Độc đáo lễ Pơ thi của đồng bào Tây Nguyên

Đời sốngChủ Nhật, 30/01/2022 17:04:00 +07:00
(VTC News) -

Lễ Pơ thi được tổ chức ròng rã suốt 3 ngày 3 đêm, người tham gia được quây quần bên đốm lửa, những điệu múa xoang và chuếnh choáng với men say của ché rượu cần.

Trong đêm vọng, bên ánh lửa bập bùng cùng làn khói tỏa ma mị, người ta sẽ đắm chìm trong âm điệu cồng chiêng với vũ điệu xoang hoang dã, ngập tràn trong chuếnh choáng men rượu với hồn ma cho tới tận sáng tinh sương để rồi chia tay vĩnh viễn.

Tập tục trăm năm

Đối với bà con các dân tộc Tây Nguyên, ý niệm về Tết hiểu theo nghĩa Tết Nguyên đán của người Việt thì không có. Tết của bà con nơi đây có thể gọi là mùa lễ hội, bởi nó không được định sẵn ngày giờ, không có thời hạn mà kéo dài suốt nhiều tháng trời, cuối mùa thu hoạch nương rẫy.

Bắt đầu từ lễ hội “rước Mẹ Lúa về kho - mừng lúa mới” cho đến “lễ đóng cửa kho”, cũng là mùa hoa cúc quỳ vàng rực khắp nơi nơi, ấy là mùa nông nhàn. Sau “lễ đóng cửa kho” là hàng loạt lễ hội lớn nhỏ khác như chọn bến nước, làm nhà mới, đặc biệt là nhà rông. Sau cùng là lễ Pơ thi hay còn gọi là lễ bỏ mả, đây là lễ hội trung tâm của tất cả các lễ hội.

Độc đáo lễ Pơ thi của đồng bào Tây Nguyên - 1

Lễ Pơ thi (bỏ mả) là lễ hội trung tâm của tất cả các lễ hội tại Tây Nguyên. (Ảnh: Hiền Mai)

Vào khoảng tháng 1 đến tháng 4 dương lịch hàng năm, các buôn làng người Jrai ở Tây Nguyên rộn ràng tổ chức lễ Pơ thi. Pơ thi là lễ hội tiễn đưa các linh hồn về với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi mới, tách biệt giữa người sống với người chết. Đây được xem là một trong những lễ hội quy tụ gần như đầy đủ những giá trị văn hóa đặc sắc nhất trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Và cũng là dịp để những người con trong buôn làng tụ tập lại ngồi lại với nhau, dâng lên tổ tiên những thứ đã thu hoạch trong năm qua hay những ghè rượu cần quý được ủ lâu năm.

Người Jrai quan niệm, một người trong làng khi qua đời sẽ được chôn trong ngôi mộ tạm. Hằng ngày, người thân trong gia đình đến cho người chết "ăn uống" qua chiếc ống cắm sâu xuống mộ. Họ tin rằng, khi chưa làm lễ bỏ mả cho người thân, thì dù đã chết, người thân vẫn còn lai vãng đâu đây, cũng cần ăn uống và về nhà giúp đỡ gia đình. Họ chỉ thực sự sang thế giới bên kia khi được làm lễ bỏ mả.

Độc đáo lễ Pơ thi của đồng bào Tây Nguyên - 2

Tượng gỗ được cắm xung quanh nhà mồ.

Để chuẩn bị chia tay người chết trong lễ Pơ thi, người dân thường vào rừng lấy gỗ, tre, mây, song, cỏ tranh mang về dựng các phần của nhà mồ. Theo tập tục, làm nhà mồ là công việc của đàn ông, phụ nữ chỉ tham gia phục vụ cơm nước. Công việc làm nhà mồ được thực hiện ngay tại khu nghĩa địa. Thường thì người Jrai chuẩn bị cả tuần, đôi khi kéo dài cả tháng mới xong nhà mồ. Người dân trong bản sẽ cùng giúp đỡ gia chủ dựng nhà mồ.

Người sống sau đó sẽ mang tài sản được phân chia tại nhà ra nhà mồ chôn cùng, bao gồm những đồ vật quý như chiêng, choé, vòng cườm, lục lạc đến các vũ khí, công cụ sản xuất. Số của cải này tùy thuộc vào sự giàu nghèo của mỗi gia đình mà người chết được chia khác nhau.

Ngoài ra, có một thứ đặc biệt người sống làm cho người chết những bức tượng gỗ cắm xung quanh nhà mồ. Người chết già thì tạc hình người ngồi chống cằm ngụ ý già yếu, hay ngồi hút thuốc hàm ý suy tư, còn trẻ em thì tạc hai đứa bé ôm nhau đùa giỡn. Tại một số vùng, người Jrai tạc tượng nam nữ giao hoan, mang ý nghĩa phồn thực, khát vọng về sự sinh sôi nảy nở. Điều đó như một sự tất yếu của tạo hóa, có sự sống và có cái chết.

Sau 1 đến 3 năm thì gia chủ sẽ làm lễ bỏ mả. Nhà nào nghèo thì thường chỉ “nuôi ma” 1 năm là bỏ mả, nhà giàu hơn thì có thể kéo dài đến 3 năm. Bởi đây là nghi lễ lớn và tốn kém nên các gia đình cần có sự chuẩn bị kỹ càng.

Độc đáo lễ Pơ thi của đồng bào Tây Nguyên - 3

Lễ Pơ thi sẽ được diễn ra trong suốt 3 ngày 3 đêm. 

Trò chuyện với chúng tôi, già làng Rơ Châm Đo (làng Pleikep Ping, xã Ia Mnông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết, trong thời gian từ 1 đến 3 năm để tang, người nhà không được mặc áo mới, dùng đồ tốt, không được đi chơi. Đó là luật lệ nghiêm ngặt mà cộng đồng người Jrai rất coi trọng. Chỉ khi làm lễ bỏ mả xong thì mới xem như mãn tang.

“Làm lễ bỏ mả có khi tốn kém cả trăm triệu nhưng ai nấy đều vui vẻ. Những gia đình bỏ số tiền lớn ra tổ chức đều cho rằng đây là số tài sản chia cho người thân đã ra đi nên không hề lấy làm tiếc”, già Rơ Châm Đo nói.

Lễ 3 ngày 3 đêm

Lễ Pơ thi được tổ chức ròng rã suốt 3 ngày 3 đêm. Trong suốt khoảng thời gian này, người tham gia sẽ được quây quần bên đốm lửa, bên những điệu múa xoang của các chàng trai, cô gái Jrai và bên hương say mê của ché rượu cần.

Độc đáo lễ Pơ thi của đồng bào Tây Nguyên - 4

Cồng chiêng là phần không thể thiếu trong lễ Pơ Thi. (Ảnh: Hiền Mai)

Đêm đầu tiên của lễ Pơ thi – ngày vào nhà mả, người dân trong làng sẽ bắt đầu đổ về khu nhà mồ với những bình rượu ghè đầy ăm ắp, thanh niên trong dòng họ bắt đầu thắp lên những ánh lửa, tiếng chiêng ngân lên vang vọng bốn phía. Những làng khác chỉ cần nghe tiếng chiêng là kéo nhau đem rượu ghè, thịt lợn đến.

Với họ, cái ngày buồn vì người chết đã qua rồi, Pơ thi là ngày vui không chỉ của gia chủ mà còn của cả làng, cả xã, rồi họ quây quần bên nhau quanh những ghè rượu ngọt nồng. Đàn ông hay đàn bà, người già hay người trẻ không còn quan trọng nữa, tất cả cùng hòa vào nhau trong điệu nhảy xoang bên ánh lửa bập bùng.

Sau lễ bỏ mả, người sống sẽ không còn ràng buộc với gì người chết, chấm dứt việc hàng ngày cơm nước cho người chết. Thay vào đó, những nô lệ của nhà mồ sẽ đến phục vụ, hầu hạ người đã khuất.

Già làng Rơ Châm Đo

Nửa đêm, trâu bò bắt đầu được đưa đến cột vào những cây cọc gỗ đã cắm thật sâu xuống đất. Khi mặt trời đang mấp mé ở ngọn núi phía Đông, những trai tráng trong làng sẽ được huy động để đập số trâu, bò này hiến cho người chết. Lễ đập trâu, bò như một hành động tỏ lòng thành kính, tri ân cho người thân đã mất đi của mình.

Trời về khuya, lễ Pơ thi mới bước vào những nghi lễ chính thức. Giữa không gian mờ ảo, đoàn người đi xung quanh nhà mồ đánh lên khúc cồng chiêng lúc trầm lúc bổng, vang vọng cả không gian. Khi chủ tế vừa dứt lời khấn, tiếng cồng chiêng cũng ngưng bặt thì tất cả mọi người cùng nhau ngồi sụp xuống, tay ôm mặt và cất lên những tiếng khóc thương tiếc cũng là tiếng khóc tiễn biệt với hồn ma của người đã khuất.

Độc đáo lễ Pơ thi của đồng bào Tây Nguyên - 5

Người tham gia sẽ quây quần bên nhau quanh những ghè rượu ngọt nồng. 

Trong men say chuếnh choáng, già làng Rơ Châm Đo giải thích: “Sau lễ bỏ mả, người sống không còn ràng buộc gì với người chết nữa, chấm dứt việc cơm nước cho người chết hằng ngày. Thay vào đó, đã có những nô lệ của nhà mồ đến phục vụ, hầu hạ người chết. Đó chính là những Pram. Chỉ đúng vào giữa trưa, khi mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu, người ta mới có cơ hội để “chạm mặt” được với những Pram. Qua thời khắc này, Pram sẽ biến mất, trở về với thế giới khác để phục vụ những người chết lúc này đã được tái sinh”.

Chưa bao giờ, trong lễ hội lại thấy nhiều người khóc và cũng lắm người cười đến thế. Không ai còn tỉnh. Dẫu vậy, họ vẫn không rời cần rượu. Họ vừa uống rượu, vừa hát dân ca, kể chuyện rì rầm suốt đêm cho tới sáng bên nhà mồ, trong tiếng chiêng trống càng lúc càng chậm rãi, thầm thì như lời của người với đất, với đại ngàn.

HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp