Để bé biết nghe lời

Tổng hợpThứ Tư, 18/01/2012 12:40:00 +07:00

Có lúc, bé rất vâng lời nhưng cũng có khi, bé ‘cứng đầu', kiên quyết đi ngược lại mong muốn của cha mẹ.

Có lúc, bé rất vâng lời nhưng cũng có khi, bé ‘cứng đầu', kiên quyết đi ngược lại mong muốn của cha mẹ. Do đó, cha mẹ nên tham khảo một số gợi ý sau:

1. Hướng sự chú ý đến bé:

Nghiêm mặt, hướng ánh mắt tập trung vào bé mỗi khi cha mẹ yêu cầu bé thực hiện một việc nào đó. Các bé sẽ biết nghe lời hơn nếu bạn ngồi đối diện hoặc bên cạnh, nhắc bé ăn hết bát cơm hoặc uống hết sữa trong cốc.

2. Lưu ý đến mệnh lệnh của cha mẹ:

Nên trình bày rõ ràng ý của cha mẹ, không dọa nạt và cũng không nên nhắc tới phần thưởng. Nếu bạn nói với bé 2 tuổi: "Con cần phải uống sữa ngay" thì bạn nên tránh "buôn chuyện" dông dài tới 5-10 phút sau đó hoặc nhượng bộ bé bằng một cốc nước quả.

 

Liên tục hét lên, nhắc các bé tuân theo mệnh lệnh cũng không phải cách dạy bé hiệu quả. Bạn sẽ không buộc bé phải vâng lời nếu hét to: "Không được chạy qua đường", cho dù lời cảnh báo này được đưa ra đến vài lần nhằm gây sự chú ý của bé (nếu bạn lơ là, bé vẫn dễ dàng băng qua đường). Tương tự, nếu cứ liên tục càu nhàu: "Để cốc nước lên bàn" có thể ép bé phải hoàn thành yêu cầu nhưng với tâm trạng không vui.

Đưa cho bé vài lời chỉ dẫn nhẹ nhàng để bé biết cách đặt cái cốc đúng chỗ trên bàn, bé sẽ nghe theo lời của mẹ với thái độ tích cực. Đảm bảo rằng chồng bạn cùng chia sẻ và tôn trọng nguyên tắc dạy dỗ bé, cho dù một người không hoàn toàn đồng tình với người kia.

3. Chỉ dẫn cần cụ thể:

 

Nếu bạn nói với bé 2 tuổi: "Con để đồ chơi vào đó", bé sẽ cầm đồ chơi, nhìn xung quanh phòng vì chưa hiểu phải đặt nó ở đâu. Vì thế, nếu muốn bé vâng lời thì mẹ nên giao cho bé những nhiệm vụ thật cụ thể, như: "Con đặt đồ chơi vào chiếc giỏ màu vàng này nhé". Sau đó, nhấn mạnh với bé: "Tốt lắm, giỏ màu vàng ngay ở sau lưng con đấy".

4. Chỉ dẫn kết hợp với hành động:
   
Lời chỉ dẫn nên đi kèm với hành động, nhất là khi bạn muốn kéo bé ra khỏi những hoạt động hấp dẫn. Nếu bạn nói: "Đi ngủ thôi" thì ngay sau đó, nên đưa cho bé ám hiệu thị giác như bật đèn ngủ trong phòng, tín hiệu hình thể (kéo bé vào lòng vỗ về) và một loạt thao tác chuẩn bị khác (hướng bé đến giường, kéo chăn, chuẩn bị gối)

5. Đưa ra cảnh báo:

Để bé nhận thức được giới hạn về giới hạn thời gian cho phép, nhất là khi bé say sưa với đồ chơi hay người bạn của bé. Trước khi bé rời khỏi nhà, nên nhắc bé rằng: "Mẹ con mình chỉ chơi bên nhà bạn Bin 20 phút thôi. Khi mẹ gọi, nghĩa là con cần đứng dậy, rửa tay và chào bạn để về nhà".

6. Làm gương cho bé:

Để bé biết lắng nghe, cha mẹ cần làm mẫu cho bé. Khi nghe bé trình bày ý kiến, cha mẹ cần chăm chú, phản ứng một cách lịch thiệp và không nên cáu kỉnh ngắt lời của bé. Nếu bé cảm thấy thoải mái khi giao tiếp với cha mẹ thì bé sẽ tự nguyện lắng nghe và thực hành theo những lời mẹ nói.

Theo Mevabe
Bình luận
vtcnews.vn