Đường bay dân sự ra Trường Sa: Chưa có thông tin cụ thể

Thời sựThứ Hai, 16/02/2015 06:00:00 +07:00

Đường bay dân sự ra Trường Sa có ý nghĩa rất lớn đến chủ quyền biển đảo, vừa có ý nghĩa dân sự, vừa có ý nghĩa đối với quân sự.

Đường bay dân sự ra Trường Sa có ý nghĩa rất lớn đến chủ quyền biển đảo, vừa có ý nghĩa dân sự, vừa có ý nghĩa đối với quân sự.

Giá trị lớn về an ninh, quốc phòng

Chia sẻ với PV trước thông tin, Bộ GTVT sẽ lập đề án, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc mở đường bay hàng không dân sự ra quần đảo Trường Sa trong năm 2015, ông Phạm Quý Tiêu - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Hiện nay chưa có thông tin cụ thể về đề án này".

Bên cạnh đó, ngày 14/2, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không cũng cho biết: "Cục hàng không chưa có bất kỳ thông tin nào liên quan đến dự án này".

Trong khi đó, theo chuyên gia Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm khoa Hàng không – ĐH Bách khoa TPHCM khẳng định đây là việc đã nên làm từ lâu.

Ông khẳng định: "Nên phát triển các đường bay nội địa liên quan đến biển đảo vì nó góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, vẫn biết rằng mở đường bay theo kiểu sân bay trực thăng thì dễ, đường bay dân sự sẽ khó khăn hơn nhiều".

Theo ông Tống thì việc đẩy mạnh hoạt động hàng không biển đảo, mặc dù ở nước ta chậm nhưng cần thiết, mặc dù đã nhiều năm nay người ta đặt vấn đề tại sao không thực hiện sớm.

Hơn nữa, việc thực hiện cũng không có gì khó khăn, chỉ cần có sân bay đảm bảo các điều kiện cho máy bay cất hạ cánh, đảm bảo mặt an toàn hàng không về cơ sở vật chất, với những yếu tố này, theo ông thì chúng ta thừa sức để đầu tư.

Mặt khác, việc mở hàng không dân sự nội địa đơn giản hơn, Cục hàng không VN luôn nắm chắc những tiêu chuẩn, điều kiện để mở sân bay mới, theo quy định của Hiệp hội hàng không quốc tế.

Ông Tống khẳng định: "Điều cần quan tâm nhất lúc này là yếu tố kinh tế, chắc chắn đường bay này sẽ khó có hiệu quả kinh tế cao trong thời gian đầu đưa vào khai thác, nhưng ý nghĩa, giá trị về mặt an ninh quốc phòng thì quan trọng hơn.

Chính vì thế, cho nên nhà nước chắc chắn phải bù lỗ duy trì đường bay dân sự này. Đối với sân bay này, không bắt buộc phải thu đủ số tiên đầu tư thì mới mở mà nên có chính sách hỗ trợ phát triển".

Khẳng định thêm, ông Tống cho rằng, đường bay này có ý nghĩa rất lớn đến chủ quyền biển đảo của mình, vừa có ý nghĩa dân sự, vừa có ý nghĩa đối với quân sự.

Hỗ trợ ngư dân


Cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Lê Trọng Sành - nguyên Chủ nhiệm khoa Hàng không – ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết: "Đối với đường bay dân sự này, đưa ra với lượng khách như thế nào, là do Bộ GTVT lên kế hoạch, tự quyết định, nhưng việc mở đường bay từ trong đất liền ra quần đảo Trường Sa là vô cùng cần thiết".

Theo chia sẻ của ông Sành thì nếu hàng không ra đó sẽ hỗ trợ cho hải quan, ngư dân ngoài biển đảo rất nhiều. Hơn nữa, số lượng nhân dân đi ra thăm đảo sẽ ngày càng được tăng lên.

"Chúng tôi rất muốn mở đường bay dân sự ra Trường Sa, hiện nay máy bay nhỏ nhất của chúng ta là AT72 có 64 chỗ ngồi, cùng với đường băng quân sự đang dùng, chắc chắn sẽ còn phụ thuộc vào nhiệm vụ quân sự, mà đảm bảo yêu cầu an toàn hàng không", ông Sành cho biết thêm.

Hơn nữa, theo ông Sành phân tích, thì khoảng cách từ TP.HCM ra Trường Sa là 600km, Đà Nẵng là 300km, có thể nhận định là rất xa, cho nên nếu chỉ dùng phương tiện tàu thủy là không được, không đủ, cho nên mở đường bay dân sự sẽ góp phần để xây dựng hòn đảo lớn mạnh.

Về việc lên kế hoạch thực hiện thiết lập một đường bay mới và đưa vào khai thác sử dụng, ông Sành cho hay: "Cục hàng không VN sẽ phải chịu trách nhiệm về việc chuẩn bị từ cơ sở vật chất cho đến tàu bay làm sao cho phù hợp, cho đảm bảo an toàn kỹ thuật hàng không, tất cả đã có quy định rõ ràng trong Luật hàng không".

Nguồn: Khả Ngân(Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn