Đi bộ trên quốc lộ, người đàn ông bị ô tô tông biến dạng ở Ninh Thuận: Ai đúng, ai sai?

Thời sựChủ Nhật, 14/07/2019 11:30:00 +07:00

Luật sư phân tích tính pháp lý trong vụ ô tô tông chết người đi bộ trên quốc lộ ở Ninh Thuận rồi bỏ chạy xảy ra vào ngày 12/7.

Rạng sáng 12/7, ông Lê Văn Thành (56 tuổi, trú tại thôn Nho Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) đang đi bộ trên quốc lộ 1A, đoạn gần ngã tư Văn Lâm, xã Phước Nam, thì bị ô tô tông chết.

Tại hiện trường, thi thể nạn nhân bị cán nát trải dài hơn 5m. Tài xế và ô tô gây tai nạn vẫn chưa được xác định vì bỏ trốn khỏi hiện trường.

Sau vụ tai nạn thương tâm, nhiều người lên án tài xế ô tô gây tai nạn khi bỏ mặc nạn nhân, tuy nhiên cũng có không ít ý kiến thắc mắc liệu ông Thành đi bộ trên quốc lộ là đúng hay sai.

Ngày 13/7, trả lời VTC News, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho biết, trong vụ tai nạn này cơ quan chức năng cần điều tra xem tài xế và người đi bộ có đi đúng luật hay không.

tai-nan-15629039572691978425564 4

Hiện trường vụ tai nạn khiến ông Thành chết tại chỗ, thi thể không còn nguyên vẹn. (Ảnh: TTXVN)

Theo luật sư, mạng lưới giao thông đường bộ được chia thành 6 hệ thống gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng. Đường cao tốc hay đường có kiểm soát lối ra vào là loại xa lộ được thiết kế riêng cho các phương tiện giao thông chạy với tốc độ cao.

Theo đó, pháp luật chỉ cấm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy... có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc (trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) chứ không cấm đi vào quốc lộ. 

"Nạn nhân Lê Văn Thành được phép đi bộ trên quốc lộ 1A. Tuy nhiên, ông Thành phải đi sát mép đường và chỉ qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn...  bảo đảm an toàn cho mình.

Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường...", luật sư Bình phân tích.

Cũng theo luật sư, nếu trong vụ tai nạn này, nạn nhân Thành là người đi sai, không tuân thủ các quy định trên thì theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2019, người đi bộ bị xử lý nghiêm như người lái phương tiện. 

Video: Tông chết cô gái đi xe máy, tài xế taxi xuống nhìn rồi bỏ đi gây phẫn nộ

Về trách nhiệm trước pháp luật của người đi bộ, nếu nạn nhân vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ xử lý hình sự và phải bồi thường thiệt hại và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Trong trường hợp này, nếu người đi bộ đi sai, do nạn nhân đã chết nên theo quy định tại Điều 157 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, nếu người này có tài sản để lại, những người thừa kế của nạn nhân có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường", luật sư Bình nhận định.

luat-su-diep-nang-binh

luat-su-diep-nang-binh

Nếu lỗi thuộc về người đi bộ thì đây có thể được xem là sự kiện bất ngờ và người tài xế không phải chịu trách nhiệm, còn nếu tài xế vi phạm luật giao thông dẫn đến tông chết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Diệp Năng Bình

Ngược lại, theo luật sư, nếu ông Thành chấp hành đúng luật giao thông đường bộ, mà xe ô tô chạy quá tốc độ tông trúng rồi không phát hiện hoặc tông xong thì bỏ đi là tình tiết tăng nặng hình phạt.

Tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

"Về vụ tai nạn trên, cơ quan chức năng cần phải điều tra xem tài xế có tuân thủ theo luật giao thông hay không. Ví dụ như có chạy đúng tốc độ trên tuyến đường cho phép, có bật đèn đủ sáng, có nồng độ cồn trong máu... Nếu lái xe tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và lỗi thuộc về người đi bộ, thì đây có thể được xem là sự kiện bất ngờ và người tài xế không phải chịu trách nhiệm.

Còn tài xế vi phạm luật giao thông đường bộ dẫn đến tông chết người đi bộ trên quốc lộ thì phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân", luật sư Bình nhận định.

Về việc tài xế ô tô bỏ chạy, theo luật sự, người lái ô tô gây tai nạn có thể được phép rời khỏi hiện trường nhưng phải trong trường hợp bản thân bị thương phải đi cấp cứu, hoặc đưa người bị nạn đi bệnh viện, hay bị đe dọa đến tính mạng.

Trong vòng 24 giờ, lái xe gây tai nạn phải đến trụ sở cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo, trình bày diễn biến của vụ tai nạn.

Tuy nhiên trong trường hợp này, tài xế bỏ mặc nạn nhân rồi tăng ga bỏ chạy dẫn đến thi thể nạn nhân bị nhiều xe cán nát là hành vi đáng lên án.

"Cần phải có một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ cho những người tham gia giao thông gây tai nạn xong bỏ chạy. Hành vi không cứu giúp nạn nhân là sự vô cảm, thiếu tình người, thể hiện sự xuống cấp của một số nhóm người trong xã hội hiện nay. Dư luận cần phải lên án mạnh mẽ, lực lượng chức năng cần xử phạt thật nặng với hành vi tàn nhẫn của tài xế", luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn