Dấu ấn những danh nhân tuổi Mùi trong lịch sử Việt Nam

Thời sựThứ Năm, 19/02/2015 08:00:00 +07:00

Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Khuyến, Phan Đình Phùng... là những danh nhân sinh năm Mùi để lại dấu ấn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

(VTC News) - Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Khuyến, Phan Đình Phùng... là những danh nhân sinh năm Mùi để lại dấu ấn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. 

Lý Thường Kiệt

Lý Thường Kiệt sinh năm Kỉ Mùi 1019, mất năm Ất Dậu 1105. Theo wikipedia ông là một vị tướng nổi tiếng nằm trong danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam,danh tướng gắn liền với tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.

Lý Thường Kiệt vốn họ Ngô tên là Tuấn, người ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (hiện là Cơ Xá, Gia Lâm – Hà Nội). Theo sử cũ thì ông quê ở phường Thái Hòa, thành Thăng Long.

Đền thờ Lý Thường Kiệt - ở phố Nguyễn Huy Tụ phường Bạch Đằng (đất làng Cơ Xá cũ) quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

Năm 1041, lúc 23 tuổi, Ngô Tuấn được bổ vào ngạch thị vệ hầu vua, giữ chức “Hoàng môn chi hậu”. Khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, Ngô Tuấn được rời khỏi những chức vụ trong nội cung và đưa ra giúp việc nhà vua tại triều đình.

Năm 1061 miền Thanh Nghệ không yên. Giặc quấy rồi miền biên giới, một số thủ lĩnh miền núi nổi lên chống triều đình. Vua liền cử phong ông là Thái Bảo, cầm “tiết việt”, đi thanh tra các quan ở vùng Thanh - Nghệ. Kết quả năm châu, sáu huyện, ba nguồn, hai mươi bốn động miền Thanh - Nghệ đều được yên ổn. Lúc đó Lý Thường Kiệt 43 tuổi.

Ngày 9/3/1076, vua Tống cử Quách Quỳ làm An Nam đạo hành doanh mã bộ quân tổng quản chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, cầm quân mưu thôn tính Đại Việt.

Tháng 8 thủy lục quân Tống vượt biên giới, rồi giặc dần chiếm được Vĩnh An (Móng Cái), Quảng Nguyên (Cao Bằng), Quang Lang, Môn Châu, Tô Mậu, Tư Lang.

Tháng 1/1077 Lý Thường Kiệt chỉ huy đánh chặn giặc trên suốt dọc phòng tuyến sông Cầu. Tương truyền, hàng đêm ông sai người tâm phúc lẻn vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát nằm trong trận địa bên sông Như Nguyệt (tức khúc sông Cầu chảy qua huyện Yên Phong, lộ Bắc Giang) đọc vang bài thơ:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư".

Bài thơ được coi như một bản tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam được ghi lại lần đầu tiên thành văn. Tháng 3/1077 quân ta vượt sông đánh quân Tống đại bại rồi mở đường giảng hòa để giặc giữ thể diện lui về nước ngay, chỉ còn giữ châu Quảng Nguyên (đến tháng 11/1079 cũng phải giao trả nốt). Từ đó về sau, trong khoảng 200 năm, triều đại Trung Quốc không dám đụng đến đất nước ta.

Lịch sử mãi ghi nhớ công ơn người anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị và ngoại giao tài ba Lý Thường Kiệt, người lãnh đạo quân dân Đại Việt thời Lý, phá Tống bình Chiêm thắng lợi.

Nguyễn Văn Siêu

Nguyễn Văn Siêu sinh năm Kỉ Mùi 1799 mất năm Nhâm Thân 1872.

Nguyễn Văn Siêu tự là Tốn Ban, hiệu Phương Đình, người làng Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Nội. Nổi tiếng thông minh từ nhỏ, lớn lên, ông theo học với Tiến sĩ Phạm Quý Thích, và kết bạn văn chương với Cao Bá Quát, mặc dù nhà thơ này kém ông 10 tuổi. Năm 26 tuổi đỗ Á nguyên, nhưng không ra làm quan mà ở nhà đọc sách.

Năm 1839 ông cùng Cao Bá Quát vào Huế dự thi Hội đỗ Phó Bảng, sau đó được bổ làm ở toà hàn lâm. Năm 1839 chuyển qua làm chủ sự bộ Lễ. Sau khi vua Minh Mệnh chết, Thiệu Trị lên nối ngôi đã dùng ông vào nội các làm Thừa Chỉ, kiêm thị giảng cho các hoàng tử.

Năm 1849 đi sứ nhà Thanh, khi về dâng quyển Vạn lý tập dịch trình tấu thảo, được thăng học sĩ ở Viện tập hiền.

Năm 1854 ông đệ đơn xin từ quan, từ đó sống cuộc đời dạy học và soạn sách gắn bó với Hà Nội đến khi mất.

Đương thời Nguyễn Văn Siêu viết nhiều sách, sách của ông có tới vài ngàn trang, đều bằng chữ Hán thuộc nhiều lĩnh vực: văn, thơ, sử, địa lý, triết học. Sau khi ông mất học trò đem xuất bản bao gồm: Địa dư chí, Chư sử khảo thích, Chư kinh khảo ước, Tứ thư bị giảng, Vạn lý tập, Phương Đình thi tập, Phương đình văn loại v.v... Bộ Địa Dư Chí của ông là một tác phẩm có giá trị, nội dung thâu tóm khá nhiều hiểu biết về địa lý, lịch sử từ trước đến đương thời.


Nguyễn Văn Siêu là một trí thức trong sạch, đạo đức cao đẹp, học thức uyên bác, một nhà giáo gương mẫu, một nhà nghiên cứu nghiêm túc, một nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, đáng trọng. Ông xứng đáng có một chỗ đứng nhất định trong nền văn học và văn hóa Việt Nam thế kỷ 19.

Nguyễn Khuyến

Nguyễn Khuyên sinh năm Ất Mùi 1835, mất năm Kỉ Dậu 1909.

Cụ tên thật là Nguyễn Văn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Minh Chi,  quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam (quê nội của cụ là làng Và, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam).

Chân dung nhà thơ Nguyễn Khuyến 

Thuở nhỏ, Nguyễn Khuyến cùng Trần Bích San (người làng Vị Xuyên, đỗ Tam Nguyên 1864-1865) là bạn học ở trường cụ Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị. Năm 1864, cụ đỗ đầu Cử Nhân (tức Hương Nguyên) trường Hà Nội. Năm sau cụ trượt thi Hội và thi Đình nên phẫn chí ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám. Đến năm 1871 cụ mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên. Từ đó, cụ thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.

Cụ cáo quan về ở ẩn tại Yên Đổ vào mùa thu 1884 và qua đời tại đấy ngày 5 tháng 2 năm 1909.

Nguyễn Khuyến để lại cho hậu thế các tập thơ văn Quế Sơn Thi tập, Yên Đổ Thi tập, Bách Liêu Thi văn tập, Cẩm Ngữ và nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế và câu đối.

Phan Đình Phùng

Phan Đình Phùng sinh năm Đinh Mùi 1847, mất năm Ất Mùi 1895

Phan Đình Phùng (hiệu: Châu Phong), sĩ phu yêu nước và là thủ lĩnh nổi tiếng trong phong trào Cần vương kháng Pháp cuối thế kỉ 19. Quê: làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đỗ Đình nguyên Tiến sĩ năm 1877, nên thường gọi là cụ Đình, bổ tri huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình), sau về Huế giữ chức Ngự sử. Tính ông cương trực, khảng khái.

Năm 1883, ông phản đối việc Tôn Thất Thuyết phế bỏ vua Dục Đức, lập Hiệp Hoà. Vì vậy, bị cách chức, đuổi về làng. Năm 1885, khi Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lánh ra Hà Tĩnh, ông lại được cử giữ chức Hiệp thống quân vụ, lãnh đạo quân Cần vương chống Pháp ở ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Phong trào chống Pháp do Phan Đình Phùng lãnh đạo được coi là tiêu biểu nhất cho phong trào Cần vương của cả nước trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Ông bị trọng thương trong một trận đánh và mất ngày 28/12/1895.

Còn để lại một số thơ văn, trong đó nổi tiếng nhất là “Bức thư trả lời Hoàng Cao Khải” và bài “Lâm chung thời tác” làm khi sắp mất.

Trường Chinh

Trường Chinh sinh năm Đinh Mùi 1907 mất năm Mậu Thìn 1988 (tên thật: Đặng Xuân Khu). Quê: làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Chịu ảnh hưởng tinh thần yêu nước của cha, từ năm 1925, khi còn là còn học ở bậc Thành Chung, ông đã tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cho Phan Bội Châu, lãnh đạo cuộc bãi khóa ở Nam Định để truy điệu Phan Chu Trinh.

Cố Tổng bí thư Trường Chinh 

Cả cuộc đời ông gắn liền với quá trình Cách mạng Việt Nam từ những năm 20 đến những năm 80 thế kỉ 20
Chính ông là người  triệu tập và chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị nổi tiếng "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", xác định thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định: "Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận với cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi, là do anh Trường Chinh".

Ông đã giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam (là nhân vật duy nhất hai lần giữ chức Tổng Bí thư), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (tương đương với Chủ tịch nước bây giờ) và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ông còn là một nhà thơ với bút danh Sóng Hồng.

Lê Duẩn

Lê Duẩn sinh năm Đinh Mùi 1907, mất năm Bính Dần 1986
. Ông là nhà hoạt động xuất sắc của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam; chiến sĩ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc. Quê làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Cố Tổng bí thư Lê Duẩn 

Cuộc đời hoạt động của Lê Duẩn gắn liền với quá trình Cách mạng Việt Nam từ những năm 20 đến những năm 80 thế kỉ 20, trên khắp các miền của đất nước, trải qua nhiều thử thách, và đã có những đóng góp quan trọng vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiến tới những thắng lợi vĩ đại.

Lê Duẩn chính là người đã vạch ra chiến lược cách mạng ở miền Nam Việt Nam với tác phẩm nổi tiếng Đề cương cách mạng miền Nam. Từ bản đề cương này, hàng loạt phong trào bạo động ở miền Nam nổ ra dọn đường cho Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công và tiếp quản Sài Gòn vào năm 1975 kết thúc Chiến tranh Việt Nam.


Lê Duẩn là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ 1960 đến 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1976 đến 1986. Ông là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam có tổng thời gian tại vị lâu nhất với 25 năm, 303 ngày.

Từ 1960 cho đến khi qua đời năm 1986, có một ảnh hưởng chính trị rất lớn tại miền Bắc và ở Việt Nam sau 1975.


Nguyễn Xiển

Nguyễn Xiển sinh năm Đinh Mùi 1907, mất năm Đinh Sửu 1997
quên quán Nghệ An, xuất thân từ một gia đình nho học lâu đời .

Năm 1926 do tham gia cuộc bãi khoá để tang Phan Chu Trinh cho nên ông đã bị đuổi học và bị cấm thi tú tài bản xứ.

Khi ở Pháp ông đã gặp những nhà trí thức Việt Nam tiên tiến như Trần Văn Giầu, Phan Tử Nghĩa, đã được tiếp cận với sách báo cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Tuy không tham gia Đảng cộng sản, nhưng ông quyết tâm học giỏi khoa học để sau này phục vụ cách mạng.

Trong thời kỳ cách mạng tháng Tám ông rất tích cực tham gia các hoạt động chính trị xã hội: Nhận trách nhiệm với Hồ Chủ Tịch đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch Ủy Ban hành hành chính Bắc bộ. Nhân dân Kiến An đã bầu ông là đại biểu Quốc hội đầu tiên năm 1946 và được tín nhiệm 7 khoá liền trong các cương vị quan trọng: Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam...

Sau hơn 60 năm, trải qua ít nhiều thăng trầm, Nguyễn Xiển vừa là nhà hoạt động chính trị xã hội có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, vừa là một nhà khoa học lớn, có công đầu xây dựng ngành khí tượng thuỷ văn Việt Nam, được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I).

Thuỵ Miên(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn