Dự báo thời tiết sai, gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý thế nào?

Thời sựThứ Năm, 05/11/2015 08:09:00 +07:00

Theo các đại biểu, dự thảo Luật khí tượng thủy văn cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân dự báo, cảnh báo thời tiết không chính xác, gây hậu quả nghiêm tr

(VTC News) - ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật khí tượng thủy văn cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân dự báo, cảnh báo thời tiết không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thảo luận tại Quốc hội hôm nay (5/11) về dự thảo Luật Khí tượng Thủy văn, nhiều đại biểu cho rằng các quy định còn chung chung.

Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn về hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung quy định rõ nguyên tắc hoạt động khí tượng thủy văn.

Theo đó, quan trắc khí tượng thủy văn phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm đủ độ tin cậy; thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ và thể hiện như tại Điều 4 Dự thảo Luật.


Dự báo thời tiết sai, gây hậu quả nghiêm trọng, chịu trách nhiệm như thế nào?
Dự báo thời tiết sai, gây hậu quả nghiêm trọng, chịu trách nhiệm như thế nào?

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự thảo Luật lần này là việc quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do mình ban hành tại khoản 2 Điều 21; quy định về tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm đủ độ tin cậy, được cập nhật thường xuyên, kịp thời theo diễn biến của hiện tượng khí tượng thủy văn tại khoản 3 Điều 21.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt thẳng vấn đề: “Vậy cơ quan khí tượng dự báo, cảnh báo nhưng không đúng, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, sinh mạng thì trách nhiệm thế nào và đến đâu?”

Theo ông Sơn, vẫn biết tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, nếu dự báo sai thì quá nguy hiểm, nhưng cứ dự báo quá lên, vống lên để cho an toàn thì cũng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Ngoài ra, theo đại biểu Sơn dự thảo Luật cũng không thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nêu rõ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là cảnh báo, dự báo thiên tai là một ngành, nghề đặc thù, đòi hỏi phải có trình độ khoa học và công nghệ chuyên ngành cũng như kinh nghiệm thực tiễn; sự chuẩn xác của thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng và sức khỏe của người dân.

Vì vậy, đại biểu Vẻ nhấn mạnh, hoạt động “Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn” phải được xác định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và cần được bổ sung trong danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 của Luật đầu tư năm 2014.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn