Động đất như tận thế ở Nepal: Người Việt thoát chết hi hữu thế nào?

Thời sựThứ Hai, 27/04/2015 07:05:00 +07:00

Nhiều người Việt Nam đã có mặt tại Nepal khi trận động đất mạnh mạnh 7,8 độ Richter.

Nhiều người Việt Nam đã có mặt tại Nepal khi trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra. 

Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 25/4 tại Nepal đã khiến hơn 1.800 người thiệt mạng và ước tính con số này còn có thể gia tăng. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho biết, trận động đất xảy ra ở khu vực nằm giữa thành phố Pokhara và thủ đô Kathmandu. Thời điểm xảy ra trận động đất, có khá nhiều người Việt Nam đang có mặt tại Nepal. 

Nguyễn Thị Hải Yến, sinh viên Đại học FPT là một trong những người chứng kiến dư chấn của trận động đất kinh hoàng. Được biết, Nguyễn Thị Hải Yến cùng nhóm bạn từ Hà Nội và TP HCM đã bay sang Nepal để du lịch leo núi. Sau khi hạ cánh ở thủ đô của Nepal, cả đoàn tung tăng ngắm phố trước khi lên xe di chuyển về Pokhara.

“Lúc động đất, mọi người ở cách tâm chấn khoảng 80 km. Đột nhiên xe rung lắc dữ dội nhưng mọi người không hề nghĩ là do động đất và cứ tưởng có ai ở ngoài đẩy xe trêu trọc thôi. Được khoảng một phút thì mọi người mới bảo nhau xuống xe”, Yến kể.

 Một phụ nữ sống sót được cứu sống từ đống đổ nát ở thị trấn Dharara. Ảnh: Reuters 
Trong khi đường rung lắc dữ dội, những ngọn núi xung quanh cũng sạt lở rất nhanh. “Đặt chân xuống đất ai cũng chao đảo. Ngọn núi trước mặt sạt lở, bụi tung mù mịt. Những tảng đá to rơi xuống đường”, Yến nhớ lại.

Khi ổn định, cả đoàn lên xe di chuyển tiếp thì đất đá đã ngổn ngang trên đường và nhiều đoạn không đi được. Xe cộ hầu như đều dừng lại và người dân túa hết ra đường. 

“Em nghĩ nếu đi sớm hơn 5 phút thôi, cả đoàn sẽ không may mắn đến Pokhara an toàn”, nữ sinh FPT cho hay.

Hiện Yến và nhóm bạn 10 người từ Việt Nam đã an toàn ở Pokhara, cách thủ đô Kathmandu, tâm chấn của động đất 7,9 độ richter, khoảng 30km. Theo Yến, cùng nhập cảnh ngày 25/4 có 2 đoàn khác từ Việt Nam sang nhưng hiện mới nhận thông tin an toàn từ một trong 2 nhóm ấy.

Trong khi đó, chị Lê Kim Chi, một nhà thiết kế Việt Nam đang du lịch tại Nepal cũng chưa hết cảm giác bàng hoàng khi chứng kiến trận động đất. "Cảm giác sợ hãi, hốt hoảng vẫn chưa rời khỏi tâm trí tôi dù chỉ một phút, từ sau trận động đất 7,9 độ Richter,” chị Chi nói.

Chị Lê Kim Chi kể, vào trưa 25/4, chị và nhóm bạn đang ở thành phố Pokhara. Khoảng 11h trưa, chị cảm thấy dưới chân bất ngờ rung chuyển mạnh.

"Chúng tôi nhìn nhau và cảm giác như trong phút chốc mọi người đều im lặng đứng chết trân, bàng hoàng vài giây chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì nghe thấy quá nhiều tiếng la hét", Kim Chi nhớ lại. 

 Thành cổ Patan còn tấp nập du khách vào chiều 24/4 nhưng trở nên hoang tàn sau trận động đất ngày 25/4. Ảnh: Lê Kim Chi
Chị cho cho biết, nhiều ngôi nhà ở ngọn đồi phía trước đổ sập, khói bụi mịt mù. Sau cơn động đất đầu tiên, hai đợt dư chấn tiếp tục xảy ra và kéo dài vài phút. "Tâm trí chúng tôi căng như dây đàn suốt chặng đường hơn 100 km về Pokhara. Dọc đường đi nhìn thấy đông người dân nằm ngồi ở ngoài đường", Kim Chi nói. 

Lê Kim Chi cho biết, đây là chỉ thị của chính quyền địa phương trong những khu vực bị ảnh hưởng để giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Sáng 26/4, Kim Chi  cho biết cô và nhóm bạn vẫn an toàn sau trận động đất kinh hoàng. 

"Ý nghĩ lớn nhất trong đầu tôi lúc này: Cuộc sống vô thường, mọi sự tranh đấu của con người cũng chỉ như hạt cát nằm trên lòng bàn tay của tạo hóa... Sống được trên đời ngày nào hãy sống cho trọn tâm trọn sức. Chỉ một tích tắc thôi mọi thứ có thể vỡ nát. Còn gì để mà tiếc, mà thương," Lê Kim Chi chia sẻ.

Chị Chi cho biết thêm: “Theo tôi biết có 3 nhóm du khách Việt. Một nhóm đến Pokhara từ chiều 25/4 trước nhóm của tôi. Một nhóm 2 bạn gái người Việt vẫn đang ở Kathmandu và một nhóm tôi biết là đã rời Kathmandu sáng nay.” 

Ngày 26/4, Hà Trung Hiếu - một người Việt leo bộ trên một ngọn núi cạnh Everest cho biết rung lắc vẫn tiếp tục tàn phá nhà trên núi sau trận động đất 7,8 độ Richter ở Nepal. Phương tiện duy nhất để trở về thủ đô lúc này là trực thăng cứu hộ.  

"Lúc đó mình đang trong một quán ăn trên đường đi, đá lở sập một góc nhà vệ sinh. Nhưng lúc đó bão tuyết mạnh, kiệt sức, sốc độ cao, cũng không biết tin gì về động đất ở Kathmandu nên chẳng ai nói được gì. Sau đó, mình tiếp tục trek (leo núi). Đến giữa đường mới biết tin nhưng không thể quay về được nữa, cố đi tiếp lên trạm nghỉ này, rồi kẹt tới bây giờ ở trạm Lobuch," Hà Trung Hiếu nói về thiên tai hôm 25/4.

Do ảnh hưởng của động đất, trạm Lobuche cách khu trại nền Everest bị lở tuyết chôn vùi khoảng 4 tiếng leo bộ. Trại nền này đã bị tuyết san phẳng, và theo Hà Trung Hiếu cho biết, 7 người đã chết vì sự cố này. 

 "Cơn rung lắc lại tiếp tục và toà nhà ngay 10m cạnh khu nhà của tôi...", Hiếu hôm nay chia sẻ trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: Hà Trung Hiếu
Hiếu cho hay tình hình sức khoẻ của anh vẫn ổn dù không khí khá loãng. Trạm Lobuche có chỗ ngủ ấm, có đồ ăn và wifi nhưng không ổn định. Tuy nhiên, dư chấn động đất vẫn còn. Cơn rung lắc tới ngày 26/4 vẫn tiếp tục và tàn phá một toà nhà cách khu anh đang trú chỉ 10m.

Hiếu và mọi người đang cố gắng tìm cách bay về sớm nhất có thể nhưng mọi phương tiện liên lạc và giao thông tạm thời bị cắt đứt, nhiều toà nhà và công trình bị phá huỷ. "Tình hình tệ lắm. Ngay cả đội cứu hộ ở đây cũng không biết phải làm gì và chuyện gì sẽ xảy ra", Hiếu cho biết. 

Video: Hoảng loạn sau trận động đất ở Nepal

quocte/2015/04/26/Video-ng-t-kinh-hong-Nepal-1430037583.mp4&stream=pseudo" src="https://vtcnews.vn/static/swf/player.swf" type="application/x-shockwave-flash" height="350" width="500">

Trong khi đó, chị Võ Thị Kim Cương, chủ chuỗi nhà hàng Việt Nam ở Kathmandu cho hay, trong đêm 25/4, chị và gia đình phải trải nệm và mền ra mái hiên ngủ chứ không dám ngủ trong nhà.

Tuy nhiên, ra ngoài ngủ cũng không yên vì suốt đêm dư chấn xảy ra liên tục nên mỗi lần có rung động là mọi người lại hoảng hốt bật dậy bỏ chạy ra vườn. Chị cho biết nhiều người không may mắn phải ngủ ngoài đường, đúng nghĩa màn trời chiếu đất và chẳng ai dám vào nhà.  

Chưa nhận được tin có người Việt Nam thiệt mạng

Tin từ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, thông tin liên quan đến nạn nhân là công dân Việt Nam trong vụ động đất xảy ra ở Nepal hôm 25/4 đang được xác minh.

Cục Lãnh sự đề nghị ai có thông tin liên quan đến công dân Việt Nam có thể là nạn nhân của vụ động đất này thông báo ngay theo số điện thoại của đường dây nóng phục vụ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài +84 981848484; +84 4 62 844 844 hoặc liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (+911126879852) và Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh (+88-02-9854052). 

Video: Đường tách đôi vì động đất ở Nepal


Ngày 26/4, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal Trần Quang Tuyến cũng khẳng định chưa có thông tin về người Việt Nam lâm nạn trong vụ động đất ở Nepal.

Ông Trần Quang Tuyến cũng kêu gọi người dân có thân nhân đang kẹt ở Nepal chủ động gọi điện cho Đại sứ quán. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal hiện cũng đang liên lạc với cơ quan chức năng ở Nepal để cập nhật tình hình. 

Cũng theo ông tuyên thì điều đáng lo ngại nhất là khả năng có người Việt Nam leo núi ở dãy Himalaya. Một số tờ báo nước ngoài cho hay, có ít nhất 2 người leo núi Việt Nam thiệt mạng nhưng hiện phía Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal chưa có đủ bằng chứng để khẳng định thông tin này là đúng.

Minh Quyết (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn