo dài đến TP. Hòa Bình. Tại đây các dự án nhà ở xen kẽ cùng sân golf, một số khu nghỉ dưỡng cao cấp và một số dự án mang tính tiện ích xã hội như trường học, y tế…

Khu vực này có lợi thế lớn với mặt bằng ổn định, tiếp giáp với hai trục đường huyết mạch là cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và Quốc lộ 6. Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư thì đây được ví như TP. Hòa Bình mở rộng với các dự án đồng bộ, quy mô, xen kẽ các tiện ích sống cao cấp.

Các dự án du lịch nghỉ dưỡng tập trung tại khu vực quanh hồ Hòa Bình. Số dự án được đăng ký đầu tư gia tăng rất nhanh trong thời gian 1 - 2 năm trở lại đây và đa số đều đang trong quá trình nghiên cứu, quy hoạch, một số ít đã hoàn thành công tác quy hoạch và trong giai đoạn thủ tục giao/cho thuê đất; quy mô cũng rất đa dạng.

Mặt khác, Hòa Bình là một tỉnh trung du, có địa hình phong phú và đa phần là đồi núi. Điều này đem lại lợi thế lớn cho các dự án đầu tư nhưng cũng đứng trước một tình huống khá “nhạy cảm” là khi các dự án đồng loạt triển khai xây dựng sẽ làm thiên nhiên dễ bị “tổn thương”.

“Doanh nghiệp đầu tư dự án tại Hòa Bình thay vì nhìn nhận trách nhiệm với môi trường là một gánh nặng, thì phải xem đây là một trong những cốt lõi tạo nên giá trị sản phẩm. Lấy vốn tự nhiên là một trong những loại vốn trọng tâm có tầm quan trọng không kém vốn tài chính hay vốn sản xuất”, ông Trung cảnh báo

Tuy nhiên, nếu không có giải pháp tốt, thì tự thân chủ đầu tư làm mất đi giá trị mà đáng ra mình được hưởng. San nền thì dễ, nhưng làm thay đổi kết cấu bề mặt, tăng khả năng sạt lở, chi phí xây bờ kè và tái tạo lớp đất màu để trồng trọt rất tốn kém.

Để đánh thức tiềm năng phát triển của Hoà Bình, PGS.TS. Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, Hoà Bình cần xây dựng thương hiệu du lịch thông qua một hoặc một vài dự án tập trung, quy mô, mang dấu ấn đặc trưng của Hòa Bình. Có thể là văn hóa Mường; có thể là du lịch Lòng hồ Thủy điện sông Đà và các cảnh quan liên quan; có thể khai thác đặc sản nước khoáng nóng và ẩm thực Hòa Bình…

Bên cạnh đó, ông Chung cho rằng, Hoà Bình cũng nên chú trọng thu hút đầu tư vào hạ tầng, vào du lịch một cách bài bản, hướng tới các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư thứ cấp, phải sinh.  Đồng thời, tạo dựng các chương trình thu hút đầu tư vào thị trường bất động sản Hòa Bình nói chung và bất động sản du lịch Hòa Bình nói riêng. Cùng với đó, cần quán triệt tinh thần thân thiện với nhà đầu tư và đồng hành với các nhà đầu tư; tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để chỉnh trang những trung tâm đô thị trên địa bàn Hòa Bình, quy hoạch các địa bàn mới để kêu gọi nhà đầu tư chiến lược…

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, Hoà Bình cần quan tâm đến câu chuyện quy hoạch theo hướng ổn định, dài hạn, đảm bảo tính kết nối vùng, bảo vệ lợi ích của người dân bản địa, của du khách và quan tâm đến yếu tố môi trường, gắn với giữ gìn bản sắc.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn