Dùng công nghệ chống lừa đảo bán hàng trực tuyến

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Năm, 14/12/2023 13:42:00 +07:00
(VTC News) -

Một trong những biện pháp phòng, chống lừa đảo trong thương mại điện tử là tăng cường các biện pháp quản lý trên môi trường số.

Kế hoạch số 115/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Giáp Thìn yêu cầu tập trung cho các mặt trận trọng điểm. Đặc biệt, kế hoạch nhấn mạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trong đó, Kế hoạch 115 yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) mua, bán trực tuyến... kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Đồng thời, Kế hoạch đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường rà soát các trang mạng xã hội, ứng dụng thương mại điện tử, các nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm phổ biến để đánh giá đúng thực trạng; kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Thuế... tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.

Thương mại điện tử thời gian qua ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 2 con số chứng tỏ là xu thế tất yếu vì những lợi ích mà nó mang lại. Song không khó để nhận ra bên cạnh các lợi điểm cũng đã nhanh chóng phát sinh nhiều bất cập. Trong đó, điển hình là việc trà trộn kinh doanh các mặt hàng giả, nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ và đi cùng đó là chất lượng hàng hoá khác xa với hình ảnh được “lăng xê” trên điện thoại thông minh của người tiêu dùng.

Hiện chưa có con số cụ thể về mức độ hiện diện của hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ trên các trang bán hàng online thế nhưng nguy cơ này là không thể xem thường với lực lượng chức năng và với mỗi người tiêu dùng tham gia vào thương mại điện tử.

Nếu không có những chế tài phù hợp, thương mại điện tử sẽ trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả và thậm chí còn là cánh tay nối dài. Từ đó, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

Bởi để đấu tranh với loại tội phạm này cần có những vũ khí hữu hiệu, những giải pháp mang tính “móng tay nhọn” để “bóc” các lớp vỏ đầy tinh vi của hàng giả, hàng nhái chứ không thể đấu tranh theo kiểu “tay không bắt giặc”.

Trong những năm qua, các đơn vị chức năng đã và đang nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý, chính sách phát triển và quản lý thương mại điện tử.

Đáng chú ý, bên cạnh các nỗ lực của lực lượng Quản lý thị trường, trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công Thương đã xây dựng Hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp.

Hệ sinh thái số được kỳ vọng bảo vệ nhãn hàng trên môi trường trực tuyến, bảo đảm giao dịch trong thương mại điện tử, giải quyết khiếu nại tranh chấp, xác thực và định danh chủ thể trong thương mại điện tử.

Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả, hàng nhái trong suốt các thời gian của năm, càng quyết liệt hơn ở thời điểm Tết là minh chứng cho thấy tư tưởng kiên quyết làm lành mạnh thị trường, lành mạnh nền kinh tế.

Phát triển thương mại điện tử, trong đó có các kênh bán hàng online là để tạo những giá trị gia tăng cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng chứ tuyệt nhiên không thể là tạo đất để hàng giả, hàng nhái có cơ hội sống và “dụng võ” một cách bất lương.

Mi Vi
Bình luận
vtcnews.vn