Được hỗ trợ 25 tỷ đồng, xe buýt trợ giá Đà Nẵng vẫn ế khách

Thời sựThứ Tư, 10/10/2018 06:48:00 +07:00

Qua hơn 18 tháng, TP Đà Nẵng chi trên 25 tỷ đồng cho các tuyến xe buýt trợ giá, nhưng lượng khách sử dụng chỉ đạt 15,5 khách/chuyến.

Xe tốt vẫn ế

Theo quy hoạch của Đà Nẵng, mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải của xe buýt đạt 9% tổng nhu cầu đi lại của người dân thành phố, xe buýt nhanh đạt 3% (458.735 chuyến/ngày) và đến 2025 sẽ đảm nhận 837.098 chuyến/ngày.

xe 4

Xe mới, chất lượng phục vụ tốt nhưng xe buýt trợ giá Đà Nẵng vẫn vắng khách. 

Thực hiện mục tiêu này, tháng 12/2016, Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 (Quảng An 1) đã trúng thầu và trở thành đơn vị vận hành khai thác mạng lưới xe buýt nội thị với 5 tuyến, cùng tổng chiều dài mạng lưới xe buýt trên địa bàn TP Đà Nẵng là 92,35km. 

Quảng An 1 đã đầu tư 61 xe buýt loại B40 (55 xe hoạt động, 6 xe dự phòng), cùng tổng số chuyến là 600 chuyến đi/ngày, thời gian hoạt động từ 5h30 đến 21h, tần suất 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm, 20 phút/chuyến giờ bình thường. 

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, lượng hành khách sử dụng xe buýt bình quân hàng tháng hiện chỉ đạt 15,5 hành khách/chuyến. Với mục tiêu ban đầu đặt ra cho hệ thống xe buýt công cộng đáp ứng 9% tổng nhu cầu đi lại của TP Đà Nẵng (giai đoạn 2015 đến 2020) thì con số này còn quá khiêm tốn. 

Theo ghi nhận, người Đà Nẵng chưa mấy mặn mà với loại phương tiện công cộng này. Tình trạng tắc đường, vấn đề kẹt xe của thành phố chưa quá nghiêm trọng và quãng đường di chuyển nội thành hay ngoại thành cũng không quá xa như Hà Nội, TP.HCM. Vì vậy, việc chuyển đổi phương tiện cá nhân qua sử dụng xe buýt ngay lập tức là điều gần như không thể.

Thêm nữa, từ lộ trình đến thông tin về các tuyến xe chưa được phổ biến rộng rãi đến người dân. Các điểm nhà chờ bị lấn chiếm bởi thùng rác, hàng quán rất nhếch nhác. Tình trạng xe máy, ô tô đỗ ngay điểm dừng xe buýt vẫn diễn ra phổ biến.

Nguyên nhân chính vẫn là việc đầu tư về hạ tầng chưa đồng bộ, lộ trình từ nhà chờ đến các điểm đỗ dừng chưa logic khiến người dân hờ hững với xe buýt.

“Chất lượng thôi chưa đủ, chúng ta cần có cả hệ thống hạ tầng đi kèm thật chuyên nghiệp thì người dân mới từ bỏ phương tiện cá nhân. Xe buýt phải thực sự tối ưu thì mới thuyết phục được người dân”, đại diện doanh nghiệp Quảng An 1 cho hay.

Tài xế, nhân viên... buồn!

Chia sẻ với PV VTC News, hầu hết lái xe, nhân viên bán vé đều có chung tâm trạng buồn.

“Nhiều chuyến chạy xe không từ điểm đầu điểm cuối. Chúng tôi hay đùa nhau, tài xế chở nhân viên vé đi dạo phố anh ạ”, tài xế L.Q.H. nói.

xe 2 5

Một tài xế xe buýt trợ giá chuẩn bị xuất bến.

Theo chị K. (nhân viên bán vé), mặc dù có hợp đồng nhưng đời sống của chị cũng như các nhân viên khác rất chật vật. Bình quân mỗi ngày chị K. đi khoảng 4 đến 5 chuyến với mức lương tính 30 nghìn đồng/chuyến. Để tham gia đủ chuyến, chị phải đi làm từ 5h và về nhà lúc 22h30.

“Đi đủ 5 chuyến, tính ra được 150 nghìn đồng, cộng thêm 20 nghìn công ty hỗ trợ tiền ăn thì được 170 nghìn đồng. Với mức thu nhập này, nhân viên chúng em sống chật vật lắm”, chị K. nói.

Một tháng chị K. làm việc khoảng 25 ngày, nếu nhân với số chuyến mỗi ngày thì tổng thu nhập khoảng hơn 4 triệu đồng, mức thu nhập không đủ lo cho cuộc sống gia đình.

“Lương thấp, các chế độ khác cũng không tốt nên chúng em rất nản. Bây giờ xin nghỉ cũng chẳng biết xoay thế nào để sống nên gắng bám trụ. Hy vọng khách đông, công ty làm ăn được để thu nhập được cải thiện”, chị K. cho biết.

Còn theo tài xế Trần Văn B., thu nhập của anh có cao hơn so với nhân viên vé nhưng cũng chỉ chút đỉnh. Anh B. cho biết, anh là lao động chính, với mức thu nhập như vậy nên cuộc sống gia đình rất chật vật.

“Chạy xe không có khách, thu nhập, các chế độ khác cũng không tốt nên rất buồn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm tốt phần việc của mình và hy vọng tình hình sẽ tốt hơn”, anh B. bày tỏ.

Số phận đề án sẽ ra sao khi hết trợ giá?

Theo mục tiêu Đề án phát triển phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn Đà Nẵng, từ năm 2015 đến 2020, Đà Nẵng sẽ đầu tư 20 tuyến xe buýt với tổng mức kinh phí dự kiến 1.329 tỷ đồng (trong đó cơ sở hạ tầng là 574 tỷ đồng, phương tiện là 755 tỷ đồng).

Để nâng tổng số tuyến xe buýt trên địa bàn lên 26 tuyến trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2025, Đà Nẵng sẽ tiếp tục chi khoảng 873 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và phương tiện. Từ năm 2025 đến 2030 với 28 tuyến xe buýt, Đà Nẵng sẽ tiếp tục chi dự kiến khoảng 544 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng và phương tiện.

Tất cả nguồn vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, điểm dừng đỗ, trạm sửa chữa bảo dưỡng được sử dụng từ nguồn ngân sách. Còn phương tiện được huy động từ nguồn xã hội hóa. 

xe 1 6

Xe buýt trợ giá rất vắng khách. 

So sánh với mục tiêu phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn TP Đà Nẵng, đến năm 2020, hệ thống xe buýt phải đảm nhận 458.735 chuyến đi/ngày, với hàng chục tuyến, thì quy hoạch của Đà Nẵng đang có nguy cơ không đạt. Chỉ còn 2 năm nữa đã đến hạn mục tiêu, nhưng hiện chỉ có 5 tuyến đang hoạt động bằng trợ giá từ ngân sách. 

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn