Dồn dập chất vấn Phó Thủ tướng về thiếu điện, cắt điện

Thời sựThứ Bảy, 12/06/2010 07:34:00 +07:00

(VTC News) – Các ĐBQH đã khiến nghị trường nóng lên khi dồn dập chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng quanh việc thiếu điện, cắt điện luân phiên.

(VTC News) – Phiên chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đại đa số ĐBQH dồn dập băn khoăn thắc mắc xung quanh việc thiếu điện, cắt điện luân phiên đang diễn ra như… thời sự.

Sáng nay (12/6), 3 ĐB đầu tiên mở màn phiên chất vấn liên tục đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng về tính trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên, trách nhiệm thiếu điện do đâu...


Thiếu điện do thiếu tiền hay thiếu quyết tâm?

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) bày tỏ bức xúc trước tình trạng cắt điện luân phiên, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân trong ngày hè oi bức. ĐB Cuông cho biết, ông đã phản ánh kiến nghị về tình trạng này trong nhiều kỳ họp Quốc hội nhưng đến nay không cải thiện mà còn căng thẳng hơn.

ĐB Cuông đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp khắc phục tình trạng này trước mắt và lâu dài?

Cùng chung sự quan tâm về thiếu điện, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi, thiệt hại từ việc thiếu điện, cắt điện ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế trong khi dự báo 20 năm nữa nước ta vẫn thiếu điện. “Phó Thủ tướng làm rõ thiếu tiền hay thiếu quyết tâm?” – ĐB Minh đề nghị.

Phần chất vấn của mình, ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) ghi nhận, nhiều cử tri cho rằng nhiệm kỳ 12 là nhiệm kỳ với những quyết sách lớn, đối phó với suy giảm kinh tế. Còn 1 năm nữa  kết thúc nhiệm kỳ của Quốc hội và Chính phủ, nhiều vấn đề được xử lý có hiệu quả nhưng cử tri cũng đặt câu hỏi “vì sao kinh tế phát triển, ngân sách tăng mà người dân vẫn phải chịu cắt điện luân phiên?”

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng (Ảnh: Chinhphu.vn) 
Giải đáp nội dung trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, những năm vừa qua tốc độ tăng trưởng ngành điện là 13-15%, có lúc tới 16%. Trong 3-4 năm gần đây ngành điện vẫn tăng trưởng 13-14% - “câu chuyện này nói lên vấn đề ngành điện tăng trưởng nhưng vẫn thiếu điện là do nguyên nhân chúng ta kêu gọi đầu tư còn chậm, công tác quản lý đầu tư và quan hệ giữa người đầu tư và người cung ứng điện, bán điện chưa triệt để.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, chúng ta chậm trong việc đổi mới thiết bị, trang thiết bị sử dụng điện trong tiêu dùng và máy móc trong sản xuất vẫn sử dụng những thiết bị vừa lạc hậu vừa tốn điện.

“Chúng ta không thể thay đổi trong thời gian ngắn được, các nhà máy thiết bị từ thi công, sản xuất, chế biến trên toàn bộ nước ta tốn quá nhiều điện. Việc sử dụng tiết kiệm điện từ công viện tới công sở, từ quốc lộ tới gia đình, từ sử dụng điện trong sinh hoạt của người dân cho tới việc tìm biện pháp để đổi mới công nghệ… nói chung, ý thức sử dụng điện chưa thật là tiết kiệm” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ rất quan tâm việc tổ chức lại ngành điện từ đầu tư tới phân phối. “Chúng ta có tập đoàn điện lực có tác động điều phối ngành điện, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết tình hình thiếu điện”.

Trả lời câu hỏi trách nhiệm thiếu điện ở đâu? Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn trả lời: “Ở Chính phủ, Thủ tướng, các đồng chí giúp việc cho Thủ tướng và trực tiếp là trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực (EVN). Thủ tướng đã liên tục kiểm điểm vấn đề này".

“Thiếu điện có phải vì nuông chiều ngành điện?”

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của đại diện Chính phủ, cả 3 ĐB đều tiếp tục tái chất vấn.

ĐB Lê Văn Cuông thẳng thắn đề nghị Phó Thủ tướng nói rõ hơn về nguyên nhân cắt điện, thiếu điện? ĐB này băn khoăn, hay là Chính phủ đang nuông chiều ngành điện, để khi tăng giá thì nói là lỗ mà khi thưởng thì nói là lãi, người dân chưa kịp đóng tiền điện thì phạt trong khi cắt điện của người dân thì không chịu trách nhiệm gì…

Cùng với đó, đề nghị Phó Thủ tướng nêu rõ hướng khắc phục tình trạng trên. Dẫn chứng về “nỗi khổ mất điện” của người dân, ĐB Cuông nhấn mạnh, xưa có thể dùng quạt mo, đèn dầu nhưng giờ không quay lại như thế được – ngành điện suy nghĩ gì về sự nhập nhằng này.

Việc “cứu cánh” thế nào cũng chưa rõ, ĐB Cuông gợi ý “nên chăng Nhà nước bổ sung những trạm điện diezen để nếu thiếu điện thì phụ tải này sẽ bù đắp còn hơn là để người dân khốn khổ”. Hay “doanh nghiệp cũng mua máy phát điện dự phòng để chia lửa với dân, chứ không thể dồn hết điện cho doanh nghiệp được”.

ĐBQH Ngô Văn Minh (Ảnh: TTXVN) 
Tái chất vấn của ĐB Ngô Văn Minh cho rằng, nguyên nhân thì Phó Thủ tướng đã nói “nhưng theo tôi chưa rõ lắm”.

ĐB Minh nhìn nhận, phải nói đúng là đầu tư ngành điện chưa tương xứng với nhu cầu sử dụng điện trong cả nước, Bộ Công thương đã nói ngành điện không chịu mua giá cao ngoài ngành sản xuất, do đó càng thiếu trầm trọng hơn…

Về giải pháp căn cơ nhất, theo ĐB Minh, nên tập trung vào đầu tư nguồn điện, không thì 20 năm nữa đất nước vẫn thiếu điện thì làm sao CNH – HĐH đất nước. “Nhân dân rất lo lắng, nếu chúng ta dự báo được thì chúng ta lo trước đi, giống như dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh (ĐSCT) chúng ta lo 20 năm nữa không có cái đi lại – tôi nghĩ lo điện cần thiết hơn nhiều” – ĐB Minh nhấn mạnh.

Còn ĐB Vũ Quang Hải cho rằng, chúng ta tăng trưởng ngành điện 13-15% nhưng người dân vẫn phải chịu cắt điện luân phiên rất nhiều năm, Chính phủ nên chỉ đạo ngành điện quan tâm hơn, thiếu điện mà xử lý không công bằng thì người dân thiệt thòi nhiều hơn..

Tiếp tục đăng đàn làm rõ ý của các ĐBQH, Phó Thủ tướng cảm ơn các ý kiến đóng góp, ông không đồng tình với ý kiến của ĐBQH cho rằng Chính phủ nuông chiều ngành điện, Phó Thủ tướng cho biết, những đơn vị làm chưa tốt đều bị kiểm điểm.

Sau 3 ĐB kiên trì chất vấn đến cùng, các ĐB tiếp theo vẫn tiếp tục dành sự quan tâm cho ngành điện và đề nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng làm rõ.

ĐB Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) chỉ dành 1 câu duy nhất với Phó Thủ tướng, ĐB Thời chia sẻ với việc thiếu điện năng của ngành điện, tuy nhiên, ĐB này tha thiết đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và ngành điệnthông báo cắt điện trước 6 tháng đến 1 năm.

Còn ĐB Phạm Thị Loan cũng dành câu hỏi cho Phó Thủ tướng: tại sao nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư vào ngành điện? Tại sao ngành điện không hoạt động theo cơ chế thị trường? Phó Thủ tướng thừa nhận, điện đúng là nhiều vấn đề, nhưng dự báo 6 tháng thì khó. Cùng với đó, sự phối hợp giữa nhà sản xuất và ngành điện chưa tốt.

“Từ nay đến cuối năm, khắc phục việc thiếu điện là nhiệm vụ trọng tâm của của ngành điện, Bộ Công thương, Chính phủ. Việc sản xuất và phân phối điện cũng đang chuyển dần sang cơ chế thị trường” – Phó Thủ tướng nói.

Chất vấn của ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) về việc Phó Thủ tướng có yên tâm với dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh không? Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Yên tâm rằng Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sẽ tính được để làm, chúng ta không thể không làm ĐSCT, làm kiểu gì thì sau khi có ý kiến của Quốc hội thì sẽ làm”.

Về ý kiến cho rằng làm ĐSCT dài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dài nhưng nhiều đoạn bởi “có phải là từ Quảng Bình mà nhảy máy bay ra Hà Nội được đâu”. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, thực hiện dự án ĐSCT Hà Nội – TP Hồ Chí Minh cũng không phải dừng lại việc khác, vừa làm đường bộ cao tốc, đường bộ mở rộng, đường đê và đường giao thông ven biển… “Các đồng chí nói nàng tiên tiền đâu: với đà tăng trưởng hiện nay, GDP bình quân đầu người đến 2050 dự kiến lên đến 20.000 USD (hiện đang ở mức 1.200 USD). Nếu lấy ngưỡng an toàn vay nợ là 50% GDP, đến 2020 ta có thể vay 150 tỷ USD mà vẫn an toàn” – Phó Thủ tướng lạc quan.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn