"Đường Láng - Hòa Lạc xứng tên đại lộ Thăng Long"

Thời sựThứ Hai, 19/07/2010 06:13:00 +07:00

(VTC News) – “Đặt tên tên đường Láng - Hòa Lạc thành đại lộ Thăng Long là điều hợp lý! Nhưng tôi chỉ phân vân là đại lộ này dài quá..."

"VTC News) - “Đặt tên đường Láng - Hòa Lạc thành đại lộ Thăng Long là hợp lý! Nhưng tôi chỉ phân vân là đại lộ này dài quá và tên một đại lộ mới phải có chút gì đó mang theo từ nội thành...”, Kỹ sư Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho biết.

 


Xung quanh việc TP.Hà Nội vừa có quyết định đổi tên đường Láng – Hòa Lạc thành đại lộ Thăng Long để kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Kỹ sư Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam - đã có cuộc trao đổi với báo điện tử VTC News.

 

- Ông có cảm nghĩ gì khi Hà Nội đặt tên đường Láng – Hòa Lạc là đại lộ Thăng Long?

 

Khi đặt tên cho bất kỳ đường phố nào có những tiêu chí cần phải hết sức suy nghĩ, bởi việc đặt tên đường phố ảnh hưởng đến xã hội, đến thói quen, phong tục tập quán của người dân. Các đồng chí lãnh đạo thành phố chắc hẳn cũng đã nghĩ nhiều đến việc này. Nếu không thận trọng, nhiều khi chúng ta để mất những cái tên rất thân thuộc và làm cho người dân hiểu nhầm.

 

Có nhiều cái tên đã quen với người dân Thủ đô nhưng có khi chúng ta lại đổi cái tên đó đi. Ví dụ như Ga Hàng Cỏ, phố Hàng Bột, Hàng Đẫy, đường Tàu Bay…  những cái tên này được đặt trong bối cảnh lịch sử lúc đó nên để đặt lại tên khác cho nổi hẳn lên có thể hơi khó. Chỉ khi nào, tên phố không còn phù hợp thì hãy nghĩ tới việc đổi tên.

 

Đường Láng – Hòa Lạc vốn chưa có tên nhưng việc quyết định đường Láng – Hòa Lạc là đại lộ cũng là một việc cần tính toán. Tuy nhiên, do chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cũng cần có một đại lộ như thế. Trước kia, chúng ta mới chỉ có thành Thăng Long chứ chưa có phố Thăng Long hay đường Thăng Long nên theo tôi, đặt tên đại lộ Thăng Long là điều hợp lý!


Nhưng tôi chỉ phân vân là đại lộ này dài quá. Phải chăng chúng ta nên kéo dài đến một địa bàn nào đó, qua một khu vực nào đó, bởi ít có đại lộ nào kéo dài tới mấy chục cây số. Tên một đại lộ mới phải có chút gì đó mang theo từ nội thành. Đại lộ Thăng Long đi xuyên qua hai nội đô Hà Nội cũ và một đô thị tương lai phải chăng là một suy nghĩ mới...


 Kỹ sư Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam. Ảnh: TS

 

- Đường Láng – Hòa Lạc, nay là đại lộ Thăng Long, kéo dài từ ngã ba Phạm Hùng – Trần Duy Hưng – Khuất Duy Tiến đến đầu Hòa Lạc dài khoảng 38km. Ông có thấy có gì bất cập không?

 

Thực ra tên đại lộ thì không có gì bất cập, nhưng trong suy nghĩ của chúng ta từ trước đến nay, hai bên đại lộ thường có những công trình rất hoành tráng, đẹp đẽ. Ví dụ như những đại lộ lớn của thủ đô Paris (Pháp), Moscow (Nga), Washington (Mỹ) hay đại lộ lớn đi qua quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Trong khi hai bên đường Láng - Hòa Lạc lại có nhiều doanh nghiệp, những xưởng sản xuất bê tông, công nghiệp… nên tôi nghĩ tính chất đại lộ cũng bị ảnh hưởng.

 

Trong quá trình làm, chúng ta cũng phải cân nhắc và tính toán để hai bên đường có cảnh quan phù hợp với đại lộ. Thường người ta không gọi những đường xuyên tỉnh là đại lộ, vì đại lộ nằm trong thành phố nhiều hơn. Người ta chỉ gọi là đường thôi.

 

- Ông có hy vọng đại lộ Thăng Long sẽ điểm nhấn cho Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và cho cả tương lai không?

 

Rõ ràng đây là điều chúng ta rất hy vọng. Từ ngã ba đường Láng, nối liền đường Nguyễn Chí Thanh qua Trung tâm Hội nghị quốc gia, chúng ta có một con đường tương đối đẹp và chất lượng rồi, được tiếp tục bằng một đại lộ lớn, một con đường cao tốc ở giữa có cảnh quan. Sắp tới đây dự kiến còn làm cả đường sắt. Khi đã gắn tên là đại lộ Thăng Long, đòi hỏi các nhà kiến trúc, quy hoạch phải làm cho con đường này phù hợp và mang đậm ý nghĩa 1000 năm Thăng Long.

 

- Hiện nay một số tỉnh thành ở Việt Nam đã có đại lộ trong khi Hà Nội mới chỉ có đại lộ Thăng Long. Theo ông, Hà Nội có muộn hơn so với các địa phương khác?

 

Thật ra cũng tùy từng nơi chứ không nhất thiết. Ở các nước, đại lộ của họ thường là con đường trung tâm. Trên đại lộ của họ thường có tượng đài chiến thắng, chẳng hạn như ở Pháp có Khải hoàn môn… Đại lộ của họ thường gắn với quá trình lịch sử, không nhất thiết cứ phải là một con đường thật lớn. Đây là lần đầu tiên Hà Nội có một đại lộ và tôi nghĩ quy mô đường Láng – Hòa Lạc xứng đáng là đại lộ Thăng Long.

 

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi và một số đồng nghiệp, phải chăng từ quảng trường Ba Đình ra bến Chương Dương Độ nên có một đại lộ. Không biết điều này có vướng gì không. Nếu đường Hùng Vương nối một mạch tới Phúc Xá, An Dương mà làm đại lộ thì tuyệt vời. Và ở chỗ Chương Dương Độ đặt tượng đài độc lập, tượng đài tự do hay tượng đài chiến thắng và ngắm nhìn toàn cảnh hồ Tây thì đại lộ đó mới xứng đáng là đại lộ. Khi duyệt binh trên đường người ta thường đi qua các đại lộ


- Sau một thời gian các nhà chuyên môn bày tỏ quan điểm không đồng tình về việc chuyện xây dựng 5 cổng chào dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội,gần đây HĐND TP.Hà Nội cũng đã “bác” bỏ quyết định làm cổng chào. Theo ý kiến của ông, quyết định không làm cổng chào có đúng hay không?

 

Để kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long, chúng ta có rất nhiều công trình. Với dự án phục vụ cho ngày lễ này, chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh, đặc biệt là những việc như chỉnh trang đô thị. Nhưng Việt Nam còn đang rất nghèo, mỗi đồng tiền tiêu cho ngày lễ này đều phải mang tính thiết thực và được người dân ủng hộ.

 

Đáng nhẽ phải công khai, phải phổ biến những dự án này từ lâu để nhân dân đánh giá. Rất tiếc, cách đây hơn 2 tháng chúng ta mới công khai việc làm 5 cổng chào. Bản thân cái tên cổng chào không mang ý nghĩa 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Cái cổng để chào, xong hết là hết chào.

 

Nhớ lại khi giải phóng Thủ đô 10/10/1954, không ai ra lệnh, không ai huy động nhưng tự người dân dựng nên biết bao nhiêu cổng chào ở phố Hàng Bông, Tràng Thi, Cửa Nam… Người dân tự làm những cổng chào này với tấm lòng nhiệt thành, bằng vải, những lá dừa, những mảnh gỗ ghép lại. Đó là tấm lòng của người Thủ đô chào mừng ngày giải phóng. Còn chúng ta ngày nay làm cổng chào với hàng mấy chục tỷ đồng và cách xa trung tâm Thủ đô hàng chục cây số đâu phải là cổng chào.

 

Tôi cũng như Hội kiến trúc sư đều rất không đồng tình khi tiếp nhận thông tin về ý định xây cổng chào, bởi vì những công trình này không mang đúng ý nghĩa như tên gọi của nó. Dừng dự án xây công chào ở thời điểm này là đúng lúc.


- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!


Kiên Cường

Bình luận
vtcnews.vn