Đường lên Điện Biên: Chiến tranh đẹp và lãng mạn

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 07/05/2014 03:12:00 +07:00

(VTC News) - Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ, Đường lên Điện Biên không đơn thuần là chiến tranh, là đạn bom..

(VTC News) - Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ, Đường lên Điện Biên không đơn thuần là chiến tranh, là đạn bom, là lý tưởng sống…

- Sau 'Những người viết huyền thoại', anh tiếp tục với Đường lên Điện Biên, điều gì khiến một người thuộc thế hệ 7X, sinh ra sau chiến tranh lại có niềm đam mê với những thước phim về đề tài chiến tranh?

Ai cũng nói làm phim chiến tranh khó, nhưng tôi nghĩ hơi khác, quan trọng là bạn muốn kể cái gì? Ai cũng có cái nhìn của mình về chiến tranh và không phải cứ sống qua thời đạn bom là làm được phim về chiến tranh.

Ngay cả 9X, nếu chịu khó quan sát, tìm tòi, cũng có thể làm được phim về đề tài này, miễn là bạn có chính kiến và quan điểm.


Tôi làm phim về chiến tranh ngõ hầu góp phần giữ lại lịch sử của dân tộc trên màn ảnh, để thế hệ ngày hôm nay thấy một thời quá khứ hào hùng phải đổi bằng máu xương của cha ông.

Không ai chỉ sống bằng hiện tại mà lãng quên quá khứ. Hãy trân trọng quá khứ, dù chiến tranh tàn khốc, dù nghèo đói, dù đúng dù sai, đừng lãng quên lịch sử và những năm tháng đã đi qua.

đường lên Điện Biên
Đường lên Điện Biên 
- Dường như anh đang thử thách chính mình, bởi phim về đề tài chiến tranh là thể loại khó làm và kén người xem. Chính những bộ phim về đề tài chiến tranh anh làm như Những người viết huyền thoại, dù gặt hái được nhiều giải thưởng lớn nhưng khi mang ra rạp lại vất vả trên đường đến với công chúng.

Với công việc của một đạo diễn, tôi phải làm sao để kể câu chuyện chiến tranh một cách tốt nhất, để những ai quan tâm đến phim về đề tài chiến tranh tiếp cận nó.

Tất nhiên, so với những bộ phim giải trí, tình cảm nhẹ nhàng hay phim bom tấn trên thế giới, phim về đề tài chiến tranh kén người xem hơn. Nhưng tôi tin rằng, ê kíp của tôi đủ bản lĩnh để đi đến tận cùng con đường mà không ai muốn đi.

Chúng tôi muốn hình thành nên những thước phim chính luận nhưng hấp dẫn, và đến một ngày nào đó, sẽ có nhiều hơn khán giả thích thú với dòng phim đó, chúng tôi đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Hiện tại, chúng tôi vẫn nghiên cứu những giải pháp để tiếp tục đề tài chiến tranh sao cho hấp dẫn hơn, hay hơn.

đường lên Điện Biên
Một cảnh trong phim 
- Trước 'Đường lên Điện Biên', có rất nhiều bộ phim được làm để kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đặc biệt là bộ phim 'Hoa ban đỏ' của cố NSND Bạch Diệp sản xuất năm 1994, anh có sợ cái bóng quá lớn của những bộ phim đi trước sẽ tạo áp lực cho mình?

Tôi không nghĩ là có cái bóng nào cả, mỗi bộ phim đều có chức năng, nhiệm vụ riêng của nó, và mỗi đạo diễn có giọng nói riêng, có cách kể chuyện về chiến tranh khác nhau. Tôi đã học được nhiều từ thế hệ trước để làm những bộ phim của mình sao cho tốt hơn.

Đường lên Điện Biên là một câu chuyện không đao to búa lớn, đầy chi tiết sống động, không phải dạng phim ‘cúng cụ’ nhân các dịp kỷ niệm đơn thuần như nhiều người nghĩ, mà sẽ định hướng khán giả làm sao có thể hấp dẫn người xem.
đường lên Điện Biên
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng với Đường lên Điện Biên 
- Anh khai thác khía cạnh nào của cuộc chiến khốc liệt ấy?

Có rất nhiều những khía cạnh mà chiến tranh chỉ là ‘nền’. Đây không phải là một bộ phim khoe về chiến thuật chiến lược ta thắng địch thua khô cứng, mà là một bộ phim tái hiện sống động và chân thực cuộc sống của những người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Phim có thể khiến cuộc chiến tranh đẹp hơn, lãng mạn hơn hoặc khốc liệt hơn, nhưng sẽ kể lại lịch sử một cách gần gũi và hấp dẫn nhất.
 
- Theo anh, cái khó nhất khi tái hiện chiến tranh, tái hiện lịch sử lên những thước phim là gì?


Là làm sao cho bộ phim hấp dẫn, mang tính nghệ thuật nhưng gần gũi nhất với lịch sử chứ không phải là một thứ copy nguyên si lịch sử.

Phim có thể khiến cuộc chiến tranh đẹp hơn, lãng mạn hơn hoặc khốc liệt hơn, nhưng sẽ kể lại lịch sử một cách gần gũi và hấp dẫn nhất.

- Anh muốn truyền tải điều gì đến khán giả thông qua bộ phim này? Người ta thường nghĩ phim mang ít nhiều yếu tố ‘cúng cụ’ làm xong, chiếu dịp lễ rồi cất kho, nhưng với những gì anh đã làm về đề tài này, khán giả tin rằng tham vọng của anh lớn hơn thế?

Bộ phim đề cao chiến tranh nhân dân nên yếu tố hấp dẫn, gần gũi với khán giả phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó là yếu tố mỹ học và thông điệp truyền tải những vấn đề tinh thần Việt với nhiều chi tiết mang tính biểu tượng của người làm phim.

Phim tái hiện lại một phần của 56 ngày đêm gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của quân và dân ta, nhưng nó cũng là câu chuyện tình thơ mộng và lãng mạn của những chàng vệ quốc quân hào hoa với những cô dân công hỏa tuyến gặp nhau trên đường ra trận.

Đường lên Điện Biên không đơn thuần là chiến tranh, là đạn bom, là lý tưởng sống… Bộ phim đầy chất thơ, hào hùng và lãng mạn.

Clip diễu binh kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

An Yên(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn