Điểm mặt 3 cửa ‘tử thần’ ở Hà Nội

Thời sựThứ Năm, 11/04/2013 06:30:00 +07:00

(VTC News) – Chốn vô luật pháp, chốn không vỉa hè và chốn đu dây thuyền vượt sông là 3 trong số những nơi trú ẩn thường xuyên nhất của ‘tử thần’ tại Hà Nội.

(VTC News) – Chốn vô luật pháp, chốn không vỉa hè và chốn đu dây thuyền vượt sông là 3 trong số những nơi trú ẩn thường xuyên nhất của ‘tử thần’ tại Hà Nội.

1. Chốn vô luật pháp

Vào cuối năm 2012, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo từng yêu cầu các đơn vị liên quan bảo đảm an toàn giao thông tuyến đường trên cao - trên cầu cạn Linh Đàm - Mai Dịch (Hà Nội). Ông Thảo cũng yêu cầu các vi phạm phải bị xử lý ở mức cao nhất.

Thế nhưng, theo ghi nhận mới đây của PV VTC News, tại các điểm dẫn lên tuyến đường trên cao, bất chấp có biển báo cấm, nhiều xe máy vẫn ngang nhiên đi vào đường cấm trong khi nhiều xe khách dừng trả khách ngay giữa đường.

Tình trạng này diễn ra công khai trong thời gian qua. Tại các điểm đường dẫn lên xuống cầu cạn là điểm trả khách thường xuyên của các xe khách ngoại tỉnh cho nên một đội ngũ xe ôm luôn túc trực tại đây để đón khách xuống xe. Ngay khi các xe khách vừa tới, đội quân xe ôm lao đến chèo kéo khách đi xe.

Chốn vô luật pháp
Tại các điểm đường dẫn lên xuống cầu cạn là điểm trả khách thường xuyên của các xe khách ngoại tỉnh cho nên một đội ngũ xe ôm luôn túc trực tại đây để đón khách xuống xe (Ảnh: Quang Minh) 

Việc đón trả khách trái phép diễn ra thường xuyên tại đây và chưa được lực lượng chức năng xử lý nghiêm khiến cho các điểm đường dẫn lên cầu cạn trở thành bến xe khách bất đắc dĩ, gây mất trật tự giao thông trên cầu. Không những thế, xe máy, xe ba gác lưu thông khá nhiều, mặc cho đường này chỉ dành riêng cho tô tô.


Trung tá Nguyễn Mạnh Dầu – Đội phó Đội CSGT số 14, Phòng CSGT đường bộ đường sắt, Công an TP Hà Nội cho hay, nhận được phản ánh của VTC News, trực tiếp lãnh đạo đội đã xuống kiểm tra, chỉ huy công tác xử lý vi phạm.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi cũng đã có phương án cùng với công an phường, quận kiểm tra, xử lý đối với những xe ôm đỗ trên đường cao tốc, cầu cạn. Những xe “không đủ điều kiện” sẽ bị tạm giữ”.

Tuy nhiên, đến ngày 9/4, bất chấp tất cả những lời cảnh báo cũng như sự lên tiếng của báo chí, “chốn vô luật pháp” vẫn ngập tràn cảnh tượng coi luật "bằng vung".

Trước đó trả lời phỏng vấn của VTC News, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, nếu chế tài xử phạt với những trường hợp tái phạm nhiều lần như thế chỉ quy ra tiền thì đúng là không đủ sức răn đe.

“Phải có các hình thức khác như tạm giữ xe một thời gian nhất định hoặc rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp có xe đó thì mới đủ sức răn đe”, ông Hiệp nhấn mạnh.

2. Chốn ‘không vỉa hè’

Đường Đê La Thành (Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với việc sản xuất và kinh doanh đồ gỗ, vật liệu sắt thép. Theo nghi nhận của PV VTC News, cả tuyến đường này không hề có vỉa hè. Hai bên đường các cửa hàng kinh doanh mọc san sát nhau, vỉa hè đã được trưng dụng để bày bán đồ gỗ và đồ sắt, hàng quán...

Không có vỉa hè, người đi bộ phải tràn xuống lòng đường để đi. Những khu vực vỉa hè không bị chiếm dụng để kinh doanh thì trở thành bãi đỗ xe, hay 'xưởng' gia công đồ gỗ, đồ sắt.
chốn không vỉa hè
Không lâu sau khi VTC News vào cuộc, Ủy ban nhân dân quận Đống Đa đã xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm trên tuyến này. 

Trong nhiều năm nay, việc hàn xì, gia công vật liệu sắt vẫn diễn ra 'ngang nhiên' tại tuyến đường này. Cửa hàng nào cũng bày đủ các loại máy hàn, cắt ra trước cửa.


Mạt sắt đỏ rực bắn tung tóe ra giữa đường khiến cho ai đi qua cũng có cảm giác bất an. Tiếng búa, tiếng cưa, cộng với những chiếc máy hàn xì 'phun lửa' hằng ngày, khiến cho nhiều người khiếp hãi khi đi qua tuyến phố này.

Vào khung giờ cao điểm, Đê La Thành là một trong những tuyến phố ùn tắc nhất Thủ đô hiện nay. Mặc dù lực lượng CSGT thường xuyên có mặt tại điểm này để phân làn, điều tiết giao thông tại điểm nút giao thông này nhưng việc tắc đường vẫn diễn ra hàng ngày.

Lý giải vấn đề này, ông Lê Hồng Quân – Đội trưởng đội thanh tra giao thông vận tải quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, khi có mặt lực lượng chức năng thì các vi phạm rất hạn chế, khi chúng tôi đi rồi, những hộ kinh doanh lại tiếp tục tái lấn chiếm vỉa hè để hành nghề.

“Với mức phạt về việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường theo Nghị định 34 của Chính phủ, phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng, có thể nói, đây là mức phạt rất cao trong khi các tang vật chúng tôi thu giữ của người vi phạm có giá trị không xứng với số tiền người dân phải bỏ ra nộp phạt nên nhiều khi chúng tôi gặp khó.

Mức phạt cao như vậy, đối với các trường hợp đã bị xử phạt, họ rất sợ, nhưng đối với những trường hợp nhỏ, lẻ, không áp dụng được mức xử phạt này, chúng tôi gặp khó khăn khi xử lý”, ông Quân nhấn mạnh.

Không lâu sau khi VTC News vào cuộc, Ủy ban nhân dân quận Đống Đa đã xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm trên tuyến này.

Hiện tại, nếu lưu thông qua đoạn đường này, các bạn sẽ thấy đường thông thoáng hơn rất nhiều nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng.


3. Chốn đu dây thuyền vượt sông

chốn đu dây thuyền vượt sông
Để tiết kiệm một đoạn đường dài, chẳng mấy ai màng đến sự nguy hiểm… (Ảnh: VnExpress) 

Chuyện tưởng chừng như là 'chuyện lạ' với nhiều người dân thủ đô nhưng lại là sự thật 100% đang diễn ra hàng ngày ở xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nơi đây có con sông Nhuệ ô nhiễm bốc mùi hôi thối nồng nặc chảy qua.


Không có cầu, mỗi khi muốn qua sông, người dân xã Mỹ Hưng phải đi trên chiếc thuyền nhỏ, cũ nát, vá chằng vá chịt. Đã rất nhiều năm nay, hàng nghìn lượt người, xe vẫn vượt sông bằng cái cách nghe qua như thể chỉ còn tồn tại ở vùng quê nghèo xa xôi nào đó.

Thực tế cũng có một con đường khác để qua sông. Đó là đi đường vòng (không qua đò), xa chừng hơn 20km, trong khi nếu đi thuyền chỉ mất 5km.

Chính vì vậy, phương án vượt sông bằng con đò cũ nát đu dây kia đối với nhiều người dân xã Mỹ Hưng vẫn là phương án tối ưu.

Theo những người dân nơi đây, chuyện lật đò xảy ra nhiều như cơm bữa. Thế nhưng để tiết kiệm một đoạn đường dài, chẳng mấy ai màng đến sự nguy hiểm…

Minh Quân (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn