‘Điểm mờ’ trong bức tranh tài chính của Tân Thuận IPC

Tài chínhThứ Tư, 26/08/2020 17:31:28 +07:00
(VTC News) -

Tân Thuận IPC nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về khoản tiền hơn 231,6 tỷ đồng cho công ty SPCT vay nhưng không chắc chắn khả năng thu hồi.

Báo cáo tài chính bán niên 2020 của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (Tân Thuận IPC) cho thấy IPC có khoản phải thu dài hạn hơn 231,6 tỷ đồng. Đây là khoản tiền Tân Thuận IPC cho Công ty cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT) vay theo thoả thuận tài trợ vốn theo tỷ lệ vốn góp vào SPCT ngày 29/1/2008.

‘Điểm mờ’ trong bức tranh tài chính của Tân Thuận IPC - 1

Tân Thuận IPC nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về khoản cho vay hơn 231,6 tỷ đồng tại SPCT. (Ảnh: IPC) 

Đáng chú ý, khoản vay này không có tài sản đảm bảo, không tính lãi và chỉ được hoàn trả sau khi SPCT hoàn trả toàn bộ các khoản vay dài hạn của ngân hàng hoặc chuyển đổi thành vốn góp vào SPCT tại bất cứ thời điểm nào.

Những điều khoản kỳ lạ này khiến Tân Thuận IPC nhận ý kiến ngoại trừ của cơ quan kiểm toán EY tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2019. EY cho hay không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi khoản cho vay dài hạn này. “Chúng tôi không thể xác định liệu có cần thiết điều chỉnh các khoản mục nói trên hay không và các ảnh hưởng nếu có đến báo cáo tài chính của công ty cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019”, báo cáo EY nêu.

Vẫn theo báo cáo bán niên, 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của Tân Thuận IPC âm hơn 68,1 tỷ đồng. Năm ngoái, dòng tiền kinh doanh của Tân Thuận IPC cũng âm hơn 68 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 390 tỷ đồng.

Nửa đầu năm nay, mặc dù doanh thu thuần sụt giảm mạnh song Tân Thuận IPC vẫn đạt lợi nhuận khá nhờ khoản thu nhập khác tăng đột biến.

Doanh nghiệp hiện cũng đang gánh khoản nợ phải trả hơn 917 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 533 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 384,5 tỷ đồng.

Tân Thuận IPC tiền thân là Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, được UBND TP.HCM thành lập năm 1993, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Đến năm 2010 thì công ty này được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận.

Vốn điều lệ của công ty (theo giấy chứng nhận đầu tư cấp đổi lần thứ 5 vào năm 2015) là hơn 2.926 tỷ đồng.

Ngành nghề kinh doanh của Tân Thuận IPC là kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng làm việc, kho bãi trong khu công nghiệp, kế thừa chức năng của chương trình công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận, đối tác Việt Nam trong Công ty TNHH Tân Thuận và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.

Ngoài ra, Tân Thuận IPC còn thực hiện các định hướng, mục tiêu chương trình, dự án đầu tư phát triển về xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng cho các khu chế xuất, khu công nghiệp và các cụm dân cư, khu đô thị mới tại TP.HCM và các địa phương khác.

Liên quan đến Tân Thuận IPC, ngày 14/5/2019, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc IPC Tân Thuận. Hai tội danh mà ông Tề Trí Dũng bị khởi tố là tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Tiếp đó, đầu tháng 12/2019, Uỷ ban Nhân dân TP.HCM ra quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tân Thuận IPC.

Tại thời điểm bổ nhiệm, ông Phạm Phú Quốc là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM. Cũng theo quyết định này của UBND TPHCM thì ông Quốc sẽ giữ chức vụ điều hành Tân Thuận - IPC trong vòng 5 năm.

Ông Quốc được truyền thông nhắc đến nhiều trong những ngày gần đây do liên quan đến việc sở hữu hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp).

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn