Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2022, người lao động được nghỉ mấy ngày?

Chuyện bốn phươngThứ Tư, 20/04/2022 11:27:00 +07:00
(VTC News) -

Người lao động được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động và Giải phóng miền Nam, vậy trên thực tế kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2022 kéo dài mấy ngày?

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tại điều 112: Người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày 30/4 và ngày 1/5 dương lịch. Như vậy vào dịp này, người lao động có ít nhất  2 ngày nghỉ liên tiếp được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. 

Trên thực tế, kỳ nghỉ này có thể dài hơn nếu gắn với dịp cuối tuần. Vậy kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2022 người lao động được nghỉ mấy ngày?

Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2022, người lao động được nghỉ mấy ngày? - 1

Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2022 người lao động được nghỉ mấy ngày?

Năm 2022, ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và ngày Quốc tế lao động lần lượt diễn ra vào thứ Bảy và Chủ nhật nên theo Điều 111 Bộ luật Lao động, người lao động được nghỉ bù vào các ngày làm việc của tuần kế tiếp. Những người làm việc theo chế độ nghỉ đủ thứ Bảy, Chủ nhật sẽ được nghỉ trọn 4 ngày trong dịp này, tính từ ngày 30/4 đến hết ngày 3/5/2022. Với khoảng thời gian này, các gia đình hoàn toàn có thể lên kế hoạch cho những chuyến du lịch xa. Những người có quê xa cũng dễ dàng đưa vợ chồng con cái về đoàn tụ với gia tộc.

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ 30/4 

30/4/1975 là ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Ngày đại thắng này làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, thống nhất đất nước. 

10h45 ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đến 11h30, cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 

Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2022, người lao động được nghỉ mấy ngày? - 2

Khoảnh khắc lịch sử của ngày 30/4/1975

Ngày 30/4/1975 là biểu tượng đáng tự hào của Việt Nam về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Việt Nam lúc đó là một nước nghèo, kinh tế kém phát triển và bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng vẫn kiên cường, đoàn kết để viết nên câu chuyện thần kỳ đánh đuổi chủ nghĩa đế quốc bằng chính sức mình. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam góp phần làm suy yếu thế lực của chủ nghĩa đế quốc xâm lược; trở thành động lực, nguồn cổ vũ to lớn cho cuộc chiến đấu giành độc lập tự do của các dân tộc bị đô hộ trên thế giới.

Ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là ngày cả nước cùng ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu nước và bài học về sức mạnh đoàn kết, một lòng.

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ 1/5

Năm 1884, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không kiếm cớ chối từ.

Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40.000 người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay, không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”.

Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cũng trong ngày hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340.000 công nhân tham gia. Ở Washington, New York, Baltimore, Boston..., hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ làm 8 giờ. 

Những cuộc biểu tình tại Chicago diễn ra ngày càng quyết liệt. Giới chủ đuổi công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt... Báo cáo của Liên đoàn Lao động Mỹ xác nhận: “Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc nổi dậy mạnh mẽ, toàn diện trong quần chúng công nghiệp đến như vậy”.

Ngày 20/6/1889, ba năm sau thảm kịch tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản lần II nhóm họp tại Paris (Pháp), quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. 

Từ đó, 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và người lao động toàn thế giới.

Năm 1920, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.

Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do, dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn.

Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục nghìn người đã diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới: thợ hoả xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo... 

Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động trở thành ngày hội lớn của nhân dân lao động Việt Nam. 

Minh Anh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp