'Đấu' pháp luật vụ giải tỏa đền bù ở Bà Rịa- Vũng Tàu

Bạn đọcThứ Hai, 13/10/2014 07:00:00 +07:00

Cùng chung hệ thống pháp luật nhưng vụ giải tỏa đền bù đất thu hồi của 'tổ hưu trí' phường 11, TP. Vũng Tàu từ năm 2008 nay phải trở lại điểm xuất phát ban đầu.

Cùng chung hệ thống pháp luật; cùng chung hàng loạt văn bản pháp quy khác liên quan, thế mà vụ giải tỏa đền bù đất thu hồi của “tổ hưu trí” ở phường 11, TP. Vũng Tàu từ năm 2008 đến nay phải trở lại điểm xuất phát ban đầu sau khi đoàn thanh tra Chính phủ phải vào cuộc để “kiểm tra làm rõ vụ việc”…

Đây có thể xem là trường hợp điển hình trong việc giải quyết đền bù giải tỏa sau khi thu hồi đất đầy rắc rối đan xen giữa nhiều văn bản pháp luật, luật đất đai sửa đổi cũng như cách vận dụng, kể cả “lệ làng” khiến cho sự việc càng lúc càng thêm phức tạp, khó gỡ, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và công dân, đẩy nhiều cơ quan chức năng, hộ gia đình liên quan vào thế “tiến thoái lưỡng nan”…

Bài 1. Các bên đều đòi "phải đúng pháp luật"

Ông Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1943 ở Bến Tre, nguyên Chính ủy đoàn tàu không số, nguyên chính trị viên Hải đội 411, nay là cán bộ hưu trí, là thành viên của “tổ hưu trí” gồm 15 hộ trong vụ khiếu kiện đền bù giải tỏa vô cùng bức xúc: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, quản lý bằng luật pháp. Ai cũng phải chấp hành theo luật pháp. Tại sao lại có chuyện “trên bảo dưới không nghe”? Nguyên tắc “Nhà nước là của dân, do dân và vì dân” ở đâu mất rồi?”

Đất được cấp sử dụng gần 20 năm vẫn bị xem không hợp pháp!

Tóm tắt sự việc như sau: Năm 1978, Công ty Rau quả đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo khai hoang đất trồng dứa. Nhưng do canh tác không hiệu quả nên đến năm 1987, đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo giao cho UBND phường Phước Thắng (nay là phường 11) quản lý.

Năm 1988, ông Nguyễn Văn Tổng là cán bộ hưu trí cùng 14 người khác làm đơn gửi UBND phường Phước Thắng xin đất để trồng bạch đàn.

Một thành viên tổ hưu trí phải sống trong căn nhà tạm rách nát. 

Năm 1989, UBND phường Phước Thắng đã thành lập hội đồng xét duyệt và giao đất cho ông Nguyễn Văn Tổng, Đỗ Văn Lự, đại diện cho 15 người đứng trong đơn xin được giao đất.

Từ khi được giao, 15 người này đã sử dụng đất theo hình thức sử dụng chung, hàng năm đóng góp tiền mua giống, vật tư, thuê nhân công khai phá, cải tạo đất trồng bạch đàn, trồng tràm và nuôi cá. Hằng năm đều thực hiện nghĩa vụ thuế sử dụng đất đầy đủ cho tới khi Nhà nước có Quyết định thu hồi vào năm 2008.

Trong quá trình này, ông Tổng cùng các thành viên đã làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Ngày 13/8/2007, Văn phòng đăng ký QSDĐ đã ký xác nhận sơ đồ vị trí thửa đất tỷ lệ 1/5000 với tổng diện tích 103.739,3m2. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND TP. Vũng Tàu xem xét và cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho 15 người của tổ hưu trí.

Tuy nhiên, do trước đó đã có quy hoạch và QĐ thu hồi đất của UBND tỉnh nên TP. Vũng Tàu không cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Trong văn bản số 980/CV – UBND của UBND TP. Vũng Tàu ghi rõ: “ Tổ hưu trí được tiếp tục sử dụng theo hiện trạng, chờ cơ quan chức năng thực hiện thu hồi đất sẽ xem xét bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật”.


Ngày 4/8/2008, UBND TP. Vũng Tàu ban hành QĐ số 3133/QĐ – UBND thu hồi 54.294,5m2 đất do tổ hưu trí đang sử dụng để đầu tư xây dựng và kinh doanh khu du lịch nghỉ mát, giải trí đa năng tại khu Chí Linh, Cửa Lấp.

Tiếp theo, ngày 13/10/2008, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu ban hành QĐ số 4342/QĐ – UBND phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho tổ hưu trí. Theo QĐ này thì tổ hưu trí chỉ được bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất, không bồi thường giá trị QSDĐ đối với diện tích 54.294,5m2.

Bắt đầu từ đây đã mở ra cuộc khiếu kiện dai dẳng và kéo theo hàng loạt các cơ quan chức năng Trung ương như Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào cuộc.

Văn bản đấu qua, đấu lại giữa các cơ quan chức năng 

Hiệp 1: Tổ hưu trí được bồi thường

Ngày 17/12/2008, UBND TP. Vũng Tàu bác nội dung khiếu nại của ông Tổng và yêu cầu bồi thường giá trị QSDĐ đối với 54.294,5m2 đất nông nghiệp bị thu hồi bằng QĐ số 7537/QĐ- UBND.

Quan điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thể hiện rõ trong thông báo số 797 – TB/TU ngày 1/10/2009 như sau: “Kết luận của Ban thường vụ tỉnh ủy: Ban thường vụ Tỉnh ủy nhất trí với nhận xét của đoàn kiểm tra tại báo cáo số 16 – BC/KT ngày 17/8/2009. Ban thường vụ nhận thấy tổ hưu trí không phải là chủ thể. Các cá nhân trong tổ hưu trí không phải là đối tượng được giao đất. Ban thường vụ Tỉnh ủy khẳng định diện tích 54.294,5m2 đất nêu trên là đất do Nhà nước quản lý, không thực hiện việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bất cứ cá nhân nào”.

Sau đó, ngày 25/6/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành QĐ 1593/QĐ lần thứ 2 bác toàn bộ nội dung khiếu nại của tổ hưu trí do ông Nguyễn Văn Tổng làm đại diện.

Khiếu nại không thành ở địa phương, đơn khiếu nại của 15 hộ trong tổ hưu trí lên tới Trung ương. Ngày 27/8/2010, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng có văn bản giao Bộ TN – MT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm rõ nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Văn Tổng, đề xuất giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ TN – MT đã phối hợp cùng UBND tỉnh tiến hành kiểm tra lại từ đầu toàn bộ sự việc, gặp gỡ đối thoại với các bên liên quan, rà soát và xác minh cụ thể từng giai đoạn.
Ông Nguyễn Văn Tổng (áo trắng) và ông Huỳnh Văn Tiến làm việc với phóng viên

Ngày 27/1/2011, Bộ TNMT có báo cáo số 250/BTNMT – TTr gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả làm việc. Phần nhận xét có ý kiến như sau: “Từ khi được giao đất, 15 cá nhân đồng sử dụng và canh tác liên tục, ổn định từ đó đến nay, không có tranh chấp, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước…”.

Và “ Tổ hưu trí” là do 15 cá nhân đặt tên, không phải là tổ chức có tư cách pháp nhân, trên thực tế là một nhóm người cùng sử dụng. Về việc này Bộ TN-MT đã có văn bản gửi UB kiểm tra Trung ương ngày 14/6/2010 tại văn bản số 2130/BTNMT về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho tổ hưu trí với nội dung “Theo quy định tại điều 9 Luật Đất đai năm 2003 thì tổ hưu trí không phải đối tượng sử dụng đất nhưng có thể hiểu các cá nhân của tổ hưu trí là nhóm người đang sử dụng đất. Căn cứ điều 111 Nghị định số 181/2004/ NĐ-CP ngày 29/10/2004 thì nhóm người đang sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận QSDĐ”.

Từ kết quả thanh tra, xác minh và đưa ra nhận xét, báo cáo này kết luận: “Bộ TN – MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu lập phương án bồi thường diện tích 54.294,5m2 đất nông nghiệp cho 15 cá nhân theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, kết quả khiếu nại của 15 cá nhân tổ hưu trí từ năm 2008 đến năm 2011 sau khi có kết quả kiểm tra xác minh của Bộ TN – MT theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lẽ ra chấm dứt từ đây. Kết quả khiếu nại đã được cơ quan chuyên môn cấp cao nhất là Bộ TN – MT xác định rõ ràng.

Ngày 13/5/2011, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như sau: “Đồng ý với nội dung kiến nghị của Bộ TNMT tại văn bản số 250/BTNMT- TTr ngày 27/1/2011 về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Văn Tổng; Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2011”.

Tuy nhiên, kết quả này không được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp nhận…

Theo VNN
Bình luận
vtcnews.vn