Đề xuất nhiều giải pháp để cứu Cụ Rùa hồ Gươm

Thời sựThứ Tư, 16/02/2011 08:00:00 +07:00

(VTC News) – Các chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất bệnh của Cụ Rùa đang trầm trọng, môi trường nước hồ Gươm cũng ô nhiễm nặng...

(VTC News) – Các chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất bệnh của Cụ Rùa đang trầm trọng, môi trường nước hồ Gươm cũng ô nhiễm nặng – nhưng việc chữa bệnh cho cụ Rùa vẫn còn… phải bàn kỹ.

Ngày 15/2 tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ rùa hồ Gươm (Cụ Rùa) với sự tham gia của Trung tâm Bảo tồn rùa châu Á cùng các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Cận cảnh vết thương của Cụ Rùa Hồ Gươm (Ảnh: VNE) 

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu và chuyên gia đều bày tỏ lo ngại trước thực trạng Cụ Rùa đang bị thương ở cổ và vây sát ở viền mai, sức khỏe kém, bơi lội chậm chạp… chứng tỏ Cụ Rùa đang bị thương trầm trọng.

Các ý kiến cũng khẳng định nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của Cụ Rùa là môi trường sống ô nhiễm, cùng với sự xuất hiện của rùa tai đỏ ở Hồ Gươm và các vết thương nặng trên lưng - điều này đã và đang từng ngày ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng Cụ Rùa.

Đa số ý kiến tham dự hội thảo đề xuất cần phải tiến hành ngay các biện pháp chữa trị các vết thương cho Cụ Rùa. Theo đó, cần phải thành lập một ban hoặc một nhóm đặc biệt với sự tham gia của bác sỹ thú y, bác sỹ ngoại khoa, các chuyên gia động vật học… để chẩn đoán bệnh cho Cụ Rùa, từ đó lập phác đồ điều trị bởi đây không chỉ là phác đồ điều trị một con rùa thông thưng mà là Cụ Rùa mang tính tâm linh với người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Cũng có nhiều ý kiến đưa ra nên đưa Cụ Rùa lên bờ để chữa trị, trong đó nhiều ý kiến cho rằng đưa Cụ Rùa lên bờ để chăm sóc, chữa trị vết thương là giải pháp tối ưu - nhưng một số ý kiến lại phản đối vì thời tiết Hà Nội hiện nay vẫn đang rất lạnh…

Liên quan đến vết thương của Cụ Rùa, các chuyên gia khẳng định không phải rùa tai đỏ gây ra, tuy nhiên, việc bắt rùa tai đỏ đang “xâm chiếm” hồ cũng là một trong những việc làm cấp bách nhằm trả lại môi trường sinh thái cho hồ Gươm.

Khẩn trương hút bùn, bổ sung nước, bắt rùa tai đỏ tại hồ Gươm

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng thống nhất cần phải xử lý ngay tình trạng ô nhiễm hồ Gươm, bởi nếu để Cụ Rùa trong môi trường ô nhiễm thì bệnh càng nặng thêm. Có ý kiến cũng nhắc đến việc hút bùn hồ Gươm theo công nghệ của Đức đã được thí điểm từ năm 2009 đến nay nhưng chưa thấy nhân rộng.

Ông Tim McCormack, điều phối chương trình Bảo tồn rùa Châu Á cho rằng, cần thiết phải bổ sung thêm nước vào hồ để làm giảm sự ô nhiễm, tránh làm các vết thương của rùa diễn biến xấu hơn.

Cũng the ông Tim, cần thiết lập một chương trình hành động khẩn thiết trong đó tính toán đến việc phương pháp bắt, di chuyển và nuôi dưỡng rùa ở đâu, nếu cần thiết mời các chuyên gia từ châu Âu hay Châu Mỹ đến giúp Việt Nam.

Tuy nhiên, các giải pháp chữa trị cho Cụ Rùa đã được đưa ra nhưng thời gian thực hiện thì vẫn chưa được thông qua cụ thể sau cuộc hội thảo. Theo Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao, việc đưa Cụ Rùa lên bờ chữa trị cần phải tiếp tục bàn kỹ.

Trước mắt, Sở Khoa học công nghệ Hà Nội sẽ báo cáo UBND TP Hà Nội cho triển khai ngay các giải pháp nạo vét bùn, bổ cập nguồn nước để pha loãng mức độ ô nhiễm.

Cũng theo ông Rao, việc bắt rùa tai đỏ hiện đang được thử nghiệm tại hồ Văn Quán và trong tháng 3/2011 sẽ tiến hành đặt lồng bẫy để bắt loài rùa này trong hồ Gươm.

Từ cuối tháng 12/2010, khi Cụ Rùa nổi trên mặt hồ Gươm đã có nhiều vết thương và trong những lần Cụ Rùa nổi vào tháng 2/2011 mới đây thì các vết thương ở mai và đầu Cụ Rùa biểu hiện rất nặng.

Rùa hồ Gươm hiện đứng đầu danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện theo các chuyên gia về rùa thì trên thế giới chỉ còn 4 cá thể thuộc loài rùa hồ Gươm.

Kiều Minh

 

 

Bình luận
vtcnews.vn