Đề nghị bêu tên đơn vị vi phạm quảng cáo

Thời sựThứ Sáu, 04/11/2011 12:06:00 +07:00

(VTC News) - Xử phạt vi phạm quảng cáo cần bổ sung hình thức phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hành vi sai phạm của các tổ chức, cá nhân.

(VTC News) - Ủy ban TVQH đề nghị dự án Luật quảng cáo cần bổ sung thêm hình thức xử phạt vi phạm quảng cáo bằng hình thức phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hành vi sai phạm của các tổ chức, cá nhân.

Ngày 3/11, Quốc hội nghe Chính phủ trình bày về dự án Luật quảng cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi (Ảnh: Tiền phong) 
Báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, dự thảo luật còn thiếu những quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với tổ chức.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung thêm hình thức phải đăng  tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân.

Về nội dung quảng cáo trên báo chí nêu trong dự án luật, theo ông Đào Trọng Thi, dự án luật đã căn cứ vào tình hình đặc thù của từng loại hình báo chí để đưa ra những quy định như tăng diện tích và thời lượng quảng cáo cho các loại hình báo chí, bỏ những quy định hạn chế quảng cáo như các quy định về đợt quảng cáo, số lần được quảng cáo với từng sản phẩm…


“Các quy định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các báo phát triển dịch vụ, tăng doanh thu mà còn khuyến khích các báo nâng cao chất lượng, có ý nghĩa lớn đối với các cơ quan báo chi đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính” – ông Thi nhận định.

Nhấn mạnh thêm về một số quy định về quảng cáo trên báo điện tử, ông Thi nêu rõ, vẫn cần được hoàn chỉnh thêm, ông Thi dẫn chứng quy định “Vùng quảng cáo không được tràn vào vùng nội dung tin và có diện tích không quá 25% diện tích mỗi trang thể hiện trên khuôn hình” – và cho biết, Ủy  ban TVQH thấy việc quy định về diện tích quảng cáo trên báo điện tử như trong Dự thảo Luật là khó khả thi do đặc thù về tính năng, công nghệ của phương tiện điện tử, diện tích mỗi trang báo có thể thay đổi bằng cách di chuột trên thanh cuốn bên phải màn hình.


Thêm vào đó, công nghệ hiện nay cho phép tích hợp thông tin đa phương tiện, vì vậy, các quy định về quảng cáo trên báo điện tử cũng phải tính đến yếu tố này.


Ngoài ra, theo quy định hiện hành, chỉ có báo điện tử và trang thông tin điện tử phải xin cấp phép hoạt động, trong khi đó, hoạt động quảng cáo thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử,... đang nằm ngoài sự quản lý của nhà nước.

Một số trang mạng từ các máy chủ nước ngoài đang tự do quảng cáo ngoài tầm kiểm soát của pháp luật Việt Nam. Theo đó, Ủy ban TVQH đề nghị cân nhắc tính đặc thù của các loại phương tiện nói trên, nghiên cứu thiết kế điều này cho phù hợp với thực tiễn.

Cũng trong ngày làm việc 3/11, Quốc hội nghe Chính phủ trình bày về dự án Luật giá, dự án Luật giám định tư pháp, dự án Luật xử lý vi phạm hành chính, Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

Trong đó, báo cáo thẩm tra về dự án Luật giá, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu về bình ổn giá, theo đó, việc áp dụng chính sách bình ổn giá là cần thiết, tuy nhiên, qua thực hiện cho thấy, bên cạnh một số kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, bản thân chính sách bình ổn chứa đựng nhiều điểm bất cập, chưa bảo đảm tính công bằng do cơ bản chỉ áp dụng ở một số TP lớn, tại các siêu thị, cửa hàng lớn, những nơi người nghèo không thể tiếp cận. Xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để đầu cơ trục lợi, người dân không được hưởng ưu đãi, sử dụng ngân sách Nhà nước lãng phí, kém hiệu quả, tạo dư luận không tốt trong một bộ phận người tiêu dùng.
 

“”Đề nghị quy định theo hướng phải bảo đảm tính công bằng khi triển khai thực hiện; bổ sung biện pháp kiểm soát, cơ chế xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện; có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy định về bình ổn giá” – ông Hiển nhấn mạnh.

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật xử lý vi phạm hành chính trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ về quy định mức xử phạt tiền tối thiểu là  50.000 đồng và tối đa là 2 tỷ đồng, việc tăng mức phạt tiền là cần thiết, để bảo đảm tính răn đe, phù hợp với thực tiễn, nhưng cần cân nhắc mức tăng bao nhiêu là hợp lý? Không nên chỉ chú trọng nâng mức xử phạt tiền cao mà cần quan tâm các giải pháp khác về kinh tế - xã hội, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tổ chức, thực hiện nghiêm các biện pháp khác... 
 

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn