Doanh nghiệp cắt giảm lao động, BHXH các tỉnh, thành phía Nam khó về đích

An SinhThứ Bảy, 25/11/2023 16:27:00 +07:00
(VTC News) -

BHXH TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương khó hoàn thành kế hoạch năm 2023 vì doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, cắt giảm lao động do ảnh hưởng suy thoái kinh tế.

Ngày 25/11, tại TP.HCM, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh làm việc với BHXH 11 tỉnh, thành khu vực phía Nam về thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong thời gian còn lại của năm 2023.

Nhiều địa phương gặp khó

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, đến cuối năm 2023, dự kiến chỉ tiêu BHYT khả năng không đạt được. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có một số doanh nghiệp quy mô lớn đã cắt giảm lao động khá nhiều.

Theo ông Hiệp, đến cuối năm 2023, TP.HCM còn phải phát triển thêm 400 nghìn người mới đủ chỉ tiêu về BHYT được giao, khó hoàn thành được.

Ngoài ra, chi phí khám chữa bệnh BHYT của TP.HCM trong 10 tháng của năm 2023 tăng trên 20%, với gần 17 triệu lượt khám chữa bệnh, 2 tháng cuối năm 2023 ước vượt dự toán khám chữa bệnh trên 1.400 tỷ đồng. Nguyên nhân là số thẻ BHYT hộ gia đình tăng, lượt bệnh nhân và số lượt thông tuyến khám chữa bệnh tăng.

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Trần Đức)

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Trần Đức)

Trong khí đó, ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, một số địa phương của Đồng Nai trước đây thu hút số lượng lớn lao động di cư từ các tỉnh về sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, nhiều tỉnh miền Tây, miền Trung và các tỉnh lân cận đều đã phát triển công nghiệp nên trong những năm gần đây xảy ra hiện tượng dịch chuyển lao động về quê, khiến nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

Đặc biệt, có 10 doanh nghiệp quy mô lớn của Đồng Nai thu hút nhiều lao động, song nay phải cắt giảm lao động khá lớn, là bài toán nan giải trong việc phát triển BHXH bắt buộc”, ông Phạm Minh Thành nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thành, từ đầu năm 2023 đến nay, Đồng Nai tăng mới 1.524 đơn vị với 10.692 lao động tham gia BHXH nhưng cũng có 859 đơn vị với 6.373 lao động ngừng đóng BHXH.

Vì vậy, để hoàn thành chỉ tiêu được giao, theo ông Phạm Minh Thành, BHXH tỉnh Đồng Nai còn phải phấn đấu phát triển 37.000 người tham gia BHXH bắt buộc, trên 8.000 người tham gia BHXH tự nguyện và 113.000 người tham gia BHYT.

Còn theo lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Dương, có 3 chỉ tiêu rất khó đạt được đến cuối năm 2023, đó là tăng thêm 48.000 người tham gia BHXH bắt buộc, 7.000 người tham gia tự nguyện và khoảng 80.000 người tham gia BHYT.

Theo BHXH tỉnh, doanh nghiệp tại Bình Dương có 50% lao động ở các ngành nghề như gỗ, may mặc, da giày... trong đó nhiều doanh nghiệp đã sụt giảm lao động. Trong bối cảnh đó, BHXH tỉnh đã và đang tăng cường công tác tham mưu, làm việc với các tổ chức dịch vụ thu và ra quân tuyên truyền, vận động những lao động bị mất việc làm tham gia BHXH tự nguyện.

Trong thời gian còn lại của năm 2023, mặc dù tình hình ở một số địa phương khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gặp khó khăn, song lãnh đạo BHXH nhiều địa phương cho biết, đội ngũ CBVC của BHXH địa phương sẽ đoàn kết, nỗ lực cao nhất thực hiện nhiệm vụ được giao, với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2023.

Ông Nguyễn Công Chánh, Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang cho biết, BHXH tỉnh đã tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nên hiện số thu BHXH đạt được rất tốt.

Trong phát triển người tham gia, đến cuối năm 2023, tỉnh còn phải phát triển khoảng 6.000 người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, còn về BHYT phải phát triển 45.000 người tham gia. Hiện, BHXH tỉnh đang thực hiện các biện pháp tăng nhanh số người tham gia, phối hợp với Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tiến hành thanh tra trên 20 đơn vị SDLĐ và tăng cường công tác tham mưu.

Ông Đặng Hồng Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh An Giang cũng cho biết, đến cuối năm 2023, về chỉ tiêu BHXH bắt buộc, tỉnh cần phải phát triển thêm 3.700 người, BHXH tự nguyện hơn 6.000 người, BHYT hơn 66.000 người.

BHXH tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp, giao chỉ tiêu cho các tổ chức dịch vụ thu và đoàn thể chính trị xã hội, phấn đấu HSSV tham gia BHYT đạt 100%. BHXH tỉnh đã chủ động làm việc với các đơn vị, trong đó "nắm đơn vị có tóc" trước; đồng thời tập trung công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về Thông tư 21 về giá dịch vụ KCB để người dân tích cực tham gia BHYT.

Trong khi đó, ông Võ Khánh Bình, Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn đạt kết quả rất tốt. BHXH tỉnh đang tập trung các giải pháp để đến cuối năm 2023 phát triển khoảng 10.000 người tham gia BHXH bắt buộc và khoảng 6.400 người tham gia BHXH tự nguyện.

Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trần Đức)

Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trần Đức)

Tăng tốc để đạt mục tiêu

Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ nhận định, về nhiệm vụ phát triển người tham gia BHYT, khó nhất sẽ là TP.HCM và Bình Dương, một số địa phương khác cũng có nhiều khả năng không hoàn thành chỉ tiêu về BHXH.

Ông Hào đề nghị BHXH các địa phương cần tích cực rà soát dữ liệu, nhất là các dữ liệu được BHXH Việt Nam cung cấp, thu BHXH tự nguyện theo mức đóng linh hoạt. Với nhóm BHYT, tham mưu cho Ban Chỉ đạo các cấp có chính sách thực hiện, chỉ rõ nhóm đối tượng, nhất là các địa phương có dư địa người tham gia lớn.

Ông Dương Văn Hào cũng đề nghị BHXH các địa phương phía Nam cần tích cực đôn đốc các doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Đặc biệt, đối với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cần tăng cường nhận diện tình hình lách luật của các đơn vị sử dụng lao động không kê khai BHXH đúng. Nếu tại các doanh nghiệp có sự chênh lệch lớn lao động, thì đề nghị UBND tỉnh, thành phố thành lập đoàn thanh tra để xử lý và cảnh báo đến các doanh nghiệp khác.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cũng lưu ý một số địa phương có số chi khám chữa bệnh BHYT ngoại tỉnh lớn, vượt dự toán chi hoặc có xu hướng gia tăng số lượng KCB. Ông Phúc đề nghị BHXH các địa phương cần đẩy mạnh phòng chống trục lợi BHYT, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, cương quyết không để xảy ra tình trạng người bệnh phải mua thuốc BHYT bên ngoài hoặc tình trạng thu thêm tiền từ người bệnh BHYT.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao sự cố gắng của BHXH các tỉnh, thành phía Nam trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trần Đức)

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trần Đức)

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, thời gian còn lại của năm 2023 còn rất ít, đòi hỏi BHXH các địa phương phía Nam phải tăng tốc, thực hiện quyết liệt các giải pháp để góp phần cùng toàn ngành đạt được các mục tiêu chung.

Ông Mạnh cũng lưu ý 3 địa phương khu vực trọng điểm vùng Đông Nam Bộ là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có đặc thù chung là bị ảnh hưởng rất lớn bởi tình hình kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động và dự kiến sẽ rất khó hoàn thành các chỉ tiêu.

Tổng Giám đốc BHXH nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện tại, các chỉ tiêu an sinh xã hội cực kỳ quan trọng, đặc biệt là độ bao phủ BHXH, BHYT. Thực hiện chỉ tiêu thấp là chúng ta có lỗi với người dân, bởi chỉ tiêu phấn đấu không chỉ là thực hiện nhiệm vụ, mà còn có ý nghĩa to hơn là lo cho người dân.

THƯ CHÂU
Bình luận
vtcnews.vn