Đũa, muỗng bằng gỗ có an toàn cho sức khỏe?

Gia đìnhThứ Tư, 20/09/2023 09:27:01 +07:00
(VTC News) -

Vật dụng nhà bếp làm bằng gỗ rất được ưa chuộng vì là nguyên liệu tự nhiên, tuy vậy nhiều người vẫn băn khoăn liệu đũa, muỗng bằng gỗ có an toàn cho sức khỏe không.

Ưu điểm của đũa, muỗng bằng gỗ là dễ sử dụng, đem lại cảm giác dễ chịu, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, khả năng chịu ẩm mốc của chúng không cao, nên nhiều người vẫn lo lắng về ảnh hưởng xấu của nó. 

Đũa, muỗng bằng gỗ có an toàn cho sức khỏe?

Theo Sina, bác sỹ Sun Feng (khoa Hậu môn Trực tràng, Bệnh viện Đại học Trung y Quảng Châu) khuyến cáo nên hết sức thận trọng khi dùng đũa gỗ vì nó dễ sản sinh nấm mốc trong thời tiết ẩm ướt. Đặc biệt, độc tố nấm mốc aflatoxin có thể gây ngộ độc nặng, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư. 

Aflatoxin có độc tính mạnh gấp 68 lần thạch tín, gấp 10 lần kali xyanua và cực kỳ nguy hiểm với tế bào gan.

Nấm mốc Aflatoxin do vi nấm  Aspergillus flavus sinh ra. Bản thân đũa gỗ không chứa Aspergillus flavus. Trong quá trình sử dụng, đũa không được vệ sinh sạch sẽ, còn sót lại tinh bột, thực phẩm, cộng thêm môi trường ẩm thấp khiến nấm mốc phát triển ở đầu đũa, sinh ra độc tố aflatoxin. 

Đũa muỗng bằng gỗ có an toàn cho sức khỏe? (Ảnh: Carvedwoodenspoons)

Đũa muỗng bằng gỗ có an toàn cho sức khỏe? (Ảnh: Carvedwoodenspoons)

Ngoài ra, đũa gỗ sử dụng lâu ngày có thể xuất hiện những đường nứt, nơi tích tụ bụi bẩn, khó vệ sinh và khiến nấm mốc gây hại sinh sôi lúc nào không hay. Không chỉ đũa gỗ mà muỗng gỗ, thớt gỗ cũng gặp phải tình trạng này.

Vậy đũa, muỗng bằng gỗ có an toàn cho sức khỏe? Theo bác sỹ Sun Feng, bản thân các vật dụng này không độc hại và thân thiện với môi trường, nhưng chúng lại có thể trở thành nơi trú ngụ của vi sinh vật gây hại. Để phòng ngừa nấm mốc trong đũa gỗ, mọi người nên rửa đũa thật sạch, phơi nắng hoặc sấy để khử khuẩn.

Cần khử trùng cả tủ đựng bát đũa và thay đũa gỗ 6 tháng/lần. Tương tự, muỗng gỗ, thớt gỗ cũng cần được thay khi thấy có các vết nứt.

Phân biệt đũa gỗ tự nhiên và đũa nhuộm màu

Đũa sơn màu, nhuộm màu sẽ không an toàn bằng đũa mộc, dưới đây là các yếu tố giúp bạn phân biệt:

Hình dáng và độ cứng 

Thông thường nếu cùng kích thước thì đũa sơn màu sẽ nhẹ hơn và yếu hơn đũa ăn cao cấp được làm từ gỗ tự nhiên.

Đũa nhuộm phẩm màu dễ uốn cong, dễ gãy... do sử dụng những loại gỗ không tốt hoặc sử dụng phần bì của thân cây. Ngược lại, đũa gỗ màu tự nhiên khi cầm chắc tay, khó uốn cong, sử dụng nguyên liệu hoàn toàn từ lõi cây. 

Độ bóng trên mặt đũa

Cả 2 loại đũa sơn và đũa gỗ màu tự nhiên đều bóng, nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy:

- Đũa sơn có độ bóng đều và ngay cả đầu đũa cũng bóng vì được phủ sơn lên

- Đũa gỗ tự nhiên có độ bóng không đều. Tuy nhiên, quá trình sử dụng sẽ tạo ma sát, dần dần mang lại độ bóng và nổi vân gỗ tự nhiên.

Đũa gỗ tự nhiên nặng hơn đũa gỗ sơn nhuộm màu. (Ảnh: Rozette Rago)

Đũa gỗ tự nhiên nặng hơn đũa gỗ sơn nhuộm màu. (Ảnh: Rozette Rago)

Mẹo bảo quản đũa gỗ không bị mốc

Xử lý trước khi sử dụng

Để chống ẩm mốc cho đũa gỗ, khi mới mua về, bạn nên pha muối với nước ấm để rửa rồi đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Nên rải đũa trên một mặt phẳng để chúng được khô đều; chọn thời điểm nắng dịu để tránh làm bạc màu và nứt đũa. 

Tránh ngâm lâu trong nước 

Nhiều gia đình có thói quen không rửa chén đũa ngay sau khi ăn cơm mà để rất lâu, thậm chí qua đêm. Thói quen này vô cùng có hại, vì vi khuẩn dễ dàng phát triển trong khoảng thời gian đó. Khi ngâm đũa vào nước có chứa dầu mỡ, thức ăn thừa, vi khuẩn từ nước càng dễ xâm nhập đũa và làm đũa bị mốc.

Không chà xát mạnh thân đũa 

Nhiều người có thói quen chà xát đũa gỗ thật mạnh khi rửa, thậm chí dùng miếng rửa bát bằng kim loại đề chà vì nghĩ làm vậy mới sạch hết mọi vết bẩn. Tuy nhiên, cách này sẽ tạo ra những vết trầy xước, đây sẽ là nơi trú ngụ của vi khuẩn. Vì vậy, chỉ nên rửa đũa bằng khăn mềm.

Rửa đũa thật kỹ 

Bạn nhớ phải rửa đũa thật sạch với nước rửa chén để loại bỏ thức ăn thừa và dầu mỡ trên đó. Đũa không sạch thì sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Nếu dầu mỡ hay thức ăn bám quá chặt vào đũa khiến bạn không thể tẩy rửa, hãy luộc chúng trong nồi nước, cho ít muối và vài lát chanh vào để dầu mỡ, thức ăn bong ra và làm sạch vi khuẩn.

Phơi nơi khô ráo, thoáng mát

Sau khi rửa sạch đũa gỗ, bạn nên phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời. Vào những ngày trời mưa hoặc vào buổi tối, nêni đặt chúng ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc với những nơi ẩm ướt.

Vệ sinh khay đựng đũa

Các khay đựng đũa cũng có thể làm đũa bị ẩm mốc. Hãy thường xuyên vệ sinh nơi đựng đũa, chú ý lau sạch và khô để đảm bảo không còn nước tồn đọng, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.

Nhật Thùy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn