Đánh giá học sinh theo A, B, C khác chấm điểm thế nào?

Giáo dụcThứ Ba, 30/08/2016 07:38:00 +07:00

Các giáo viên đã bày tỏ quan điểm khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa xin ý kiến việc thay đổi thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học.

Ngày 27/8/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định đánh giá học sinh tiểu học (thông tư 30) để xin ý kiến góp ý của toàn xã hội.

thong tu 30

Giáo viên đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30

Một trong những điều quan rõ nhất là khâu tổng hợp đánh giá thường xuyên sẽ không còn đánh giá theo mức độ: Đạt hay chưa đạt hoặc Hoàn thành hay chưa hoàn thành, mà thay vào đó đánh giá theo mức độ A,B,C.

Đánh giá về điểm đổi mới này, cô Lưu Kim Hồng – Trường TH Huống Thượng, huyện Đồng  Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho rằng phương thức đánh giá theo mức độ A, B, C sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong đánh giá học sinh của mình.

Việc đánh giá theo mức độ đạt hay chưa đạt vô hình chung đã cào bằng kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, không phát huy được tính sáng tạo, linh hoạt của các em.

Đánh giá theo mức độ A, B, C cũng giúp giáo viên đưa ra được những phương pháp và hình thức giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh.

"Tuy nhiên khi khen thưởng học sinh cuối năm thì theo tôi để đạt học sinh hoàn thành xuất sắc ngoài những kết quả đối với các môn học đạt mức A và năng lực phẩm chất đạt mức A thì bài các bài kiểm tra cuối năm cũng đạt điểm 9, 10; tương tự với học sinh đạt hoàn thành tốt thì điểm các bài kiểm tra cuối năm đạt 7, 8", cô Lưu Kim Hồng nói.

Trong khi đó, cô giáo Vũ Thị Thu Hạnh – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Mai (Hà Nội) nhận xét thông tư 30 sửa đổi cụ thể theo các mức độ A, B, C giúp giáo viên có căn cứ để đánh giá.

"Đối với các môn Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Thủ công, Kĩ thuật trong thông tư nên có các mức đánh giá phù hợp, cụ thể đối với từng môn", cô Hạnh góp ý.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Tiểu học Nhân Chính - Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng đánh giá đạt hay chưa đạt hoặc đánh giá theo mức độ A, B, C cũng cần có tiêu chí cụ thể, mục đích chính đều giúp học sinh học tập và rèn luyện tốt hơn, giúp cha mẹ các em biết sức học và quá trình rèn luyện của con mình.

Do vậy, cần có hướng dẫn cụ thể để giáo viên dễ đánh giá. Tuy nhiên, đánh giá theo mức độ A, B, C,... giáo viên dễ thực hiện hơn, dễ phân loại học sinh hơn, từ đó giáo viên có biện pháp giảng dạy và giáo dục tốt hơn là đánh giá theo mức độ Đạt hay chưa Đạt.

Video: Thầy giáo đạo đức bị tố dâm ô học sinh tiểu học

Tuy nhiên, dư luận của cho rằng, việc thay đổi phương thức đánh giá thành mức A,B,C sẽ không khác gì phương thức cho điểm theo cách truyền thống trước kia.

Bình luận về vấn đề này, cô Vũ Thị Thu Hạnh – Phó hiệu trưởng trường TH Khương Mai (Hà Nội) cho rằng khi giáo viên đã hiểu và đồng lòng thực hiện theo thông tư 30 sửa đổi thì ý kiến dư luận sẽ giảm dần.

"Vì vậy cần tập huấn kĩ cho đội ngũ giáo viên và tạo được sự đồng thuận, niềm tin đối với giáo viên", cô Hạnh bày tỏ.

Thầy Nguyễn Xuân Thanh, giáo viên trường Tiểu học Nghĩa Tân (Hà Nội) cho rằng phương thức đánh giá thành mức A,B,C khác phương thức cho điểm theo cách truyền thống trước kia.

"Cách đánh giá này giúp giáo viên, phụ huynh, học sinh vẫn biết được khả năng của học sinh ở mức nào, tuy nhiên, không rành rọt là 10 điểm, 9 điểm hay 3 điểm, 2 điểm, giúp những học sinh chưa đạt chuẩn không bị mặc cảm, tự ti, xấu hổ với bạn bè", thầy Thanh chia sẻ.

Cô Ngô Thị Mai Hương, Trường Tiểu học số 2 Minh Lập – Đồng Hỷ - Thái Nguyên khẳng định đánh giá theo các mức A,B,C khác hoàn toàn với phương thức cho điểm.

"Cho điểm là định lượng rõ ràng, A,B,C không phải là định lượng mà nó chỉ là lượng hóa. Giáo viên phải căn cứ vào các nhận xét để đưa học sinh vào các khoảng( các mức độ A,B,C) để theo dõi, đánh giá", chị Hương chia sẻ.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn