Đeo mũ chắn giọt bắn suốt buổi học: Trẻ sẽ khó thở và gặp vấn đề về mắt

Tin tứcThứ Ba, 05/05/2020 16:58:26 +07:00
(VTC News) -

Các bác sĩ nhãn khoa cho rằng mắt học sinh sẽ bị ảnh hưởng nếu đeo thêm mũ chắn giọt bắn phòng COVID-19.

Ảnh hưởng mắt

Chứng kiến hình ảnh học sinh đeo kính chắn giọt bắn trong lớp học, bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc – phòng khám Mắt EyeZone Hải Phòng cho biết bản thân ông và các đồng nghiệp đều thấy thương trẻ.

Cho rằng việc phòng dịch COVID-19 là cần thiết nhưng theo bác sĩ, việc để trẻ đeo những thiết bị này đi học thì cực khổ cho các cháu. Bởi trẻ sẽ thấy rất khó thở khi vừa đeo kính chắn giọt bắn, vừa đeo khẩu trang.

Người lớn mà ngay cả bác sĩ khi làm việc phải đeo kính chắn còn thấy khó chịu và chỉ mong sao được tháo ra khỏi mặt khi hết ca làm.

Bác sĩ Phúc cho rằng, quy định áp dụng các biện pháp như ngồi cách xa 2m, tránh đông người thực tế không khả thi và hầu như mang tính hình thức nhiều hơn. Ngoài ra, khó có thể đảm bảo học sinh không tháo kính chắn vì khó chịu. Cũng không ai đảm bảo việc các cháu nô đùa khi ra chơi có thể gây thương tích cho trẻ.

Cùng quan điểm, bác sĩ Hoàng Cương – Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Mắt Trung ương bày tỏ, việc cho trẻ đeo kính chắn giọt bắn khi ngồi học là lợi bất cập hại.

Việc này thực hiện trong thời gian dài có thể gây hại cho mắt. Ban đầu có thể trẻ thấy mỏi mắt, đau nhức mắt, khô mắt và lâu dài có thể dẫn tới tình trạng tật khúc xạ.

Bác sĩ Cương cho rằng, thời gian qua, khi nghỉ dịch ở nhà việc thường xuyên xem ti vi, điện thoại khiến trẻ gặp các bệnh lý về mặt, đặc biệt là tật khúc xạ. Giờ thêm mũ chắn giọt bắn, mắt trẻ sẽ chịu nhiều áp lực hơn.

Bác sĩ Cương khuyến cáo cha mẹ nên bổ sung thêm vitamine A cho trẻ, các loại thuốc bổ mắt, nhỏ nước mắt nhân tạo để giảm tình trạng khô mắt, mỏi mắt.

Đeo mũ chắn giọt bắn suốt buổi học: Trẻ sẽ khó thở và gặp vấn đề về mắt - 1

Học sinh trường Tiểu học Núi Thành đeo tấm chắn giọt bắn trong lớp học. (Ảnh: Vietnamnet)

Biện pháp phòng bệnh COVID-19 ở trường

Việc phòng dịch COVID-19 ở trẻ bằng đeo kính chắn, bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng cho rằng điều này là không cần thiết.

“Học trò không cần mang nón che giọt bắn liên tục. Nón che giọt bắn là mặt đối mặt với “địch thủ bất ngờ” – bác sĩ Khanh nói và cho rằng các con ngồi hướng về một hướng thì không cần đeo kính che giọt bắn.

Bác sĩ Khanh khuyên phụ huynh cần hướng dẫn các con khi đi học tập trung phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang đúng, rửa tay đúng và không đưa tay lên vùng mũi miệng là quan trọng.

"Khẩu trang là vật bất ly thân của học sinh. Đeo khẩu trang thường là để bảo vệ bản thân, đồng thời bảo vệ người khác", bác sĩ nói.

Bên cạnh đó phụ huynh có thể chuẩn bị cho trẻ 2 chiếc khẩu trang đựng vào túi zip để trẻ có thể thay đổi. Khi hắt hơi nên dự phòng thêm giấy ăn.

Việc đo máy đo hồng ngoại để kiểm tra thân nhiệt của học sinh cũng cần thiết, tuy nhiên theo bác sĩ Khanh không nên sử dụng một máy liên tục mà nên đan xen nhiều máy để đảm bảo đo chính xác.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo cha mẹ có thể tăng sức đề kháng cho trẻ bằng việc ăn uống thường xuyên; cho học sinh uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây, tăng cường các loại vitamin và khoáng chất. 

Đặc biệt, việc uống đủ nước và ngủ sớm, đủ giấc rất quan trọng trong việc giữ sức khỏe cho học sinh cũng như người lớn trong mùa dịch bệnh.

Bình Phương
Bình luận
vtcnews.vn