Đề xuất Nhà nước trực tiếp tạo lập, sở hữu nhà ở xã hội

Bất động sảnThứ Sáu, 20/10/2023 09:49:00 +07:00
(VTC News) -

Nhà nước cần tăng cường tham gia hỗ trợ trực tiếp người dân thay vì hỗ trợ gián tiếp như hiện nay, thông qua việc Nhà nước trực tiếp tạo lập, sở hữu nhà ở xã hội.

TS.Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản vừa có đề xuất Nhà nước trực tiếp tạo lập, sở hữu nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua.

VTC News trích đăng ý kiến của ông Bình.

Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội ở nước ta được quan tâm và đạt được nhiều thành tựu. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/6/2023, cả nước hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, cần tăng cường hơn nữa vai trò của Nhà nước trong việc cung cấp nhà ở xã hội cho người dân theo hướng Nhà nước trực tiếp tạo lập và sở hữu nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Đặc biệt là cho thuê để chủ động điều tiết nhà ở xã hội cho người dân thu nhập thấp, người dân trong tình huống khẩn cấp về nhà ở. Đồng thời Nhà nước cũng cần khuyến khích tối đa doanh nghiệp tư nhân xây dựng nhà ở xã hội.

Đề xuất Nhà nước cần trực tiếp tạo lập nhà ở xã hội cho thuê. (Ảnh minh họa: chinhphu.vn).

Đề xuất Nhà nước cần trực tiếp tạo lập nhà ở xã hội cho thuê. (Ảnh minh họa: chinhphu.vn).

Hiện nay, để tạo ra quỹ nhà ở xã hội tại Việt Nam, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân thông qua các ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuế, lãi suất ngân hàng và khống chế lợi nhuận, chi phí, giá bán, đấu nối hạ tầng…

Như vậy, Nhà nước đang hỗ trợ gián tiếp thông qua doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Nhà nước cần tăng cường tham gia hỗ trợ trực tiếp đến người dân thay vì hỗ trợ gián tiếp như hiện nay, thông qua việc Nhà nước trực tiếp tạo lập và sở hữu nhà ở xã hội.

Cụ thể, đối với khoản miễn tiền sử dụng đất, thuế, phí, lãi suất và các ưu đãi cho các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đủ để Nhà nước tạo lập một lượng lớn nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội để cho thuê theo mô hình nhà ở xã hội của New Zealand.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, các khoản hỗ trợ bao gồm tiền sử dụng đất (miễn), giảm 50% thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (10%), hỗ trợ lãi suất ngân hàng…vào khoảng 17-20%/tổng mức đầu tư dự án. Tỷ lệ này khá trùng hợp với mức Chính phủ New Zealand hỗ trợ người dân.

Một dự án nhà ở xã hội cao cấp ở New Zealand

Một dự án nhà ở xã hội cao cấp ở New Zealand

Nếu mức hỗ trợ tối đa lên đến 20% thì với một dự án nhà ở xã hội có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, phần hỗ trợ của Nhà nước chiếm khoảng 200 tỷ đồng.

Theo ước lượng của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, với hơn 300 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị đã hoàn thành, giả sử với mức đầu tư trung bình mỗi dự án khoảng 500 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư các dự án khoảng 150.000 tỷ đồng, số tiền Nhà nước hỗ trợ sẽ vào khoảng 30.000 tỷ đồng.

Số tiền này hoàn toàn có thể giúp tạo lập, hỗ trợ cho thuê nhà ở xã hội theo mô hình mới.

Ước tính chi phí tạo lập một căn nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội 1 - 2 phòng ngủ từ 250 triệu đến 500 triệu đồng, thì với số tiền hỗ trợ hiện nay, Nhà nước có thể xây dựng quỹ nhà ở xã hội từ 60.000 đến 120.000 căn.

Trên thị trường, giá thuê một căn nhà ở xã hội 1-2 phòng ngủ đang phổ biến khoảng 5 triệu đồng/tháng. Nếu Nhà nước hỗ trợ 20% giá thuê thì tương đương khoảng 1 triệu đồng/căn/tháng. Mỗi năm là 12 triệu đồng/căn. Như thế, hàng năm Nhà nước có thể hỗ trợ tiền thuê cho 2,5 triệu căn.

Nếu thuê mua trong 30 năm theo mô hình của nước Brunei thì số tiền hỗ trợ vào khoảng 360 triệu đồng/căn. Với số tiền Nhà nước hỗ trợ 30.000 tỷ đồng xây nhà ở xã hội có thể tạo lập quỹ nhà trên 83.000 căn.

Dự án nhà ở xã hội ở Thái Lan

Dự án nhà ở xã hội ở Thái Lan

Bên cạnh đó, khoảng thời gian hỗ trợ cũng quyết định quỹ căn nhà ở xã hội cho thuê. Nước Đức trợ cấp tiền thuê nhà dành cho người có thu nhập thấp chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định 12 - 20 năm cho nhà cải tạo và 20 - 40 năm đối với các căn hộ được xây mới. 

Sau thời hạn này, các căn hộ sẽ được cho thuê lại hoặc bán theo giá thị trường. Nhà nước chỉ trợ cấp để bù đắp khoảng cách giữa chi phí cấu thành một đơn vị nhà ở xã hội bình quân và giá bán nhà cho người có thu nhập thấp như mô hình một số nước đang áp dụng.

Đây cũng là kinh nghiệm Việt Nam có thể học hỏi để vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa đảm bảo sử dụng hài hòa nguồn lực hỗ trợ.

TS.Đoàn Văn Bình
Bình luận
vtcnews.vn