Gấu nhà cắn lìa tay bé trai 3 tuổi: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thời sựThứ Ba, 13/01/2015 07:21:00 +07:00

Trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra tai nạn thương tâm khiến cháu bé 3 tuổi bị gấu cắn lìa cánh tay?

(VTC News) – Trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra tai nạn thương tâm khiến cháu bé 3 tuổi bị gấu cắn lìa cánh tay?

Dư luận vẫn đang bàn tán xôn xao về vụ việc bé trai 3 tuổi bị con gấu nặng hơn 100kg cắn lìa cánh tay tại khu vườn nhà số 171, đường Dương Công Khi,a ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM vào chiều 12/1.
Bên trong căn biệt thự nơi cháu bé bị gấu cắn lìa cánh tay 

Theo đại diện Chi cục kiểm lâm, qua kiểm tra hồ sơ quản lý ban đầu cho thấy chủ hộ nuôi gấu không đăng ký nuôi động vật hoang dã tại Chi cục Kiểm lâm TP.HCM. Bên cạnh đó, gấu cũng không được gắn chíp để theo dõi, không thực hiện đúng quy định của pháp luật về nuôi nhốt động vật hoang dã. 

Hiện đơn vị này đang tiếp xúc với gia đình nạn nhân để xác minh làm rõ con gấu gây họa có nguồn gốc từ đâu.

Đáng nói, ông Đ.T.T (cha của cháu bé) là chủ hộ nuôi gấu “chui” được gần 4 năm nay nhưng các cơ chức năng vẫn không phát hiện để xử lý. Chỉ đến khi sự việc xảy ra thì mới vào cuộc xác minh, điều tra thì đã quá muộn.

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo – Văn phòng luật sư Nguyễn Thạch Thảo – Đoàn luật sư TP.HCM, đây là vụ tai nạn rất đau lòng và cần phải xem xét trách nhiệm của những người liên quan.

Theo quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29/8/2008 của Bộ NN và PTNT thì trước khi đặt trại nuôi gấu phải được sự xác nhận của UBND cấp xã. 

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM  
Tuy nhiên, sau đó thì Thông tư số 25/2011/TT-BNNPTNT ban hành ngày 06/04/2011 đã bỏ quy định việc phải có sự xác nhận của UBND xã đối với việc trước khi đặt trại nuôi gấu. 

Nhưng, lẽ ra với chức năng là đơn vị quản lý tại địa phương, thì UBND xã cần phải có các biện pháp theo dõi, nhắc nhở và giám sát bằng các kênh hay các nguồn thông tin về các hoạt động của những hộ dân trên địa bàn do mình quản lý. 

Chẳng hạn về các lĩnh vực như phòng cháy, chữa cháy, chứa chất nổ trong khu dân cư, bào chế thuốc nổ, nuôi thú dữ... để kịp thời báo cáo hoặc đề xuất với các đơn vị có chức năng, nhằm yêu cầu các hộ gia đình có các hành vi trên thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tương ứng với lĩnh vực hay ngành nghề họ đang thực hiện.

"Chúng ta đều biết gấu là một động vật hoang dã, mặc dù đã được nuôi dưỡng và thuần từ nhỏ nhưng bản chất của chúng vẫn là động vật ăn thịt nên khả năng gây nguy hiểm cho người dân là rất cao", luật sư Thảo nói. 

Cho nên việc kiểm tra và giám sát đối với hộ gia đình trên địa bàn do mình quản lý là vô cùng cần thiết, nhằm bảo vệ sự an toàn cả về tính mạng và tài sản của người dân trên địa bàn do mình đang quản lý.

Hiện nay, đối với việc quản lý gấu thì Bộ NN và PTNT đã ban hành quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29/8/2008, trong đó cũng đã có ban hành về Quy chế Quản lý gấu nuôi. 

Theo quyết định này, hiện nay các hộ gia đình hay cá nhân đều có thể nuôi gấu nhưng phải tuân thủ theo một số quy định cần thiết mới được cấp phép khi nuôi. 

Ngoài ra, đối với việc nuôi gấu mà không có hồ sơ quản lý và không có gắn chíp điện tử hoặc nuôi gấu không có hồ sơ hợp pháp hay nuôi gấu không có chuồng, trại hoặc có chuồng và trại nhưng không đảm bảo các điều kiện quy định tại Quy chế này sẽ bị nghiêm cấm.

Như vậy, việc nuôi gấu cần thiết phải tuân thủ theo các quy định của Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29/8/2008 gồm: Trại nuôi gấu, chuồng nuôi gấu, vệ sinh môi trường và xử lí chất thải, chế độ ăn uống và chăm sóc thú y và đồng thời việc nuôi gấu đó phải được đang ký tại Chi cục kiểm lâm Theo Thông tư số 25/2011/TT-BNNPTNT ban hành ngày 06/04/2011. 

Theo luật sư Thảo: “Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Chi cục Kiểm Lâm sẽ tiến hành kiểm tra về quy trình kỹ thuật, điều kiện cơ sở vật chất trang trại, mức độ an toàn, vệ sinh môi trường và xử lý chất thải ... nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn trên thì mới được cấp giấy chứng nhận trại nuôi gấu”.
TS-BS Phan Đức Minh Mẫn, Phó khoa Chỉnh hình nhi - Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM xác nhận, do cháu bé bị gấu cắn được chuyển lên bệnh viện trong tình trạng cánh tay bị đứt lìa, phần đứt liền cánh tay và mỏm cụt đều bị cắn nát nên các bác sĩ không thể nối lại cánh tay cho cháu bé. Theo bác sĩ Mẫn, khi vết thương ổn định, có thể cháu bé sẽ được gắn tay giả. Tuy nhiên, cánh tay giả này chỉ mang tính thẩm mỹ chứ không còn hoạt động được như cánh tay bình thường.

Hưng Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn